MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ xấu - lỗi tại ai?

14-02-2017 - 08:04 AM | Tài chính - ngân hàng

“Nợ xấu trước hết là trách nhiệm của ngân hàng thương mại, bởi lẽ việc sàng lọc, lựa chọn khách hàng, quyết định cho vay, giải ngân, kiểm soát quá trình sử dụng vốn của khách hàng là trách nhiệm của NHTM.

Chuyên gia của World Bank từng khẳng định “Không có khách hàng tồi, mà chỉ có khoản vay tồi”, TS Nguyễn Đức Kiên và PGS. TS Đặng Ngọc Đức cho biết. Tuy nhiên, liệu có phải nợ xấu hiện nay đều do lỗi các ông chủ ngân hàng kinh doanh yếu kém?

Ngân hàng đòi nợ “mòn mỏi”

Ngoài trách nhiệm của các NHTM, nợ xấu tiếp đến trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp, khi vay vốn của ngân hàng đã không quản lý và sử dụng hiệu quả để rồi không trả được nợ. Tình trạng nợ xấu lên tới mức cao như hiện nay không thể không có một phần trách nhiệm của Nhà nước. Vì vậy Nhà nước cần có biện pháp cần thiết hỗ trợ NHNN, NHTM và các doanh nghiệp, trong đó phần lớn là DNNN để xử lý nợ xấu”, TS Nguyễn Đức Kiên và PGS. TS Đặng Ngọc Đức cho biết.

Theo đại diện của VPBank, một trong những thủ tục đầu tiên để Tòa án chấp nhận hồ sơ và tiến hành thụ lý hồ sơ khởi kiện của TCTD là phải cung cấp văn bản xác minh nơi cư trú của khách hàng (bên vay, chủ tài sản đảm bảo). Tuy nhiên, trên thực tế việc xin xác nhận của công an phường, xã gặp nhiều khó khăn. Không ít con nợ bỏ trốn khỏi nơi cư trú, cố tình giấu địa chỉ để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Khi đó Tòa từ chối thụ lý vụ án, trả lại đơn kiện với lý do “Chưa đủ điều kiện khởi kiện”.

Rắc rối liên quan đến thời gian tố tụng cũng là một nguyên nhân khiến các ngân hàng đau đầu. Theo quy định tại Điều 179, Bộ luật TTDS 2015, đối với các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại là tranh chấp liên quan đến Hợp đồng tín dụng thì thời hạn chuẩn bị xét xử là 2 tháng. Tuy nhiên, đại diện VPBank cho biết nhiều Toàn án không thực hiện đúng quy định về thời hạn.

Kể cả khi bán nợ xấu sang VAMC rồi thì các ngân hàng vẫn phải quản lý, xử lý thu hồi nợ theo ủy quyền của VAMC và chịu trách nhiệm như chưa bán nợ. Khi ngân hàng muốn khởi kiện để thu hồi nợ thì Tòa án không thụ lý vì lý do nợ đã bán sang VAMC, ngân hàng không còn quyền khởi kiện. Nếu VAMC ủy quyền cho ngân hàng khởi kiện và tham gia tố tụng thì một số Tòa án căn cứ vào quy định không rõ ràng trong Bộ luật dân sự 2005 để gạt bỏ: pháp nhân này không được phép ủy quyền cho pháp nhân khác.

Trong quá trình thu giữ tài sản đảm bảo, đại diện của Vietcombank cho rằng quy định về vai trò của cơ quan công an, UBND trong việc hỗ trợ ngân hàng thực hiện quyền thu giữ tài sản là chưa khả thi. Công an chỉ có trách nhiệm giữ an ninh trật tự mà không có biện pháp, chế tài xử lý nếu con nợ cố tình chây ỳ.

“Không sớm tháo gỡ cơ chế, đừng mong xử lý nhanh nợ xấu”

Đó là lời khẳng định của TS Nguyễn Mạnh Hùng (Viện chiến lược ngân hàng). Đề xuất về giải pháp xử lý nợ xấu, TS Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng “Có bột mới gột nên hồ, có tiền mới xử lý được nợ xấu. Các chuyên gia đã nhấn mạnh việc quan trọng của dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu. Các ngân hàng đã sức cùng lực kiệt (ROE toàn ngành giảm từ 12% trước năm 2010 xuống còn 5% như hiện nay). Nếu cứ trích lập dự phòng rủi ro lớn hơn là đổ bể hệ thống có thể xảy ra”.

Nói về thị trường mua bán nợ ở Việt Nam, chuyên gia này cho biết hiện số DN được mua bán nợ xấu ở Việt Nam rất ít: VAMC, DATC và gần 20 AMC. Hầu hết các AMC chỉ xử lý nợ xấu nội bộ cho chính các ngân hàng mẹ, không tham gia thị trường mua bán nợ. Trong khi đó VAMC là Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo Luật quản lý. Điều 26 của Luật quản lý quy định “DN chỉ được bán nợ cho tổ chức kinh tế có chức năn kinh doanh mua bán nợ, không được bán nợ trực tiếp cho đối tượng nợ”. Vì vậy VAMC không thể bán cho bên thứ 3 nếu họ không có chức năng mua bán nợ.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, phần lớn tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu mà VAMC mua về là bất động sản. Trong trường hợp khởi kiện thì phải mất từ 2 - 4 năm mới bán được BĐS. Vậy gốc rễ ở đây là pháp luật cần bảo vệ chủ nợ, nếu không thì khó có thể khuyến khích thị trường mua bán nợ phát triển.

TS Nguyễn Đức Kiên và PGS. TS Đặng Ngọc Đức đề xuất nên chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu chính phủ để đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán và sử dụng phiếu nợ chuyển đổi của các doanh nghiệp nợ xấu là tài sản đối ứng cho lượng trái phiếu chính phủ đã phát hành.

Theo Lan Hương

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên