MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Nỗ lực thực hiện Nghị quyết 02/CP không hề giảm’

‘Nỗ lực thực hiện Nghị quyết 02/CP không hề giảm’

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này trong báo cáo tóm lược Kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 và Dự thảo Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2021 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, sáng 28/12.

Theo Phó Thủ tướng, từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Từ năm 2014, hàng năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (những năm đầu là Nghị quyết 19/CP và từ năm 2019 là Nghị quyết 02/CP) với các mục tiêu, giải pháp ngày càng cụ thể, bám sát vào các bộ chỉ số của các cơ quan thuộc hệ thống của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế có uy tín như Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế thế giới

Những tiến bộ vượt bậc

Bước sang nhiệm kỳ này, để phù hợp với Chương trình Nghị sự vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, Nghị quyết của Chính phủ đã mở rộng bao quát thêm các bộ chỉ số hàm chứa những yếu tố có tính căn bản, nền tảng, dài hơi hơn ngoài các chỉ số liên quan tới môi trường kinh doanh trong ngắn hạn như các bộ chỉ số về phát triển nguồn nhân lực, phát triển Chính phủ điện tử, Năng lực Đổi mới sáng tạo.

Nghị quyết 02/CP năm 2020 được xây dựng dựa trên 7 bộ chỉ số, với trên 200 tiêu chí đo lường chi tiết, liên quan tới hầu hết các lĩnh vực, các ngành, các cấp và có phân công cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm cho từng nhóm tiêu chí; thậm chí từng tiêu chí quan trọng.

Các Nghị quyết 19/CP và sau này là Nghị quyết 02/CP của Chính phủ đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ trung ương tới địa phương; sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, sự tham gia của toàn xã hội. Qua đó đã góp phần cải thiện thêm một bước thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tháo gỡ được nhiều rào cản, khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân.

Phần lớn các chỉ số được đánh giá định kỳ 1 năm hoặc 2 năm của các tổ chức quốc tế đều ghi nhận sự tiến bộ rõ về điểm số tuyệt đối và cải thiện thứ hạng của Việt Nam.

Trực tiếp nhất là thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 20 bậc, từ thứ 90 năm 2015 lên thứ 70 năm 2019. Năng lực cạnh tranh quốc gia tăng hàng năm đều được tăng hạng, năm 2017 đứng thứ 55. Từ năm 2018, xếp hạng năng lực cạnh tranh được đổi thành năng lực cạnh tranh 4.0 với các tiêu chí được điều chỉnh cho phù hợp với mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam xếp hạng 77. Một năm sau vị trí của chúng ta đã tăng 10 bậc lên thứ 67. Năng lực cạnh tranh du lịch tăng 12 bậc, từ thứ 75 năm 2015 lên thứ 63 năm 2019. Xếp hạng Hiệu quả logistics tăng 25 bậc, từ thứ 64 năm 2016 lên thứ 39. Xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 17 bậc từ thứ 59 năm 2016 lên thứ 42 năm 2020.

Trong các bộ chỉ số, các bảng xếp hạng quốc tế đó, có không ít chỉ số, tiêu chí cụ thể của nước ta ghi nhận những tiến bộ vượt bậc như: Tiếp cận điện năng tăng 81 bậc, từ thứ 108 (năm 2015) lên thứ 27 (năm 2019). Nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 59 bậc, từ thứ 168 (năm 2015) lên thứ 109 (năm 2019). Ứng dụng công nghệ thông tin tăng 54 bậc, từ thứ 95 (năm 2015) lên thứ 41 (năm 2019) .v.v…

Phó Thủ tướng cho biết: Đặc biệt, xếp hạng về phát triển bền vững tăng 34 bậc từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020. Đây là bộ chỉ số được Liên Hợp Quốc xây dựng, đánh giá dựa trên các tiêu chí bám sát 17 nhóm mục tiêu phát triển bền vững (với 169 mục tiêu cụ thể). Các mục tiêu này về cơ bản rất phù hợp với các đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta. Việc Việt Nam được xếp hạng 49 trong khi thu nhập bình quân đầu người còn ở hạng ngoài 100 là minh chứng cụ thể cho tính ưu việt của chế độ của Việt Nam.

"Việc những chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực con người như giáo dục phổ thông, giáo dục phổ thông được xếp hạng trong nhóm 50 quốc gia và vùng lãnh thổ hàng đầu, càng cho thấy ý chí vươn lên, hướng tới tương lai và sức sáng tạo của nhân dân ta, dân tộc ta", Phó Thủ tướng nói.

Cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng ghi nhận tích cực những kết quả, tiến bộ trong thực hiện các Nghị quyết này. Theo kết quả điều tra 10.000 doanh nghiệp của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy: 81,3% doanh nghiệp cho biết "cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả" (tỷ lệ này năm 2016 là 67,4%). 73,6% doanh nghiệp nhận thấy "cán bộ nhà nước thân thiện" trong quá trình giải quyết thủ tục (năm 2016 chỉ là 59%). 57,5% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh thuận lợi (năm 2017 là 51,7%). 53,6% doanh nghiệp cho biết mức chi trả không chính thức giảm rõ rệt (năm 2016 là 59,3%).

Bên cạnh những kết quả quan trọng, đáng khích lệ đó, vẫn còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà điểm tuyệt đối và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp và hầu như không được cải thiện về thứ bậc như: Giải quyết phá sản doanh nghiệp (đứng thứ 122); Rào cản phi thuế quan (121); Bảo vệ hệ sinh thái bền vững (110); Đăng ký tài sản (106); Bảo vệ sở hữu trí tuệ  (105); Kết nối hạ tầng đường bộ (104).

"Thực tế những năm qua cho thấy Bộ, ngành nào chủ động, quyết tâm thì các chỉ số được cải thiện rõ ràng hơn (điển hình là điện lực, bảo hiểm xã hội, xây dựng).

Tới đây, việc cải thiện vị trí càng khó và đòi hỏi nỗ lực cao hơn vì các quốc gia, nền kinh tế khác cũng rất chú trọng công tác này. Mặt khác, nhiều tiêu chí, chỉ số không chỉ đơn thuần liên quan tới quy định, thủ tục hành chính có thể nhận diện, sửa đổi hoặc bãi bỏ ngay mà còn phải sửa luật và ngày càng có nhiều chỉ số phải nỗ lực liên tục trong một số năm mới có thể cải thiện được, nhất là liên quan tới hạ tầng, nhân lực và các yếu tố xã hội", Phó Thủ tướng nhận xét.

Tập trung cao độ 7 nhóm chỉ tiêu, 4 nội dung trọng tâm

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc đánh giá xếp hạng của các tổ chức quốc tế có những thay đổi đáng kể và nhiều bảng xếp hạng không được công bố. Trong nước, thực hiện "mục tiêu kép", các nỗ lực thực hiện Nghị quyết 02/CP không hề giảm. Thậm chí nhiều nhiệm vụ đã được thúc đẩy mạnh mẽ hơn (như dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…).

Từ cuối năm 2019, xác định năm 2021 sẽ là năm bắt đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 nên Nghị quyết 02/CP năm 2020 cũng đã đề ra các nhiệm vụ, mục tiêu phấn đấu cụ thể cho năm 2020 và định hướng cho năm 2021. Nghị quyết 02/2021 được xây dựng ngắn gọn hơn rất nhiều so với các Nghị quyết trước đây, khẳng định tiếp tục thực hiện đồng bộ tất cả các mục tiêu giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 02/CP năm 2019 và 2020; đồng thời đặt trọng tâm vào một số nhóm chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể cần tập trung cao độ để chỉ đạo thực hiện nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh tới các tiêu chí khác.

Đó là 7 nhóm chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, bao gồm: Cấp phép xây dựng (A3), Đăng ký tài sản (A7), Giải quyết tranh chấp hợp đồng (A9), Giải quyết phá sản doanh nghiệp (A10), Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3), Ứng dụng công nghệ thông tin (B5), Chất lượng đào tạo nghề (B6). Cùng với đó là 10 chỉ tiêu cụ thể về năng lực cạnh tranh 4.0 và đổi mới sáng tạo, bao gồm: Chất lượng hành chính đất đai, Chất lượng đào tạo nghề, Kỹ năng của sinh viên, Rào cản phi thuế quan, Đăng ký phát minh sáng chế, Kiểm soát tham nhũng, Mức độ tiếp cận CNTT, Mức độ tham gia giao dịch trực tuyến, Cơ hội việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức, Môi trường trong bền vững sinh thái.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh 4 bốn nội dung trọng tâm trong chỉ đạo thực hiện Nghị quyết.

Thứ nhất, tập trung khắc phục bằng được những yếu kém, hạn chế trong việc kết nối, phối hợp giữa các cơ quan; làm rõ hơn vai trò cơ quan đầu mối cho từng nhóm chỉ tiêu, từng chỉ tiêu; phân định và quy trách nhiệm rõ ràng hơn cho từng cơ quan.

Thứ hai, tập trung chỉ đạo chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; đảm bảo thiết thực, hiệu quả gắn với các giải pháp tăng mức độ sẵn sàng với nền sản xuất mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ ba, có chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, bước đi cụ thể, kiên trì để tạo chuyển biến vững chắc đối với các tiêu chí có tính chất nền tảng, nhưng rất khó cải thiện trong thời gian ngắn như bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo đa chiều, phát triển kinh tế-xã hội, văn hoá vùng núi, vùng sâu, vùng xa v.v…; phấn đấu giữ vững và cải thiện thứ hạng phát triển bền vững đồng thời phát triển nhanh cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững (hiện mới có 2000 DN trong tổng số hơn 700.000 DN).

Thứ tư, tiếp tục chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Theo Đình Nam

VGPNews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên