MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi ám ảnh mang tên Ngân hàng Xây dựng

12-09-2017 - 16:27 PM | Tài chính - ngân hàng

36 người đã chịu án trong giai đoạn 1 của vụ án, mở rộng điều tra trong giai đoạn 2 tiếp tục có thêm hàng loạt các lãnh đạo và cán bộ ngân hàng từ Đại Tín, Sacombank, Tienphongbank đến BIDV, doanh nghiệp và cả cán bộ Ngân hàng Nhà nước cũng bị khởi tố, nhiều người bị bắt tạm giam.

Vụ đại án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đã xét xử từ cuối năm ngoái với án tổng cộng 122 năm tù dành cho các bị cáo nguyên là Chủ tịch, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc ngân hàng này, cùng với 33 bị cáo khác là cán bộ ngân hàng, cán bộ Tập đoàn Thiên Thanh do gây thiệt hại nghìn tỷ của ngân hàng.

Có 11 người bị xét xử vì tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước và 26 người vi phạm quy định về cho vay.

Một trong những nội dung quan trọng được dành nhiều thời gian xét xử là 5.190 tỷ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích và ông Trần Quý Thanh – ông chủ của Tân Hiệp Phát bị Phạm Công Danh rút khỏi ngân hàng mà không có chữ ký chủ tài khoản. Sau cùng, khoản tiền này bị tuyên thu hồi để trả về VNCB do là vật chứng của vụ án – tiền ở đâu trả về đúng chỗ đó, còn nhóm bà Bích chờ Phạm Công Danh trả sau.

Vụ án này còn làm rõ thêm nhiều thông tin trong công cuộc chuyển giao ngân hàng giữa nhóm cổ đông cũ và cổ đông mới. Nhóm bà Hứa Thị Phấn từng bán 84% cổ phần ngân hàng cho Hà Văn Thắm, nhưng rồi Hà Văn Thắm lại mối lái cho Phạm Công Danh nhận lại Đại Tín, để rồi dưới bàn tay điều hành của một người làm ngân hàng mà không có chuyên môn về ngân hàng, con tàu mang tên Xây Dựng bị chìm đắm không có lối thoát.

Nhưng đây mới chỉ là giai đoạn 1 của vụ án. Kết thúc phiên xét xử, tòa khởi tố thêm 2 bị can là Hứa Thị Phấn - một đại gia ngân hàng và bất động sản có tiếng, cùng với Phạm Thị Trang tức Trang Phố núi - mắt xích quan trọng của vụ án - vốn đã ra nước ngoài từ trước đó.

Theo tài liệu điều tra thì Phạm Công Danh và các đồng phạm đã làm thiệt hại của VNCB hơn 18.000 tỷ đồng, tức còn 9.000 tỷ đồng nữa chưa được làm rõ. Sau khi kết thúc giai đoạn 1 của vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục mở rộng điều tra và khởi tố thêm hàng loạt các bị can.

Có thể kể đến như đầu năm nay 7 người nguyên là lãnh đạo của Ngân hàng Đại Tín bị khởi tố, trong đó có nguyên chủ tịch ngân hàng là ông Hoàng Văn Toàn và nguyên Tổng giám đốc Trần Sơn Nam.

Đầu tháng 8 năm, thêm 25 người bị khởi tố trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra tại ngân hàng VNCB, BIDV, TPBank và Sacombank. Trong đó có 16 người bị bắt giam, 5 người được tại ngoại và một số người đang thụ án ở vụ án khác. Đáng chú ý có ông Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch thường trực HĐQT và ông Phan Huy Khang, nguyên Tổng giám đốc Sacombank và nhiều lãnh đạo là giám đốc, phó giám đốc khối, trưởng nhóm khách hàng, phó giám đốc chi nhánh của các ngân hàng. Tổng giám đốc quỹ Lộc Việt là ông Nguyễn Việt Hà cũng bị khởi tố.

Đầu tháng 9/2017, vẫn trong giai đoạn mở rộng điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra còn tiến hành khởi tố đối với nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước là ông Đặng Thanh Bình về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt tại Ngân hàng Xây dựng và một số đơn vị, tổ chức thuộc Ngân hàng Nhà nước. Cũng trong vụ án này, hồi năm 2015 đã có 4 thành viên tổ giám sát NHNN đặt tại VNCB bị khởi tố, rồi sau đó bị đề nghị truy tố vào tháng 7 năm nay.

Và mới nhất là trong vụ án Hà Văn Thắm đang được xét xử, cái tên Ngân hàng Xây dựng cũng được nhắc đến rất nhiều do là một trong những mắt xích quan trọng. Các cựu lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín và Xây dựng gồm Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh và giám đốc công ty Trung Dung ông Trần Văn Bình là những bị cáo bị buộc tội đồng phạm trong việc OceanBank cho Trung Dung vay 500 tỷ nhưng tài sản không đủ và gây thiệt hại cho Oceanbank hơn 300 tỷ. Phía Oceanbank cho rằng Ngân hàng Xây dựng phải có trách nhiệm với khoản vay 500 tỷ kia vì đã ký vào thỏa thuận 3 bên giữa OceanBank – Đại Tín – VNCB, nhưng Ngân hàng Xây dựng lại nói không và rằng ai vay người ấy phải trả, trách nhiệm thuộc về ai vẫn phải chờ phán quyết của tòa trong vài ngày tới.

Nói rằng Ngân hàng Xây dựng là cái tên ám ảnh với nhiều người quả thật không sai cho đến thời điểm này. Bởi lẽ nó đã kéo hàng loạt các lãnh đạo ngân hàng vướng vòng lao lý, trong đó có cả những người từng có lời nói nặng tựa thái sơn khi chỉ cần một lời nói của họ là được cả hàng chục nghìn người nghe theo răm rắp.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên