MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nội bộ nước Mỹ tranh cãi nảy lửa về việc rút khỏi hiệp định Paris

03-06-2017 - 20:21 PM | Tài chính quốc tế

Tranh cãi ngay trong nội bộ cho thấy chính sách chống biến đổi khí hậu của Mỹ đang trong tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, nhiều bang của Mỹ vẫn tuyên bố ủng hộ Hiệp định này. Thậm chí có những bang còn tuyên bố sẽ hoàn thành nghĩa vụ cam kết trong Hiệp định Paris mà không cần sự tham gia của chính quyền Tổng thống Trump.

Quyết định của ông Trump rút khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu bị nhiều người cho là một sai lầm. (Ảnh minh họa: Arstechnica)
Quyết định của ông Trump rút khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu bị nhiều người cho là một sai lầm. (Ảnh minh họa: Arstechnica)

Phản ứng trái ngược giữa chính quyền liên bang và các bang tại Mỹ cho thấy chính sách chống biến đổi khí hậu của Mỹ đang ở trong tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Đi đầu trong nỗ lực phản đối quyết định của Tổng thống Donald Trump, phải kể đến bang New York. Ông Michael Bloomberg, cựu Thị trưởng New York và hiện là đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề đô thị và biến đổi khí hậu cho biết, Chính quyền các bang, thành phố và các nhà quản lý doanh nghiệp Mỹ hoàn toàn có thể hoàn thành nghĩa vụ cam kết của nước Mỹ trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu mà không cần có sự tham của chính quyền Tổng thống Trump.

“Một thực tế có thể thấy là người dân Mỹ không cần chính quyền liên bang phải thực thi cam kết trong hiệp định Paris và người dân Mỹ sẽ không để chính quyền liên bang thay thế người dân thực thi hiệp định theo cách riêng.

Đây là thông điệp mà các thị trưởng, thống đốc và doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ muốn gửi tới toàn thế giới. Nước Mỹ sẽ thực thi các cam kết của hiệp định Paris và thông qua các đối tác khác để vẫn là một phần của thỏa thuận. Người dân Mỹ cam kết với hiệp định và chúng tôi sẽ đáp ứng các mục tiêu của hiệp định", ông Bloomberg nói.

Trong ngày 2/6, thống đốc nhiều bang, thị trưởng các thành phố và quản lý các doanh nghiệp quy mô lớn của Mỹ đã có những động thái thể hiện tinh thần đoàn kết trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Thống đốc bang Califorrnia, bang Washington còn tuyên bố thành lập một liên minh chống biến đổi khí hậu tại Mỹ, cam kết duy trì thực hiện nghĩa vụ của nước này trong Hiệp định Paris cũng như kêu gọi sự tham gia của nhiều bang khác.

Phát biểu trước báo giới, Thống đốc bang Califorrnia Jerry Brown nhấn mạnh: “Khi Tổng thống Trump chọn con đường riêng để đi, Califorrnia sẽ đi theo trào lưu. Trào lưu hiện nay là gì, đó là đối phó với biến đổi khí hậu. Và Califorrnia cam kết sẽ làm việc đó với Trung Quốc và với Liên minh châu Âu. Cùng nhau, chúng tôi sẽ còn nhiều việc cần phải làm”.

Trong khi đó, đã có khoảng 150 thị trưởng, đại diện cho 47 triệu người dân Mỹ, tuyên bố sẽ duy trì các cam kết về chống biến đổi khí hậu trong nỗ lực đạt được các mục tiêu đề ra và tăng cường đầu tư vào ngành năng lượng tái sinh và năng lượng hiệu quả.

Trước sự chỉ trích và phản ứng gay gắt của dư luận thế giới và ngay trong nội bộ nước Mỹ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã phải lên tiếng biện minh cho quyết định rút khỏi Hiệp định Paris.

Phát biểu trước báo giới tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng, nước Mỹ đã có thành tích kỷ lục trong việc giảm lượng phát thải khí nhà kính và ông hy vọng dù Mỹ rút khỏi hiệp định, các nước vẫn sẽ không xóa bỏ những nỗ lực mà nước này đã thực hiện trước đó.

Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ Scott Prutt ngày 2/6 nhắc lại lập trường của Tổng thống Donald Trump để ngỏ khả năng Mỹ có thể tham gia trở lại Hiệp định Paris với những điều kiện có lợi hơn cho Mỹ hoặc tiến hành một cuộc thương thảo mới. Ông Prutt khẳng định điều này hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà lãnh châu Âu.

Giới phân tích nhận định, sự bất đồng quan điểm trên của chính quyền liên bang và chính quyền các bang của Mỹ cho thấy, chính sách chống biến đổi khí hậu của Mỹ đang ở trong tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".

Bên cạnh đó, việc Chính phủ Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris sẽ khiến việc thực thi thỏa thuận này kém hiệu quả hơn cũng như cản trở nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Hiện Mỹ là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Theo Hiệp định Paris, Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025 cắt giảm 26-28% lượng khí thải so với năm 2005./.

Theo Hồng Nhung

VOV.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên