MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những ý kiến nào của đại biểu Quốc hội được tiếp thu và bổ sung vào dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu?

07-06-2017 - 15:47 PM | Tài chính - ngân hàng

​Trong các vấn đề lớn mà đại biểu nêu có phạm vi nợ xấu cần khoanh lại trước năm 2016, nhưng theo Thống đốc việc nghị quyết áp dụng cho cả nợ xấu hiện tại và nợ xấu phát sinh là rất cần thiết.

Phát biểu giải trình và tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội sáng này 6/7 về vấn đề xử lý nợ xấu trong dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu để bổ sung vào dự thảo.

Thứ nhất đó là về nguyên tắc xử lý nợ xấu không dùng ngân sách Nhà nước.

Thứ hai là bổ sung nguyên tắc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và làm trái quy định pháp luật gây ra nợ xấu và tổn thất cho hoạt động của ngân hàng.

Thứ ba, tiếp thu bổ sung khái niệm về nợ xấu, tiếp thu và quy định rõ ràng đã bổ sung một phụ lục về xác định nợ xấu đính kèm nghị quyết đảm bảo rõ ràng minh bạch và bổ sung các quy định về thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi phụ lục này theo đề nghị của Chính phủ.

Liên quan đến một số vấn đề lớn mà đại biểu có nêu về phạm vi nợ xấu, như ý kiến của đại biểu Mai Sĩ Diến đoàn Thanh Hóa, Hoàng Mai đoàn Tiền Giang, Nguyễn Thanh Xuân đoàn Cần Thơ và Hà Thị Minh Tâm đoàn Hà Nam, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, Dự thảo nghị quyết quy định phạm vi áp dụng các khoản nợ xấu được điều chỉnh tại nghị quyết bao gồm cả nợ xấu hiện tại và nợ xấu phát sinh trong khoảng thời gian có hiệu lực của nghị quyết và không bị giới hạn về thời điểm phát sinh nợ xấu và phạm vi điều chỉnh như trên rất cần thiết vì một số lý do sau:

Một là, việc giới hạn phạm vi nợ xấu được xử lý theo quy định tại nghị quyết chỉ gồm nợ xấu hiện tại sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu mà xử lý triệt để và toàn diện nợ xấu. Tính đến 31/12/2016 thì tỷ lệ nợ xấu nội bản và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm khoảng 5,8%. Nếu tính toàn bộ các khoản nợ về bản chất là nợ xấu thì khoảng 10,08%. Trong khi nợ xấu luôn tiềm ẩn và phát sinh hằng ngày với hoạt động của các tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, về bản chất, hoạt động của các tổ chức tín dụng rất dễ rủi ro và xảy ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tính trung bình NHNN đánh giá trong những năm qua thì nợ xấu phát sinh hằng năm là từ 1,3% - 1,5% phát sinh thêm.

Hai là, một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tiếp tục gia tăng là các khó khăn, vướng mắc trong các quy định hiện hành. Nếu nghị quyết mà có cơ chế về mặt pháp lý để tháo gỡ những khó khăn hiện tại thì mới đủ cơ sở cũng như phạm vi về thời gian để chúng ta có thể xử lý một cách triệt để các khoản nợ xấu và các khoản nợ mà theo đánh giá về bản chất là nợ xấu khi đến hạn. Việc chỉ xử lý nợ xấu đến thời điểm phạm vi nhất định thì cũng tạo cơ chế không được đồng bộ. Vì một tổ chức tín dụng có khoản nợ xấu thì xử lý được theo quy định của nghị quyết nhưng cũng có khoản nợ xấu lại thực hiện theo các quy định khác của pháp luật thì rất vướng mắc cho các tổ chức tín dụng trong việc tổ chức thực hiện trên thực tế.

Một số vấn đề mà một số đại biểu có nêu ý kiến về nội dung rất quan trọng là về thu giữ tài sản. Như đại biểu Nguyễn Duy Hữu đoàn Đắk Lắk, đại biểu Phú Quốc đoàn Tp. Hồ Chí Minh, đại biểu Mỹ Dung đoàn Long An, đại biểu Anh Tuấn đoàn Nam Định thì theo đại diện NHNN:

Việc thu giữ tài sản bảo đảm có ảnh hưởng đến quy định của Hiến pháp về quyền công dân, về quyền chỗ ở. Theo NHNN quyền thu giữ tài sản bảo đảm là quyền đương nhiên và chính đáng mà tổ chức tín dụng có được theo thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ giữa tổ chức tín dụng và khách hàng khi xác lập giao dịch cấp tín dụng và giao dịch bảo đảm. Các thỏa thuận về quyền thu giữ các bên liên quan là phù hợp với hiến pháp và quy định của pháp luật. Trường hợp các tổ chức, cá nhân tự nguyện đem tài sản của mình thế chấp, cầm cố để đảm bảo cho việc trả nợ là giao dịch dân sự sẽ làm phát sinh nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo hay nói cách khác là quyền thu giữ tài sản đảm bảo đã được đồng ý trên cơ sở tự nguyện của các bên.

Về quyền nhà ở, việc thực hiện quyền thu giữ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện đã có tại hợp đồng bảo đảm giữa các bên và như vậy việc thu giữ là nhà ở và về nguyên tắc chủ nhà khi đã giao kết hợp đồng giao dịch bảo đảm thì đã nhất trí cho việc thu giữ này.

Về một số vấn đề như bán đấu giá nợ xấu theo giá thị trường như một số ý kiến của Quốc hội, tư lệnh ngành ngân hàng giải thích thêm thẩm quyền quy định bán đấu giá tài sản đã được quy định tại Bộ luật dân sự và các nghị định của Chính phủ đã cho phép các bên thảo thuận, nhưng các bên vay cũng được quyền thỏa thuận nếu có sự chấp thuận của các bên đi vay thì pháp luật cho phép bán theo cơ chế thỏa thuận. Trong trường hợp có sự tranh chấp thì việc đó phải được thực hiện qua đấu giá, định giá theo các quy định đấu giá và xử lý tài sản, cho nên chúng tôi đảm bảo quy định trong này chấp hành theo quy định và đảm bảo cơ chế công khai, minh bạch.

Cuối cùng một số vấn đề liên quan đến Luật tổ chức tín dụng, tư lệnh ngành ngân hàng cũng xin tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội về các nội dung liên quan đến Luật tổ chức tín dụng và trong quá trình phối hợp với các cơ quan của Quốc hội.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên