MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ xấu tăng, nhiều ngân hàng “vui sớm” khi giảm trích lập dự phòng rủi ro

12-11-2018 - 14:47 PM | Tài chính - ngân hàng

Kết thúc 9 tháng đầu năm nay, nhiều ngân hàng đã báo lãi nghìn tỷ và tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, nợ xấu gia tăng các ngân hàng đã trích bao nhiêu lợi nhuận kiếm được cho dự phòng rủi ro?

“Sao đổi ngôi” nợ xấu giữa VPBank và Sacombank

Nợ xấu của nhiều ngân hàng đã tăng nhanh trong 9 tháng đầu năm 2018 so với cuối năm 2017. Trong số 22 ngân hàng công bố công khai nợ xấu trên báo cáo tài chính quý III/2018, có tới 16 ngân hàng nợ xấu gia tăng, với số dư tăng thêm 12.780 tỷ đồng đưa tổng số dư nợ xấu của 22 ngân hàng lên mức 83.058 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 1,8% tổng dư nợ cho vay ra, tăng so với 1,69% cuối năm 2017.

Tỷ lệ nợ xấu cao nhất và tăng mạnh nhất là VPBank từ mức 3,39% cuối năm 2017 lên mức 4,7% tại thời điểm cuối quý III/2018, soán ngôi của Sacombank.

Nếu như cuối năm 2017, Sacombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu công bố gần như cao nhất là 4,67% thì hết quý III/2018 giảm còn 3,18%.

Tại 03 “ông lớn” ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu cũng gia tăng là điều đáng lo ngại vì số dư nợ xấu tuyệt đối tại 03 ngân hàng này rất lớn. Tổng số dư nợ xấu của BIDV, Vietinbank và Vietcombank là 36.588 tỷ đồng (cuối 2017 là 29.281 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 44% nợ xấu của 22 ngân hàng.

Nợ xấu tăng, nhiều ngân hàng “vui sớm” khi giảm trích lập dự phòng rủi ro - Ảnh 1.
Nguồn: BCTC quý III/2018 các NHTM.

Những ngân hàng có nợ xấu tăng so với cuối năm 2017 và ở mức trên 2%, gồm: SHBank tăng từ 2,33% lên 2,75% (5.421 tỷ đồng); Techcombank tăng từ 1,61% lên 2,05% (3.426 tỷ đồng); MBBank tăng từ 1,2% lên 1,57% (3.217 tỷ đồng); OCB tăng từ 1,79% lên 2,65% (1.426 tỷ đồng); MaritimeBank tăng từ 2,22% lên 2,48% (992 tỷ đồng)...

Những ngân hàng khác có nợ xấu tăng nhẹ, như: LienVietPostBank tăng từ 1,08% lên 1,32%; TPBank tăng từ 1,08% lên 1,24%; Vietbank tăng từ 1,34% lên 1,68%...

Ngược lại, có những ngân hàng có nợ xấu giảm. Ngoài Sacombank, NamABank giảm từ 1,94% còn 0,8%; ABBank giảm từ 2,77% còn 2,43%; Eximbank giảm từ 2,27% còn 2,07%...

Lãi lớn, ngân hàng giảm trích lập dự phòng

Kết thúc 9 tháng đầu năm nay, nhiều ngân hàng đã báo lãi nghìn tỷ và tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, nợ xấu gia tăng các ngân hàng đã trích bao nhiêu lợi nhuận kiếm được cho dự phòng rủi ro?

Thống kê 27 ngân hàng cho thấy có tới 17 ngân hàng chỉ dành dưới 30% lợi nhuận kiếm được cho trích lập dự phòng rủi ro, giảm mạnh so với cùng kỳ 2017.

Những ngân hàng có lựoi nhuận nghìn tỷ, tỷ lệ nợ xấu cao nhưng giảm trích lập dự phòng.

Cụ thể, Eximbank nợ xấu chỉ giảm nhẹ từ 2,27% còn 2,07% nhưng ngân hàng này cũng mạnh tay giảm trích lập dự phòng từ 52% xuống còn 22%, đẩy lãi ròng của ngân hàng này tăng 1,4 lần lên 907 tỷ đồng.

Techcombank có nợ xấu tăng lên 2,05%, nhưng ngân hàng này chỉ trích lập 19% lợi nhuận kiếm được cho dự phòng so với mức 34% cùng kỳ, lãi ròng tăng 60% lên 6.209 tỷ đồng.

VIB là ngân hàng cũng có tỷ lệ nợ xấu cao ở mức 2,49% nhưng chỉ trích 21% lợi nhuận cho dự phòng, giảm so với mức 44% cùng kỳ. Lãi ròng đạt 1.367 tỷ đồng, tăng 1,7 lần cùng kỳ năm 2017.

SHBank có nợ xấu tăng lên 2,75% nhưng ngân hàng lại giảm trích lập từ 41% còn 22%, lãi ròng 1.171 tỷ đồng, tăng nhẹ 9%.

Riêng NamABank có tỷ lệ nợ xấu giảm nhưng ngân hàng này cũng giảm rất mạnh trích lập dự phòng chỉ còn 2% so với mức 117% cùng kỳ 2017, đưa lãi ròng từ 19 tỷ đồng lên 96 tỷ đồng.

Trong 03 “ông lớn” thì Vietcombank có tỷ lệ trích lập dự phòng thấp nhất chỉ 30%, còn BIDV là 66%, Vietinbank là 52% không thay đổi nhiều so với cùng kỳ 2017.

Nợ xấu tăng, nhiều ngân hàng “vui sớm” khi giảm trích lập dự phòng rủi ro - Ảnh 2.
 Nguồn: BCTC quý III/2018 các NHTM.

Những ngân hàng kiếm được lợi nhuận lớn nhưng trích lập dự phòng chỉ dưới 30%. Chẳng hạn, OCB có nợ xấu của tăng vọt từ 1,79% cuối 2017 lên 2,65% nhưng ngân hàng này cũng chỉ trích lập 22% - 23% lợi nhuận kiếm được cho dự phòng rủi ro. Lãi ròng tăng 1,3 lần 1.476 tỷ đồng.

LienVietPostbank dành 25% - 26% cho trích lập, không thay đổi nhiều dù nợ xấu đã gia tăng từ 1,08% lên 1,32%. Lãi ròng giảm 26% còn 826 tỷ đồng.

ABBank cũng có nợ xấu trên mức 2% là 2,43%, trích lập dự phòng giảm từ 51% còn 32%.

Ngược lại, dù có tỷ lệ nợ xấu giảm nhưng Sacombank vẫn tăng mạnh trích lập dự phòng lên 47% so với cùng kỳ 2017 là 18%. MaritimeBank cũng trích lập dự phòng rất cao tới 74% so với mức 43% cùng kỳ 2017 do nợ xấu tăng lên 2,48%.

Ngân hàng có tỷ lệ trích lập dự phòng cao nhất là SCB dành tới 92% lợi nhuận kiếm được so với mức 71% cùng kỳ năm 2017. Lãi ròng tăng nhẹ 12% lên 168 tỷ đồng.

Ngành ngân hàng còn phải vất vả xử lý nợ xấu khi mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã cấp tốc ban hành văn bản 8425 (ngày 07/11/2018) yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (các ngân hàng) tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu.

Trong đó, các ngân hàng cần đẩy nhanh tiến độ trích lập dự phòng đối với nợ xấu đã bán cho VAMC nhằm thực hiện tất toán trái phiếu trước hạn hoặc đúng thời hạn theo quy định. Bên cạnh đó, các ngân hàng phải rà soát, cập nhật kế hoạch xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 chi tiết từng năm cho giai đoạn 05 năm từ 14/8/2017 - 15/8/2022, triển khai các phương án, giải pháp xử lý nợ xấu theo đúng lộ trình, kế hoạch đã đề ra.

Theo Linh Lan

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên