MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những "tân binh" khuấy động sàn chứng khoán năm 2019

Có rất nhiều "tân binh" đã để lại nhiều điểm nhấn trên các sàn chứng khoán năm vừa qua.

Năm 2019 cả 3 sàn chứng khoán HoSE, HNX và Upcom đều đón nhận rất nhiều "tân binh". Khá nhiều trong số đó là những doanh nghiệp chuyển sàn, đặc biệt là những cuộc di chuyển từ Upcom lên HNX hay HoSE.

Không ít những tân binh đã kịp khuấy động các sàn chứng khoán từ những ngày đầu, cũng không ít các tân binh đã im hơi lặng tiếng ngay sau khi lên sàn. Hãy cùng điểm qua những "tân binh" để lại nhiều tiếng tăm năm vừa qua.

PV Power – tân binh đầu tiên của HoSE

Không phải là doanh nghiệp đầu tiên "xông đất" các sàn chứng khoán, nhưng PV Power (POW) là doanh nghiệp đầu tiên đăng ký niêm yết trên HoSE trong năm 2019 vừa qua. PV Power chuyển sàn từ Upcom sang.

Với con số 2,34 tỷ cổ phiếu tương ứng vốn điều lệ 23.400 tỷ đồng, thông tin PV Power được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Trước đó PV Power chỉ đăng ký giao dịch 1/5 số cổ phiếu này trên UpCom.

Kết quả kinh doanh, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2019 đạt 26.239 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ, LNST đạt 2.491 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 184 tỷ đồng trong đó LNST thuộc về công ty mẹ đạt 2.223 tỷ đồng. Như vậy PV Power đã hoàn thành được 80% mục tiêu về doanh thu và vượt 9% mục tiêu về lợi nhuận.

Bên cạnh đó PV Power cũng vừa công bố doanh thu toàn tổng công ty cả năm 2019 ước tính đạt 35.884 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch được giao. Sản lượng điện toàn Tổng công ty đến thời điểm 17/12/2019 đạt 21.617 triệu kWh, hoàn thành 100% kế hoạch năm, về đích trước 14 ngày.

Những tân binh khuấy động sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 1.

Tuy vậy, diễn biến giá cổ phiếu POW lại không được như kỳ vọng. Chào sàn với giá 14.900 đồng/cổ phiếu, POW nhanh chóng tăng lên, xác lập đỉnh mới ở mức giá 17.500 đồng/cổ phiếu trước khi giảm mạnh. Và hiện POW đóng cửa phiên giao dịch cuối năm ở mức giá 11.450 đồng/cổ phiếu, giảm đáng kể 23% so với giá chào sàn.

Những tân binh khuấy động sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu POW từ khi chuyển sàn.

Vietnam Airlines chuyển sàn trong bối cảnh "sức nóng" trên bầu trời ngày một tăng

Một "ông lớn" khác cũng có khá nhiều biến động sau khi chuyển sàn năm 2019 vừa qua là HVN của Vietnam Airlines với hơn 1,4 tỷ cổ phiếu.

Năm 2019 cũng được xem là năm có khá nhiều "tiêu điểm" khi có sự xuất hiện của một hãng hàng không mới – Bamboo Airways. Thêm vào đó, là thông tin về Vinpearl Air, Thiên Minh Airlines cũng đang ngày càng cận kề khiến sức nóng trên bầu trời ngày một đè nặng xuống các hãng hàng không trong cuộc chiến dành thị phần.

Do vậy, việc Vietnam Airlines chuyển sàn niêm yết sang HNX cũng là một "tiền đề" để doanh nghiệp ngành hàng không này bước sang một sân chơi mới rộng lớn với nhiều cơ hội hơn.

Xét về diễn biến giá cổ phiếu, HVN chào sàn HNX ngày 5/7/2019 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 40.600 đồng/cổ phiếu. Thế nhưng chỉ mấy phiên tăng giá lên đến 43.900 đồng/cổ phiếu với hàng triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên, HVN đã bất ngờ giảm dần, trong đó có lúc giảm đến 32.300 đồng/cổ phiếu trước khi phục hồi nhẹ. Hiện HVN đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2019 ở mức 33.750 đồng/cổ phiếu.

Những tân binh khuấy động sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu HVN trong 1 năm gần đây.

Kết quả kinh doanh, tính chung 9 tháng đầu năm 2019 doanh thu thuần đạt 75.094 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 2.513 tỷ đồng, tăng trưởng 28%, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 2.290 tỷ đồng, tăng 34%.

Chính Vietnam Airlines cũng đã chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2019 từ những ngày giữa tháng 10, trong đó kế hoạch doanh thu điều chỉnh giảm còn 104.593 tỷ đồng, tương ứng mức giảm khoảng 6,4%.

Những tân binh khuấy động sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 4.

Viglacera trải qua nhiều biến động trước khi lên niêm yết trên HoSE

Một "ông lớn" khác - Tổng Công ty Viglacera (VGC) - cũng tạo được ấn tượng trên thị trường chứng khoán năm vừa qua khi chuyển sàn niêm yết từ HNX sang HoSE từ 29/5/2019. Tiêu điểm của Viglacera không phải sau khi chuyển sàn, mà những biến động về cổ đông những ngày trước chuyển sàn.

Điểm đáng chú ý đầu tiên là việc Bộ Xây dựng đưa cổ phần Viglacera ra bán đấu giá, và Gelex là một trong những nhà đầu tư đăng ký mua. Bên cạnh đó, Gelex cũng gia tăng tỷ lệ sở hữu bằng cách mua lại cổ phiếu VGC từ nhóm Dragon Capital.

Tính chung lại, trước thời điểm Viglacera chuyển sàn, nhóm Gelex đã nâng tổng lượng sở hữu cổ phiếu VGC lên gần 112 triệu cổ phiếu tương ứng 24,95% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành. Và ngay sau khi chuyển sàn không lâu, ông Nguyễn Văn Tuấn, là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Gelex (GEX), đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT của Viglacera.

Kết quả kinh doanh, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2019 đạt 7.392 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ và hoàn thành gần 80% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 769 tỷ đồng, hoàn thành gần 81% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 612 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đề án kế hoạch 2019, Viglacera còn nhắc đến việc thực hiện lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty về 0% theo đề án của Thủ tướng Chính phủ.

Những tân binh khuấy động sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 5.

Trên thị trường, cổ phiếu VGC lại đang đà giảm sâu, hiện đang về vùng đáy kể từ khi chuyển sàn niêm yết sang HoSE. Hiện VGC đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019 ở mức giá 18.400 đồng/cổ phiếu.

Những tân binh khuấy động sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 6.

Diễn biến giá cổ phiếu VGC trong 1 năm gần đây.

"Hiện tượng" cổ phiếu khu công nghiệp: SIP

Không thuộc hàng các "ông lớn", tuy vậy CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán SIP) lại là "tân binh" có nhiều điểm đáng nói. Nhìn lại nửa năm trước, ngày 6/6/2019 hơn 69 triệu cổ phiếu SIP chào sàn Upcom với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 17.200 đồng/cổ phiếu.

Dù đặt rất nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng của cổ phiếu cũng như các doanh nghiệp ngành khu công nghiệp, tuy vậy chắc chắn không nhà đầu tư nào đoán được diễn biến của cổ phiếu SIP. Cụ thể, SIP đã tăng hơn 8 lần, lên 140.000 đồng/cổ phiếu sau đó là chuỗi ngày điều chỉnh giảm, và hiện SIP đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2019 ở mức 95.000 đồng/cổ phiếu – vẫn gấp 5,5 lần sau gần 6 tháng lên sàn.

Những tân binh khuấy động sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 7.

Diễn biến giá cổ phiếu SIP sau nửa năm lên sàn.

Kết quả kinh doanh của SIP cũng rất thuận lợi với số lãi sau thuế hơn 200 tỷ đồng chỉ trong quý 3, nâng tổng lãi sau thuế 9 tháng đầu năm 2019 lên 416 tỷ đồng, tăng 189% so với cùng kỳ năm 2019 và đã vượt 108% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Tổng doanh thu 9 tháng đạt hơn 3.100 tỷ đồng, cũng tăng 37% so với cùng kỳ và đã vượt kế hoạch năm.

Thêm một ẩn số cho ngành hàng không: Vietravel

Trong năm 2019 sàn Upcom còn đón nhận doanh nghiệp lữ hành Vietravel (VTR) lên sàn. Vietravel còn được các nhà đầu tư chú ý bởi doanh nghiệp này đang kỳ vọng tham gia vào thị trường hiện đang khá chật chội là ngành hàng không với việc góp vốn thành lập công ty Vietravel Airlines.

Bản thân Vietravel cũng cho rằng, việc tham gia vào lĩnh vực hàng không trước hết để thuận tiện cho chính doanh nghiệp mình khi hàng năm công ty phải mua lượng lớn vé may bay phục vụ tour, thậm chí thuê chuyến để phục vụ các tour riêng.

Cổ phiếu VTR giao dịch phiên đầu tiên trên Upcom vào này 27/9/2019 với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên 40.000 đồng/cổ phiếu. Không phụ kỳ vọng, VTR tăng trần 4 phiên liên tiếp ngay khi chào sàn, nhanh chóng tăng hơn gấp đôi, đạt đỉnh ở mức 85.100 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên đà tăng được giữ không lâu, ngay khi tăng sốc là đến giai đoạn giảm sâu, VTR nhanh chóng về dưới ngưỡng 50.000 đồng/cổ phiếu, và đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2019 ở mức 52.500 đồng/cổ phiếu.

Những tân binh khuấy động sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 8.

Diễn biến giá cổ phiếu VTR từ khi lên sàn.

Kết quả kinh doanh, doanh thu 9 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 5.804 tỷ đồng, giảm 3,4% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế tăng 11,1%, lên trên 54 tỷ đồng.

Sau Vietravel đến lượt Vietourist lên sàn

Tiếp nối thành công sau khi lên sàn của Vietravel, doanh nghiệp lữ hành khác là Vietourist (VTD) cũng đưa 1,8 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 8.600 đồng/cổ phiếu. VTD cũng tăng trần 4 phiên liên tiếp. Sau đó chuỗi tăng giá vẫn chưa chấm dứt, tạo đỉnh mới ở mức 31.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 29/11/2019 – sau chưa đầy 1 tháng lên sàn. Mức giá này gấp 3,7 lần giá chào sàn.

Đáng chú ý, VTD vẫn duy trì được mức giá giao dịch rất cao, đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2019 ở mức 29.500 đồng/cổ phiếu.

Những tân binh khuấy động sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 9.

Diễn biến giá cổ phiếu VTD từ khi lên sàn.

Tân binh biến động "lên voi xuống chó" nhất trong năm

PV Power, Vietnam Airlines (HVN), Viglacera là cái tên của những "ông lớn", còn rất nhiều tân binh đã khuấy động sàn chứng khoán thực sự năm vừa qua. Lấy điển hình như cổ phiếu VHE của CTCP Dược liệu và thực phẩm Hà Nội (Vewe). Doanh nghiệp ngành dược liệu này cũng là đơn vị đầu tiên "xông đất" sàn HNX năm 2019.

Nhìn lại thời điểm đó, ngày 14/1/2019 có 8,8 triệu cổ phiếu VHE lên niêm yết trên HNX với giá tham chiếu 15.000 đồng/cổ phiếu. Đây là doanh nghiệp có "tuổi đời" khá trẻ, được thành lập năm 2016 với vốn điều lệ ban đầu 88 tỷ đồng. Từ đó đến nay công ty chưa tiến hành tăng vốn điều lệ.

Ngay khi lên sàn, VHE đã nhanh chóng tăng điểm, lên hơn gấp đôi, đạt đỉnh ở mức 30.800 đồng/cổ phiếu với 4 phiên tăng trần trong tổng số 6 phiên giao dịch đầu tiên trên HNX. Dù sau đó có điều chỉnh giảm nhẹ, nhưng VHE vẫn giữ nguyên được vùng giá cao từ vùng giá 25.000 đến 30.000 đồng/cổ phiếu khá lâu.

VHE chỉ bắt đầu "có biến" từ những ngày cuối tháng 7/2019 với phiên giảm sàn đầu tiên ngày 30/7/2019. Ngay sau đó là những phiên giảm liên tiếp, thậm chí xuống dưới mệnh giá. VHE duy trì giao dịch dưới mệnh giá từ 26/9/2019 và còn giảm sâu hơn nữa.

Thậm chí phiên giao dịch cuối cùng năm 2019 VHE còn giảm sàn về mức 5.700 đồng/cổ phiếu, mất đi gần 2/3 giá trị so với ngày chào sàn và chỉ còn 1/6 giá trị so với đỉnh đạt được trước đó.

Những tân binh khuấy động sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 10.

Diễn biến giá cổ phiếu VHE từ khi lên sàn.

Nguyên nhân diễn biến cổ phiếu VHE một phần có thể từ kết quả kinh doanh của công ty. Từ số lãi sau thuế gần 1,4 tỷ đồng quý 1, số lãi đã tăng gấp 3,5 lần vào quý 2. Tuy nhiên quý 3 doanh thu bất ngờ giảm sâu, còn gần 1/3 cùng kỳ và lợi nhuận chỉ hơn 132 triệu đồng. Dù lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm 2019 vẫn đạt hơn 9 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ nhưng biến động lớn ở kết quả kinh doanh quý 3 cũng khiến các nhà đầu tư hoài nghi. Thanh khoản thị trường của cổ phiếu VHE quý cuối năm 2019 cũng giảm đáng kể so với trước đó.

Doanh nghiệp phá vỡ kỷ lục về thị giá trên thị trường

Điểm nhấn nhất trong năm 2019 là doanh nghiệp "bé hạt tiêu" Công ty TNHH MTV In và Phát hành biểu mẫu thống kê với 138.231 cổ phiếu đăng ký giao dịch.

Đáng chú ý, phiên IPO của Công ty diễn ra ngày 15/5/2019 với 138.231 cổ phiếu được đấu giá thành công. Giá khởi điểm 27.200 đồng/cổ phiếu trong khi giá trúng thầu bình quân 410.960 đồng/cổ phần, gấp 15 lần giá khởi điểm.

Sau cổ phần hóa, công ty đưa cổ phiếu lên sàn với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 411.000 đồng – trở thành doanh nghiệp phá vỡ kỷ lục về thị giá giao dịch các cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam hiện tại.

Tuy nhiên "khởi điểm" là tất cả những gì IPH có. Ngay sau khi lên sàn, IPH đã giảm sàn kịch biên độ 40%, về mức 245.600 đồng/cổ phiếu với vỏn vẹn 100 cổ phiếu khớp lệnh. Giá cổ phiếu IPH sau phiên chào sàn đã không rơi vào trạng thái giảm triền miên, thanh khoản thị trường cũng rất thấp, tuy vậy chỉ 2 phiên giảm sau đó, IPH đã rơi về mức 185.000 đồng/cổ phiếu – và mức giá này được duy trì khá lâu, đến phiên giao dịch ngày 6/11 giảm về 111.000 đồng/cổ phiếu và sau đó giảm về 69.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay.

Và cũng chỉ sau những thông tin gây "sốc" về việc phá vỡ thị giá trên thị trường, thì IPH không có gì đặc biệt, thanh khoản thị trường hầu như không có.

Những tân binh khuấy động sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 11.

Diễn biến giá cổ phiếu IPH từ khi lên sàn.

TNS Holdings - doanh nghiệp cung cấp gói toàn diện về dịch vụ quản lý tòa nhà

Một cái tên khá "lạ" nhưng không quá xa lạ khác là TNS Holdings – một thành viên của TNG Holdings – là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ trọn gói nhằm vận hành, quản lý tòa nhà dân cư, khu văn phòng, bao gồm cả dịch vụ vệ sỹ và vệ sinh.

TNS Holdinngs đăng ký niêm yết trên HoSE với mà chứng khoán TN1, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 30.000 đồng/cổ phiếu. Ngay khi lên sàn, TN1 đã được các nhà đầu tư để mắt tới với 8 phiên tăng trần trong tổng số 15 phiên giao dịch đầu tiên. Tuy nhiên, số lượng cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên không nhiều, những phiên đầu cũng chỉ 30 cổ phiếu khớp lệnh.

TN1 nhanh chóng tăng gấp đôi lên 59.400 đồng/cổ phiếu chỉ sau khoảng nửa tháng lên sàn. Và nhịp tăng thứ 2 đã đẩy giá cổ phiếu TN1 lên 67.200 đồng/cổ phiếu trước khi điều chỉnh giảm, nhưng vẫn duy trì mức giá rất cao, hơn gấp đôi ngày chào sàn. TN1 đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2019 trên HoSE ở mức 64.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản thị trường tăng đáng có so với hồi mới lên sàn.

Những tân binh khuấy động sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 12.

Diễn biến giá cổ phiếu TN1 từ khi lên sàn.

Về Kết quả kinh doanh, doanh thu 9 tháng đầu năm 2019 đạt 421 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế đạt 87 tỷ đồng, tăng 43% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm ngoái. EPS đạt 6.505 đồng. Năm 2019 TNS Holdings đặt mục tiêu đạt 681 tỷ đồng doanh thu và 84 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tính đến hết 9 tháng, TNS Hodings đã thực hiện được 62% kế hoạch doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm.

Petrowaco với nhiều biến động

Nhắc đến những tân binh khuấy động thị trường năm vừa qua cũng không quên nhắc đến PWA của CTCP Bất động sản dầu khí (Petrowaco). Trên thực tế, trước đó từ năm 2010 Petrowaco đã từng nộp hồ sơ xin đăng ký niêm yết trên HNX, tuy nhiên sau đó đã rút hồ sơ khi nhận định thị trường không thuận lợi, việc niêm yết cổ phiếu không đáp ứng được mong muốn của cổ đông hiện hữu và các nhà đầu tư.

Gần chục năm sau khi Petrowaco quyết định lên sàn, vốn điều lệ của công ty vẫn giữ nguyên 100 tỷ đồng, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 12.000 đồng/cổ phiếu. Ngay khi lên sàn PWA đã giảm sâu về xuống dưới mệnh giá. Tuy nhiên tình trạng giảm chỉ kéo dài vài tuần trước khi ngược dòng tăng mạnh, thậm chí có lúc giao dịch trên 23.000 đồng/cổ phiếu trước khi giảm trở lại, và hiện đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2019 ở mức 10.400 đồng/cổ phiếu.

Những tân binh khuấy động sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 13.

Diễn biến giá cổ phiếu PWA trong 1 năm gần đây.

Masan MeatLife chốt lại năm 2019

Những ngày cuối năm 2019 thị trường chứng khoán còn đón nhận thêm hơn 324 triệu cổ phiếu MML của Masan MeatLife – một "đứa con" khác của họ Masan. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 80.000 đồng. Tuy vậy, sau nửa tháng lên sàn, MML đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2019 ở mức giá 66.000 đồng/cổ phiếu, mất đi 17,5% giá trị.

Việc MML nhanh chóng giảm mạnh có thể nằm ngoài dự đoán của nhiều nhà đầu tư bởi Masan MeadLife lên sàn trong bối cảnh thời điểm cuối năm, giá thịt lợn, hàng tiêu dùng tăng cao, cộng thêm vào đó là thông tin chuỗi bán lẻ Vinmart, Vinmart+... được chuyển giao cho Masan. Với những "điểm cộng" trên thì nhà đầu tư kỳ vọng giá cổ phiếu MML sẽ tăng vọt. Tuy nhiên, trên thực tế MML đã giảm điểm 2 phiên liên tiếp sau khi lên sàn, xuống 65.100 đồng/cổ phiếu trước khi phục hồi nhẹ.

Những tân binh khuấy động sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 14.

Diễn biến giá cổ phiếu MML từ khi lên sàn.

Khép lại năm 2019

Năm 2019 đã khép lại, thị trường chứng khoán đã mở ra phiên giao dịch đầu tiên năm 2020 với nhiều kỳ vọng mới. VnIndex đã tăng 6 điểm trong phiên đầu năm là dấu hiệu tốt cho các nhà đầu tư trong năm 2020 này.

Thạch Lâm

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên