MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ xấu: Vướng mắc cơ chế, cục nợ khó tiêu

23-06-2016 - 08:44 AM | Tài chính - ngân hàng

Hiện Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng - TCTD (VAMC) được xem là đầu mối xử lý nợ xấu của hệ thống NH, nhưng gần 3 năm qua chỉ mua và xử lý nợ xấu thông qua thu hồi nợ cùng với việc trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD, chưa bán được khoản nợ nào vì thiếu thị trường mua bán nợ. Vì vậy, việc tạo lập thị trường mua bán nợ và đưa ra các định hướng, giải pháp để phát triển thị trường này là vô cùng cần thiết.

Thiếu “bàn tay” thị trường

Theo thống kê của VAMC, tính từ khi bắt đầu hoạt động đến 31-5-2016, VAMC đã mua được 24.900 khoản nợ với số dư nợ gốc 247.000 tỷ đồng, dư nợ giá mua 212.000 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, các TCTD phối hợp VAMC đã thu hồi nợ được 31.000 tỷ đồng và trích dự phòng rủi ro khoảng 20.000 tỷ đồng. So với tổng nợ xấu đã mua, số nợ xấu đã xử lý được khá khiêm tốn và VAMC vẫn chưa thực hiện giao dịch bán nợ xấu nào. Cùng với số trái phiếu đặc biệt VAMC phát hành so với dư nợ giá mua 212.000 tỷ đồng trên, hiện còn khoảng 160.000 tỷ đồng nợ xấu đang nằm ở VAMC. Kế hoạch năm 2016, VAMC đưa ra mục tiêu thu hồi nợ khoảng 30.000 tỷ đồng từ bán tài sản đảm bảo, bán nợ.

Thành lập thị trường mua bán nợ là tiền đề để thúc đẩy tốc độ xử lý nợ xấu. Nhưng vấn đề này đòi hỏi phải có sự hỗ trợ từ pháp lý, trong khi khung pháp lý tại Việt Nam lại thiếu sót và độ mở không cao.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH

Như vậy đến hết năm 2015, xử lý nợ xấu mới đi được nửa chặng đường và kết thúc giai đoạn khởi đầu của việc xử lý những tồn đọng. Yêu cầu đặt ra trong những năm tiếp theo là phải giải quyết các vấn đề căn bản hơn để xử lý nhanh nợ xấu, bởi càng để lâu, mức độ thiệt hại càng lớn và muốn xử lý nợ xấu dứt điểm cần phải tiến hành mua nợ xấu theo giá trị thị trường. Về vấn đề này, liên tiếp Chính phủ và NHNN đã có nghị định, thông tư, quyết định yêu cầu hàng năm VAMC có trách nhiệm xây dựng phương án mua nợ xấu theo giá trị thị trường và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

Dù đã có điều kiện cần song việc mua bán nợ theo giá trị thị trường dự báo vẫn khó triển khai, vì đến nay vẫn chưa hình thành thị trường mua bán nợ. Ngay Thông tư 09/2015 của NHNN, được xem là bước tiến vượt trội để hình thành một thị trường mua bán nợ trong năm 2016, song đến thời điểm này thị trường vẫn chưa ghi nhận những thay đổi. Về phần mình, VAMC cho biết sẽ ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) để xây dựng thị trường mua bán nợ và cùng nhau giải quyết những vướng mắc về pháp lý hiện đang cản trở việc bán hàng tỷ USD nợ xấu tại các NH và doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thêm thông tin về vấn đề này.

Rào cản quy định chồng chéo

Nợ xấu trong hệ thống bắt đầu phình to từ năm 2012, các công ty xử lý tài sản và mua bán nợ không đủ sức giải quyết và VAMC ra đời với kỳ vọng sẽ rút nợ xấu ra khỏi TCTD để xử lý thật nhanh. Song thực chất VAMC chỉ mới gom nợ xấu còn việc xử lý vẫn chưa đáng kể. Nguyên nhân, ngoài việc chưa có thị trường mua bán nợ, sự chồng chéo quy định trong hệ thống pháp lý đang là rào cản lớn hạn chế giao dịch mua bán nợ xấu. Hiện hoạt động mua bán nợ đang được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật, áp dụng riêng cho từng đối tượng, như VAMC triển khai mua bán nợ theo Nghị định 53/2013, Nghị định 34/2015, Nghị định 18/2016, Thông tư 19/2013 và Thông tư 14/2015. Trong khi hoạt động mua, bán nợ có sự tham gia của TCTD thực hiện theo Thông tư 09/2015 và hoạt động mua, bán nợ có sự tham gia của DATC thực hiện theo Thông tư 57/2015.

Hoạt động xử lý nợ xấu được Chính phủ, các bộ ngành quan tâm hỗ trợ nhưng trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn trong việc thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo và mua bán nợ theo giá thị trường. Tài sản đảm bảo được mua với giá này nhưng sau một thời gian sẽ có giá khác nên cần phải sớm hoàn thiện khung pháp lý để xử lý nhanh nợ xấu.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC

Các quy định này không thống nhất nên gây ra không ít vướng mắc, lúng túng trong quá trình giao dịch, thực hiện và giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán nợ, dẫn đến không khuyến khích được các chủ thể trong xã hội tham gia hoạt động mua bán nợ, từ đó không phát triển được thị trường mua bán nợ. Hiện NHNN đang làm đầu mối xây dựng dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh hoạt động mua, bán nợ để đáp ứng yêu cầu của Luật Đầu tư năm 2014, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động mua, bán nợ, hướng tới hình thành và phát triển thị trường mua, bán nợ tập trung tại Việt Nam. Vì vậy, VAMC kỳ vọng sắp tới có thêm nhiều doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua bán nợ, góp phần thúc đẩy hoạt động mua bán nợ của công ty. Vậy nhưng trong nội dung dự thảo trên mới quy định đối tượng, điều kiện được tham gia và nguyên tắc, phương thức kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chỉ áp dụng với các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ với nhau, không áp dụng với VAMC và TCTD nên cũng khó tháo gỡ được những vướng mắc nói trên.

Hiệu quả của việc xử lý nợ xấu là phải chuyển đổi nó thành tiền và trả lại cho các NH để cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh. Vì vậy, theo TS. Trần Du Lịch, đối với vấn đề nợ xấu, tỷ lệ trên hay dưới 3% không quan trọng mà vấn đề cốt yếu là cục nợ xấu đang nằm ở VAMC có xử lý được không. Tính đến nay, tổng số nợ xấu VAMC xử lý được còn khiêm tốn, muốn đẩy nhanh quá trình này cần phải hình thành được thị trường mua bán nợ. Bên cạnh đó, muốn mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường buộc phải chấp nhận lỗ. NHTM đã chấp nhận lỗ khi bán nợ cho VAMC, nên khi tiến hành bán lại khoản nợ đó VAMC cũng phải chấp nhận giá trị sẽ giảm xuống vì bản chất nợ xấu là nợ khó đòi. Đồng thời, đối với những khoản nợ xấu là những dự án dang dở có thể xem xét cho nhà đầu tư nước ngoài mua lại để tiếp tục hoàn thành. Tại nhiều nước, giao dịch mua bán nợ bình đẳng, thậm chí người mua còn được ưu ái hơn, trong khi tại Việt Nam, khung pháp lý mới bảo vệ người bán, chưa bảo vệ người mua. Vì vậy, cần có khung pháp lý thích hợp để nhiều thành phần tham gia hoạt động mua bán nợ.

Theo VAMC, hành lang pháp lý để bảo vệ VAMC trong quá trình xử lý nợ chưa thực sự bảo đảm và còn những khoảng trống. Vì tất cả những khoản nợ mua là những khoản nợ dưới chuẩn mà nợ dưới chuẩn là những nợ có vấn đề, vì vậy xử lý nó phải uyển chuyển, linh hoạt nhưng phải phù hợp với quy định pháp luật. Chưa có một cơ quan nào thẩm định giá trị khoản nợ, VAMC tự định giá nợ, cơ sở pháp lý để thẩm định giá trị khoản nợ chưa có. VAMC cũng đã kiến nghị cần có một bộ luật về xử lý nợ xấu. Theo đó, tất cả mọi vấn đề liên quan đến nợ xấu đều dựa vào luật đó mà xử. Tránh tình trạng 3-5 năm sau lại bảo cơ sở nào để VAMC đưa ra mức định giá như thế. Rồi khách hàng kiện trở lại, đặc biệt là trong những trường hợp họ không đồng thuận thì rất nguy hiểm.

Cần sân chơi hội tụ

Với những vấn đề đang đặt ra, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng VAMC muốn giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu cần tạo ra sân chơi chung, rộng hơn về quy mô và thông thoáng hơn về luật lệ, với sự tham gia của các tổ chức, công ty mua bán nợ và thu hút các nguồn lực khác nhằm giảm sử dụng ngân sách nhà nước vẫn xử lý được nợ xấu. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các tổ chức quốc tế cũng như cá nhân quan tâm đến việc đầu tư vào các khoản nợ xấu này có cơ hội tiếp cận. Theo đó, để đẩy nhanh việc bán nợ xấu cho đối tác ngoại, các thủ tục hành chính, pháp lý cũng cần phải được cải cách theo hướng đơn giản và rút gọn hơn để tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư sau khi họ quyết định mua. Vì vậy, cần phải có giải pháp toàn diện, triệt để và hữu hiệu hơn cho vấn đề nợ xấu, chứ không nên đơn thuần quan niệm rằng thành lập VAMC là điều kiện cần và đủ để giải quyết vấn đề này, hoặc đặt quá nhiều hy vọng vào VAMC trong việc giải quyết nợ xấu.

Hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu của VAMC trong các năm qua luôn nhận được sự quan tâm rất lớn từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, và VAMC cũng đã tiếp xúc nhiều tổ chức tài chính quốc tế đến trao đổi về khả năng hợp tác trong việc mua, bán nợ. Tuy nhiên, vướng mắc cơ chế với nhiều điểm không rõ ràng, nhất là chưa có hướng dẫn cụ thể về định giá các khoản nợ để bán, chưa có chính sách ưu đãi nhà đầu tư sau khi mua nợ hoặc khuôn khổ pháp lý như vấn đề trần tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp, sở hữu tài sản tại Việt Nam… vẫn tiếp tục là rào cản để các bên tham gia mua bán nợ xấu.

Theo đó, cần có các quy định chung, hướng dẫn toàn diện các vấn đề liên quan đến hoạt động mua, bán nợ để định hình, làm rõ bản chất pháp lý của hoạt động mua, bán nợ nhằm xây dựng những chính sách, cơ chế tạo sân chơi chung cho các chủ thể trong xã hội tham gia hoạt động mua, bán nợ theo nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, dự thảo cũng xác định cơ chế, chính sách đặc thù để điều chỉnh riêng đối với một số chủ thể đặc biệt tham gia hoạt động mua bán nợ như TCTD, VAMC, DATC và Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc NHTM (AMC)…

Theo Đỗ Linh

Sài gòn đầu tư tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên