MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗ lực tiêu diệt Huawei của Mỹ còn gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế toàn cầu hơn là thuế quan

28-05-2019 - 09:53 AM | Tài chính quốc tế

Theo các nhà kinh tế, lệnh trừng phạt Huawei của Tổng thống Trump đã tạo ra mối đe doạ trầm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu hơn là việc nâng thuế quan.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vốn đã trở nên rất nóng trong những tuần gần đây, sau khoảng vài tháng "âm ỉ". Giờ đây, nó lại trở thành một trận chiến giành quyền kiểm soát tương lai của công nghệ và viễn thông giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuần trước, chính quyền ông Trump đã đưa Huawei vào danh sách đen "Entity List" và cấm hơn 50 chi nhánh của công ty này mua công nghệ và linh kiện của Mỹ do lo ngại về an ninh quốc gia. Động thái này của Mỹ có thể gây cản trở đối với khả năng phát triển các sản phẩm viễn thông thế hệ tiếp theo của "gã khổng lồ" Trung Quốc. Cuối tuần vừa rồi, theo nhiều tờ báo đưa tin, Mỹ cũng đang xem xét áp dụng lệnh trừng phạt tương tự với Hikvision - một trong những công ty sản xuất camera giám sát lớn nhất thế giới.

Những động thái này được đưa ra khi ông Trump tiếp tục gây áp lực, muốn Trung Quốc phải thay đổi nhiều năm chính sách công nghiệp và thương mại. Tháng này, Washington đã chính thức áp mức thuế 25% đối với 200 tỷ hàng hoá của Trung Quốc, từ mức 10% và đe doạ sẽ đánh thuế với gần như toàn bộ hàng hoá Trung Quốc vào cuối năm nay. Theo đó, Bắc Kinh cũng đáp trả bằng mức thuế 25% với 60 tỷ hàng hoá của Mỹ.

Nỗ lực tiêu diệt Huawei của Mỹ còn gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế toàn cầu hơn là thuế quan - Ảnh 1.

Aidan Yao, chuyên gia kinh tế tại thị trường mới nổi châu Á đến từ AXA Investment Managers, cho hay: "Những lệnh trừng phạt mới (đối với các công ty công nghệ Trung Quốc) sẽ gây thiệt hại lớn tới kinh tế Trung Quốc hơn là tình trạng thặng dư thương mại suy giảm vì thuế quan của Mỹ. Cuộc cạnh tranh về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra rất căng thẳng, kéo dài hơn nhiều so với những xung đột thương mại."

Dù cuộc chiến thuế quan chiếm phần lớn trên các tiêu đề của những trang tin lớn, thì lệnh trừng phạt về công nghệ mới là nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại nếu xung đột thương mại không được sớm giải quyết, S&P Global Ratings lưu ý.

Nhóm phân tích cấp cao của S&P về Trung Quốc cho biết trong một báo cáo nghiên cứu: "Lệnh hạn chế đầu tư, kiểm soát về xuất khẩu và thuế quan có thể sẽ thay đổi chuỗi cung ứng về công nghệ của Trung Quốc. Điều này sẽ khiến các công ty có trụ sở tại Trung Quốc hứng chịu sự sụt giảm về sức cạnh tranh theo thời gian, thúc đẩy ý tưởng di dời các chuỗi cung ứng."

Việc Washington đang xem xét đưa các công ty công nghệ vào danh sách đen là một "bước đột phá" lớn nhằm ngăn chặn Trung Quốc trên con đường giành vị trí dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.

Ở vị trí đi đầu trong công nghệ 5G, các công ty Trung Quốc là Huawei và ZTE đều nằm trong "tầm ngắm" của giới chức Mỹ. Hồi năm ngoái, ZTE điêu đứng sau khi bị cấm mua linh kiện của Mỹ. Sau đó, họ phải nộp phạt 1 tỷ USD do vi phạm thoả thuận năm 2017 về các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran và Triều Tiên.

Carl Tanenbaum, kinh tế gia trưởng tại Northern Trust, cho hay: "Những lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei là cực kỳ nghiêm trọng. 5G là một công nghệ thực sự thú vị. Giành được lợi thế ở mảng này sẽ là sự khác biệt về kinh tế, vì thế mới xuất hiện cuộc đua giành vị trí dẫn đầu." 

Ông nói thêm 5G là bí quyết để Trung Quốc "tiếp tục chuyển đổi từ nền kinh tế quy mô lớn và ngành công nghiệp nặng". Do đó, việc Washington ban hành lệnh cấm đã "đánh vào đúng trọng tâm trong tầm nhìn của họ."

Nỗ lực tiêu diệt Huawei của Mỹ còn gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế toàn cầu hơn là thuế quan - Ảnh 2.

Eli Lee, người đứng đầu chiến lược đầu tư tại Bank of Singapore, cho biết trong một báo cáo nghiên cứu rằng: "Do đó, mối đe doạ thực sự cho Huawei sẽ châm ngòi cho động thái trả đũa mạnh mẽ từ Trung Quốc."

Theo dữ liệu từ Jefferies Group, Huawei nhập khẩu linh kiện từ 22 nhà cung ứng ở Mỹ, đây là một ví dụ cho thấy các công ty công nghệ Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Huawei hiện đã dự trữ đủ chip và các thành phần quan trọng để duy trì hoạt động kinh doanh trong ít nhất 3 tháng. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, lệnh trừng phạt có thể khiến chuỗi cung ứng bị đình trệ, làm chậm tiến độ phát triển của công nghệ này trên toàn cầu.

Thời gian tới, có thể Mỹ sẽ tiếp tục vận động các đồng minh tẩy chay công nghệ 5G của Trung Quốc, điều này có thể gia tăng áp lực đối với các công ty Trung Quốc. Hiện tại, Úc và New Zealand đã tẩy chay Huawei. Yao đến từ AXA cho hay: "Nếu các lệnh trừng phạt được áp dụng trong một thời gian dài, thì sẽ 'gây bất lợi cho Trung Quốc, Mỹ, Huawei, công nghệ 5G và cả việc phát triển công nghệ của Trung Quốc nói chung. Đồng thời, Mỹ và cả thế giới sẽ phải chịu đựng những khó khăn trong việc sử dụng công nghệ tốt nhất."

Gigi

SCMP

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên