MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những nước châu Âu nào nhận lao động phổ thông Việt Nam?

30-10-2019 - 13:44 PM | Xã hội

Hiện tại, chỉ có 9 quốc gia ở châu Âu cho phép lao động phổ thông Việt Nam làm việc hợp pháp. Người lao động đi làm việc ở các thị trường này đều cần phải có: Hợp đồng lao động; visa và Giấy phép lao động hợp pháp do chính quyền nước tiếp nhận cấp (đảm bảo làm các công việc hợp pháp mà nước tiếp nhận có nhu cầu và cho phép tiếp nhận lao động nước ngoài).


Đây là thông tin Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Gia Liêm trao đổi với báo chí chiều 29/10. Liên quan đến vụ việc đau xót 39 người tử vong trong container tại Anh, ông Nguyễn Gia Liêm cho biết, Vương quốc Anh không cấp giấy phép lao động cho lao động phổ thông của Việt Nam.

Xin ông cho biết những thị trường xuất khẩu lao động phổ biến với lao động Việt Nam?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Hiện nay, các thị trường lao động nước ngoài phổ biến là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Nhật Bản với số lượng dẫn đầu chiếm hơn 50% thị phần xuất khẩu lao động Việt Nam năm 2018. Còn lại là Đài Loan, Hàn Quốc và các thị trường khác ở Trung Đông, châu Âu.

Đối với thị trưởng châu Âu, lao động Việt Nam cần có điều kiện gì để được làm việc hợp pháp, thưa ông?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Thứ nhất, người lao động đi làm việc ở các nước, trong đó có các nước châu Âu phải tuân thủ quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Người lao động đi làm việc tại các nước châu Âu có thể thông qua các hình thức sau: Thông qua các doanh nghiệp đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định và chấp thuận cho phép thực hiện hợp đồng cung ứng lao động. Đối với thị trường châu Âu, hiện nay Cục thẩm định và chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động của một số thị trường và điều kiện hợp đồng như sau: Ba Lan có nghề hàn, cơ khí, chế biến thực phẩm, chi phí đi 3.000 USD; Lithuania có nghề hàn, may mặc, chi phí đi 1.000-1.500 USD; Hungari có nghề nông nghiệp, công nghiệp, chi phí đi 1.650 USD; Bulgaria có nghề cơ khí, chế biến gỗ, may công nghiệp, chi phí đi 1.000 USD; Cộng hòa Cyprus có nghề nông nghiệp, chi phí đi 1.700 USD; Thổ Nhĩ Kỳ có nghề may, chi phí đi 1.300 USD; Slovakia có nghề điện tử, chi phí đi 4.000 USD; Belarus có nghề xây dựng, hàn, mộc chi phí đi 3.500 USD; Bồ Đào Nha có nghề nông nghiệp, chi phí đi 2.000 USD. Các thị trường này có mức lương dao động từ 360-580 EUR/ tháng.

Nếu người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng hình thức Hợp đồng cá nhân thì phải đăng ký hợp đồng cá nhân với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các địa phương, được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các địa phương thẩm định và chấp thuận.

Với hình thức đi làm việc ở nước ngoài bằng hợp đồng cá nhân nghĩa là người lao động tự ký kết hợp đồng lao động với chủ sử dụng ở nước ngoài, trong trường hợp này, yêu cầu người lao động phải có các điều kiện sau: Có trình độ ngoại ngữ đủ để đàm phán hợp đồng với chủ sử dụng nước ngoài; (thường là thành thạo tiếng Anh hoặc tiếng bản địa); có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu của chủ sử dụng lao động (thường là các ngành nghề kỹ thuật bậc cao theo chuẩn nghề quốc tế hoặc kỹ sư). Người lao động tự chịu trách nhiệm với nội dung hợp đồng đã ký với chủ sử dụng lao động đảm bảo đúng với pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận

Thứ hai, người lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có các nước châu Âu) khi có đủ các điều kiện sau đây: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài; có ý thức chấp hành pháp luật, tư cách đạo đức tốt; đủ sức khoẻ theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động; đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động; được cấp chứng chỉ về bồi dưỡng kiến thức cần thiết; không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng một trong hai hình thức trên đều cần phải có: Hợp đồng lao động; visa và Giấy phép lao động hợp pháp do chính quyền nước tiếp nhận cấp (đảm bảo làm các công việc hợp pháp mà nước tiếp nhận có nhu cầu và cho phép tiếp nhận lao động nước ngoài).

Những danh mục nghề và công việc cấm đi làm việc ở nước ngoài theo pháp luật Việt Nam là gì, thưa ông ?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và sức khỏe, nhân phẩm người lao động, pháp luật Việt Nam đã có quy định về những ngành nghề và công việc cấm đi làm việc ở nước ngoài.

Cụ thể: Nghề vũ công, ca sĩ, massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí; công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm), tiếp xúc thường xuyên với mangan, điôxit thủy ngân; công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại; công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất axit nitơric, natri sunfat, disunfua carbon, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, sát trùng, chống mối mọt có độc tính mạnh; công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập; công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương); công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.

Ông có thể đánh giá nguyên nhân tại sao người lao động làm việc trái phép ở châu Âu phải bỏ ra chi phí ban đầu không nhỏ cộng thêm cả nguy hiểm, rủi ro cao nhưng người lao động vẫn muốn đi thay vì chọn các thị trường khác dễ dàng hơn?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Người lao động Việt Nam đi theo kênh tự do có thể vì các lý do: Không có các điều kiện tiêu chuẩn về nghề nghiệp và ngoại ngữ; họ mong đợi sẽ nhận được mức lương cao hơn quy định. Bên cạnh đó, họ không lường trước được những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình di cư bất hợp pháp. Họ bị các đối tượng tuyển chọn bất hợp pháp đưa ra những thông tin sai sự thật, khác xa với thực tế.

Người lao động cần có nhận thức: Đi làm việc ở nước ngoài bằng con đường hợp pháp thì mới an toàn. Di cư lao động hợp pháp có nghĩa là phải ký Hợp đồng lao động với chủ dụng lao động; phải đăng ký đi làm việc ở nước ngoài với cơ quan quản lý lao động ở Việt Nam; phải được chính quyền nước tiếp nhận cấp visa và giấy phép lao động hợp pháp (một số nước như Anh không cấp giấy phép lao động cho lao động phổ thông của Việt Nam).

Người lao động đang làm việc ở nước ngoài nếu cần sự giúp đỡ thì liên hệ với Cơ quan đại diện (Đại sứ quán/ Ban Quản lý lao động) Việt Nam ở nước sở tại; Cục Lãnh sự - Bộ ngoại giao (đường dây nóng bảo hộ công dân); Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ LĐTB&XH.


Theo Thu Cúc

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên