MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nikkei: Các quốc gia láng giềng của Triều Tiên nhìn nhận ra sao về kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều?

Nhật Bản và Hàn Quốc ca ngợi nỗ lực của Tổng thống Trump, Trung Quốc tỏ ra lạc quan và Nga thừa nhận đây là vấn đề không thể giải quyết trong một lần.

Cho dù cuộc đàm phán giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un không đi đến một lễ ký kết chính thức nào, các nhà lãnh đạo của khu vực Đông Á đều ghi nhận những nỗ lực để đạt được hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu tại một sự kiện vào ngày 1/3/2019 - kỷ niệm 100 năm cuộc nổi dậy chống lại sự thống trị của thực dân Nhật Bản, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cho rằng, ông Trump và ông Kim "đã có những tiến bộ có ý nghĩa" trong suốt Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại Hà Nội.

Tổng thống Moon, vẫn luôn cho rằng mình phải đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Washington và Bình Nhưỡng. Ông đã phải đối mặt với nhiều nguy cơ khi thúc đẩy xây dựng mối quan hệ kinh tế với Triều Tiên. Trong khi việc tạm ngừng đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên có thể buộc ông phải suy nghĩ lại về việc hợp tác với Bình Nhưỡng, ông đã công bố tại buổi lễ về "Chính sách bán đảo Triều Tiên mới".

"Tôi rất trân trọng và đánh giá cao Tổng thống Trump, người đã bày tỏ cam kết tiếp tục đàm phán và quan điểm lạc quan" - ông Moon cho biết - "Tôi tin rằng đây là một phần của quá trình để đạt được mức độ thỏa thuận cao hơn".

Trung Quốc cũng thể hiện sự lạc quan về kết quả của Hội nghị thượng đỉnh. Trong cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Kil Song tại Bắc Kinh ngày 28/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi nói rằng vấn đề Bán đảo Triều Tiên cần được giải quyết thông qua đối thoại, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong quá trình này. 

Nikkei: Các quốc gia láng giềng của Triều Tiên nhìn nhận ra sao về kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều? - Ảnh 1.

Tân Hoa Xã đưa tin: "Khó khăn là không thể tránh khỏi khi các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ đã đề cấp đến các vấn đề rất sâu rộng" - ông Wang nói – "Trung Quốc hy vọng rằng Triều Tiên và Hoa Kỳ có thể củng cố lòng tin, kiên nhẫn, tiếp tục đàm phán, thống nhất quan điểm và nỗ lực không ngừng cho mục tiêu".

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhắc lại việc muốn gặp chủ tịch Kim Jong Un để thảo luận về vấn đề con tin Nhật Bản trong thập niên 1970 và 1980.

"Tôi biết rằng tôi cần phải gặp mặt Chủ tịch Kim" - ông Abe chia sẻ - "Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để giải quyết các vấn đề vũ khí hạt nhân và tên lửa".

Nikkei: Các quốc gia láng giềng của Triều Tiên nhìn nhận ra sao về kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều? - Ảnh 2.

Ông Taro Kono - Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, cho biết chính phủ của ông ủng hộ cách tiếp cận của Trump vì "ông Trump đang tìm kiếm phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược". Một quan chức thân cận với ông Abe nói rằng việc trì hoãn quá trình thỏa thuận sẽ tốt hơn là Hoa Kỳ và Triều Tiên ký kết một hiệp ước vội vàng.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, người có mặt cùng Tổng thống Trump trong các cuộc họp với lãnh đạo Kim, đã cố gắng làm rõ những gì đã xảy ra ở Hà Nội. Trong bài phát biểu trước các phóng viên ở Manila, ông nói rằng Tổng thống của mình "đã hoàn toàn đúng đắn".

"Về cơ bản họ đã yêu cầu giảm nhẹ lệnh trừng phạt, đó là sự thật, về cơ bản họ đã yêu cầu điều đó" - ông Pompeo nói. "Đó là một cuộc trao đổi, nhưng phạm vi không rõ ràng của nó là điều khiến Tổng thống Trump không thể đánh đổi bằng việc gỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt".

Nga, thành viên khác của quá trình đàm phán sáu bên về giải trừ hạt nhân Triều Tiên cũng đã biểu hiện thái độ lạc quan trước kết quả này. Phát ngôn viên của điện Kremlin – ông Dmitry Peskov nói với các phóng viên: "Moscow nhận được thông tin rằng các cuộc đàm phán không chấm dứt hoàn toàn ở đó", họ cho rằng việc cẩn thận trong "những bước nhỏ" và sự linh hoạt có thể dẫn đến kết quả tiến bộ hơn.

Nikkei: Các quốc gia láng giềng của Triều Tiên nhìn nhận ra sao về kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều? - Ảnh 3.

Ông Peskov cho biết chương trình hạt nhân của Triều Tiên là một vấn đề phức tạp và "không thể giải quyết trong một lần".

Nguyễn Thái Quỳnh Trang

Nikkei Asian Review

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên