MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nikkei: Trung Quốc thống trị thị trường xuất khẩu toàn cầu bất chấp chiến tranh thương mại?

30-11-2020 - 10:05 AM | Tài chính quốc tế

Nikkei: Trung Quốc thống trị thị trường xuất khẩu toàn cầu bất chấp chiến tranh thương mại?

Tỷ trọng đóng góp của Trung Quốc trong xuất khẩu toàn cầu thực ra đang tăng lên và giờ đây thậm chí còn lên cao hơn cả ngưỡng trước chiến tranh thương mại toàn cầu năm 2018.

Mức độ phụ thuộc của kinh tế toàn cầu lên kinh tế Trung Quốc đang ngày một trở nên rõ ràng hơn, theo nhận định của báo Nikkei trong bài đăng mới đây. Khi mà đại dịch Covid-19 đang gây tổn hại đến chuỗi cung ứng toàn cầu, ngày một nhiều người nói đến việc cần giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Thế nhưng trên thực tế tỷ trọng đóng góp của Trung Quốc trong xuất khẩu toàn cầu thực ra đang tăng lên và giờ đây thậm chí còn lên cao hơn cả ngưỡng trước chiến tranh thương mại toàn cầu năm 2018.

Nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mới ký kết vừa qua giữa 15 nước châu Á và châu Đại dương sẽ còn khiến cho sự hiện diện của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu tăng cao hơn nữa.

Số lượng sản phẩm mà Trung Quốc nắm tỷ trọng cao trên các thị trường xuất khẩu toàn cầu đang tăng lên.

Nikkei đã tiến hành phân tích khoảng 3.800 sản phẩm hiện đang thuộc diện theo dõi của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC). Nikkei phát hiện ra rằng vào năm 2019, có 320 sản phẩm mà Trung Quốc nắm tỷ trọng hơn 50% trên các thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, ở thời điểm năm 2001 khi mà Trung Quốc mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), con số này chỉ là 61.

Giá trị xuất khẩu của máy tính cỡ nhỏ được sản xuất tại Trung Quốc chiếm 66% trong tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này năm 2019 ước tính khoảng 95,6 tỷ USD.

Tỷ trọng nói trên đối với mặt hàng linh kiện tinh thể lỏng được sử dụng trong máy tính cá nhân và điện thoại thông minh ước tính khoảng trên 50%, tỷ trọng của máy điều hòa ước tính 57%, sản phẩm vệ sinh dùng trong nhà tắm 80% - đều là những con số rất cao.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 căng thẳng, nhu cầu đối với các sản phẩm này tăng lên do quy định yêu cầu người dân ở nhà trong bối cảnh đại dịch. Xu thế này càng rõ ràng hơn nếu nhìn vào tình hình xuất khẩu của Trung Quốc sang nhóm nền kinh tế lớn.

Tháng 2/2020, Trung Quốc chiếm 14% trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của nhóm nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có bao gồm Trung Quốc. Tỷ trọng này tăng đều qua các tháng, ví như 17% vào tháng 3/2020, 24% vào tháng 4/2020, chính quyền Bắc Kinh cố gắng kiềm chế đại dịch thành công trong khi nhiều nước khác vẫn còn chật vật.

Từ tháng 4/2020 cho đến nay, tỷ lệ trên tăng bền vững trên 20%, vượt ngưỡng lịch sử 19% vào năm 2015. Tiêu dùng tại châu Âu và Mỹ hồi phục trong suốt năm 2020 cũng đã hỗ trợ quan trọng giúp cho xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng mạnh, số liệu mới công bố cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc hiện còn cao hơn so với ngưỡng trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc bắt đầu.

Theo hải quan tại thành phố Thiên Tân, cảng lớn nhất tại miền Bắc Trung Quốc, xuất khẩu đang tăng đều đặn. Chuỗi cung ứng tại Trung Quốc đã hồi phục nhanh hơn so với nhiều nước khác, nhiều công ty sản xuất cũng đang mở rộng về quy mô. Một công ty tại thành phố Thiên Tân nói với Nikkei rằng họ có đủ đơn hàng xe đạp và nội thất trong hơn 2 năm.


Theo Nhật Đăng

Nhịp sống doanh nghiệp

Trở lên trên