MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những tuyệt chiêu kiểm soát nỗi sợ khi thị trường đỏ máu?

08-04-2018 - 20:10 PM | Tài chính quốc tế

Khi nghe tin thị trường vừa có một phiên sụt giảm mạnh, điều gì ngay lập tức diễn ra trong đầu bạn? Đó là cảm giác sợ hãi, hoảng loạn.

Vì sao chúng ta sợ hãi?

Trung tâm của sự sợ hãi xuất phát từ một bộ phận rất nhỏ trong não, tên là hạch hạnh nhân. Ngay khi cơ thể gặp phải những kích thích tiêu cực bất ngờ, cơ quan này sẽ phản ứng trong vòng 12 phần nghìn giây (một cái chớp mắt diễn ra trong 300 phần nghìn dây).

Khi các cổ phiếu mà bạn nắm giữ sụt giảm, cảm giác thua lỗ tài chính kích thích hạch hạnh nhân của não bộ, ngay lập tức tạo ra phản ứng "giữ hay thoát hàng" giống như cảm giác "đánh hay chạy" của những con thú khi bị dồn vào chân tường. Đó là bản năng. Cảm giác này giống hệt việc tim bạn đập nhanh hơn trong khoảnh khắc chuông báo cháy kêu, hay giật mình khi một con rắn xuất hiện trước mắt. Cũng như thế, bạn lập tức cảm thấy sợ khi cổ phiếu giảm giá mạnh.

Trên thực tế, các nhà tâm lý học nổi tiếng Daniel Kahneman và Amos Tversky, hai người được trao giải Nobel năm 2002, đã chỉ ra rằng cảm giác đau đớn khi mất mát tài chính lớn gấp đôi so với niềm vui khi nhận được cùng một khoản tương tự. Việc kiếm được 1 tỷ đồng khi lãi chứng khoán thật tuyệt vời. Nhưng việc lỗ 1 tỷ đồng còn tồi tệ gấp đôi. Nhiều người sợ mất tiền đến nỗi, chứng khoán giảm vài ba phiên, họ đã kinh sợ bởi khả năng sẽ mất thêm nữa. Họ quyết định bán tháo cổ phiếu và không bao giờ mua lại nữa bất chấp sau đó họ nhận thấy dường như mình vừa bán ra cổ phiếu ở đáy.

Sau đợt giảm giá dữ dội của chứng khoán Mỹ hồi tháng 10/2002 (bong bóng dotcom), rất nhiều người đã không dám quay trở lại thị trường. Họ bỏ lỡ cơ hội lấy lại những gì đã mất, khi các chỉ số chứng khoán chính S&P 500 và DJIA đã tăng liên tục trong 4 năm sau đó và vượt đỉnh vào năm 2007. Tình trạng tương tự có lẽ cũng đã diễn ra với những người thua lỗ trong khủng hoảng tài chính năm 2008, khi chỉ cuối năm 2013, hai chỉ số này đã vượt mức đỉnh của cuộc khủng hoảng.

Năm 2014, nhiều nhà đầu tư Việt Nam đã vô cùng hoảng sợ khi chỉ số VN-Index giảm gần 33 điểm trong phiên giao dịch Sự kiện Biển Đông (8/5). Gần đây, thị trường chứng kiến một vài phiên chỉ số này giảm số điểm tương tự, hẳn vẫn rất nhiều người vẫn còn cảm giác sợ hãi như 3 năm trước. Mặc dù hầu như mọi người đều nhận ra mức giảm 33 điểm ở thời điểm hiện tại chỉ tương đương mức giảm 15 điểm, tức khoảng 3%, ở thời điểm tháng 5/2014 (bởi chỉ số VN-Index đã tăng gấp đôi so với thời điểm đó). Để thấy rõ hơn nữa sự vô lý của mình, hãy tưởng tượng bạn có cảm thấy đáng kể không nếu được thông báo nhiệt độ sẽ giảm từ 30 độ xuống còn 29 độ trong ngày mai (cùng một mức giảm theo %)?

Những tuyệt chiêu kiểm soát nỗi sợ khi thị trường đỏ máu? - Ảnh 1.

Vậy làm thế nào để kiểm soát sự sợ hãi khi chứng khoán sụt giảm?

Một lần, tiến sĩ tâm lý học Ochsner thuộc Đại học Columbia ở New York mời một nhà báo nổi tiếng với các bài viết về đầu tư đến phòng thí nghiệm để ăn trưa. Vị nhà báo ngay lập tức cảm thấy rất kinh hoàng khi trước mắt hiện ra bức ảnh cỡ lớn chụp một người đàn ông vừa bị cắt tất cả các ngón tay trong một vụ tai nạn. Máu vẫn đang rơi xuống sàn nhà.

Sau đó, tiến sĩ nhắc vị nhà báo đánh giá kỹ lại một lần nữa toàn bộ bức tranh. Dường như ngay lập tức, vị nhà báo nhận ra đây chỉ là bức ảnh chụp lại từ một bộ phim kinh dị. Khi suy nghĩ theo hướng đó, ông chợt nhận ra phần thịt nơi ngón tay bị cắt có vẻ như được hóa trang bằng nhựa màu.

Rõ ràng, cảm xúc tiêu cực bị các phán xét ban đầu dẫn dắt. Não bộ được thiết kế để dòng suy nghĩ diễn ra theo một xu hướng phiến diện. Trớ trêu thay, các phản xạ thường xuất phát với những tư duy tiêu cực.

Tuy nhiên, khi biết được tâm lý sợ hãi có thể được kiểm soát nếu chúng ta rèn luyện để luôn uốn nắn não bộ suy nghĩ theo hướng tích cực. Sau đây là một số gợi ý để kiểm soát sự hoảng loạn.

Đánh giá lại tình huống. Giống như câu chuyện vị nhà báo kia từng trải qua, nhà đầu tư thông thường sẽ ngay lập tức nghĩ tới viễn cảnh tồi tệ nếu như cổ phiếu có một phiên sụt giảm mạnh 7%. Thay vì sợ hãi vì nghĩ rằng mình đang giữ cổ phiếu và cần bán nhưng giá lại giảm, hãy nghĩ theo chiều hướng ngược lại. Bạn sẽ huy động tiền  và cần mua thêm cổ phiếu, lại may mắn gặp được đợt giảm giá khuyến mãi. Nếu một công ty có lịch sử hoạt động tương đối dài, có lợi nhuận tốt và thông tin minh bạch, xác xuất để công ty phá sản sau một vài phiên giảm giá đột ngột là rất thấp.

Quan sát bản thân. Hãy tưởng tượng bạn gặp phải một người khác vừa gặp phải một vụ thua lỗ trên giấy tờ do cổ phiếu sụt giảm tương tự và bạn cần phải động viên anh ấy. Bạn sẽ hỏi anh ấy một câu quan trọng đó là "Ngoài giá ra, có thứ gì khác của doanh nghiệp đã thay đổi không? Các yếu tố ban đầu khiến bạn đầu tư vào doanh nghiệp đó vẫn còn y nguyên chứ?". Nếu câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên là "Không" và cho câu hỏi thứ hai là "Đúng" thì hẳn bạn đã có cái nhìn chuẩn xác hơn về sự sụt giảm vô lý của thị trường. Khi bản thân mình vừa trải qua một đợt sụt giảm mạnh, bạn cũng nên tự hỏi những câu tương tự.

Kiểm soát tâm trạng của bản thân. Việc chứng kiến người khác đau đớn hay thậm chí cổ phiếu của bạn vẫn tăng giá trong phiên mà thị trường sụt giảm, bạn vẫn có thể sợ hãi. Thời gian gần đây, VN-Index liên tục xuất hiện những phiên dao động mạnh, có lẽ trong phiên đã không ít người bán tháo cổ phiếu ở đầu ngày sau đó mua lại vào cuối ngày. Cá biệt có một số phiên, nhà đầu tư ở thị trường cơ sở bị hoảng loạn khi thấy các chỉ số tương lai bị bán tháo, rõ ràng là một chuyện rất vô lý. Để tránh bị kích động vì những rung lắc của chỉ số, bạn nên tách mình khỏi bảng điện trong suốt giờ giao dịch. Bạn chỉ cần ngồi trước bảng điện trong những phiên mà bạn thực sự cần bán cổ phiếu vì một lý do cá nhân không liên quan đến thị trường.

Theo dõi cảm xúc của bạn. Hãy nhìn lại phản ứng của chính mình trong những phiên thị trường giảm điểm mạnh mẽ, như Sự kiện Bầu Kiên, Sự kiện Biển Đông, hay Ngày bầu cử Donald Trump chẳng hạn. Rõ ràng, mọi người đều nhận ra những phiên thị trường giảm điểm bởi một lý do hết sức vô lý như vậy đều là cơ hội tuyệt vời cho những nhà đầu tư mua vào cổ phiếu, chứ không phải là cơ hội cuối cùng cho mọi người để bán ra cổ phiếu.

Nhiều nhà đầu tư luôn rơi vào tình trạng mua đỉnh bán đáy, nguyên nhân quan trọng xuất phát từ việc kiểm soát tâm lý của bản thân, chứ không phải do thị trường. Thực tế, khi giá cổ phiếu sụt giảm mạnh đến nỗi tạo ra sự hoảng loạn cho số đông nhà đầu tư khiến họ bán ra, thì đó là lúc các nhà đầu tư giá trị chuẩn bị sẵn rất nhiều tiền để mua vào. Vì khi đó, giá cổ phiếu giảm do sự phi lý của thị trường, chứ không vì triển vọng lợi nhuận tồi tệ của doanh nghiệp. Giá cổ phiếu sau đó không giảm nữa, vì phần lớn những người hoảng loạn đều đã bán ra hết. Còn các nhà đầutư giá trị mua trọn lượng cổ phiếu này, sẽ tiếp tục nắm giữ vì giá lúc này đang thấp hơn giá trị thực.

Nhà đầu tư thông minh là những người hành động khi bản thân vẫn kiên nhẫn và can đảm và không hành động trong tình trạng hoảng loạn.

Quang Huân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên