MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi buồn ngành hàng tỷ đô: 5 năm diện tích trồng tăng gấp 3, "bao" 60% lượng xuất khẩu toàn thế giới, nhưng nay nông dân Việt "cay mắt" khi giá rớt từ 10 USD xuống 2 USD/kg

06-03-2019 - 15:14 PM | Thị trường

Sự kiện với chủ đề "Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì mới đây vận đúng vào ngành hồ tiêu - ngành hàng vừa tụt mốc xuất khẩu tỷ USD mới đây chỉ vì sản xuất không "ăn nhập" với tiêu thụ. Diện tích trồng tiêu của Việt Nam đã tăng gấp 3 sau 5 năm, lên tới 153.000 ha, trong khi giá tiêu thế giới đã rớt từ 10 USD xuống còn 2 USD/kg…

"Đây là giai đoạn khó khăn nhất của hồ tiêu Việt Nam ", Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Nguyễn Nam Hải mở đầu câu chuyện của ngành hàng mới năm ngoái còn lọt danh sách xuất khẩu "tỷ USD".

Kết thúc năm 2018, hồ tiêu chính thức mất mốc xuất khẩu tỷ đô. Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, sản lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam tăng 8% về lượng, nhưng không bù nổi mức giá sụt tới 37,3% so với năm trước đó.

Đổ xô trồng vì giá cao ngút, giờ nông dân Việt "cay mắt" vì tiêu

Hiện giá hồ tiêu thế giới trên dưới 43.000 đồng/kg, mà giá thành sản xuất của nông dân Việt Nam thì trên dưới 50.000 đồng/kg, ông Hải cho biết.

Nguyên nhân chủ yếu là sự phát triển quá nóng về diện tích hồ tiêu trong thời gian qua.

Khi giá hồ tiêu đạt đỉnh, một cơn sốt hồ tiêu đã lan ra toàn tỉnh khi doanh thu đem lại trên mỗi ha cao gấp 5,2 lần cà phê, 5,6 lần so với cao su và 8 lần so với chè.

Giá hồ tiêu thế giới đã lên đỉnh ở mức 10.000 USD/tấn vào năm 2014. Với mức giá hấp dẫn đó, nông dân các nước đổ xô trồng hồ tiêu, và dường như Việt Nam là nước trồng "nhiệt tình" nhất.

Một bài báo của Tuổi trẻ hồi năm 2014 đề cập đến "cơn sốt hồ tiêu" ở Gia Lai, khi diện tích hồ tiêu toàn tỉnh vào thời điểm đó đã quá 10.000 ha, trong khi quy hoạch đến năm 2020 chỉ ở mức 6.000 ha.

Hồ tiêu đã gây cơn sốt trên toàn tỉnh khi doanh thu đem lại trên mỗi ha cao gấp 5,2 lần cà phê, 5,6 lần so với cao su và 8 lần so với chè.

Theo số liệu của ông Hải, năm 2013, Brazil có sản lượng hồ tiêu ở mức 35.000 tấn, đến năm 2018 thì đạt mức 85.000 tấn.

Năm 2013, Campuchia đạt sản lượng 5.000 tấn, 2018 cũng tăng lên 32.000 tấn.

Còn Việt Nam, năm 2013 sản lượng hồ tiêu là hơn 134.000 tấn, đến nay sản lượng vẫn trên dưới 250.000 tấn.

Năm 2013, cả nước mới có 52.000 ha trồng tiêu, đến năm 2019 là 152.000 ha, tức chỉ sau 5 năm, quy mô trồng tiêu đã tăng gấp 3.

Nỗi khổ của ngành gần hai chục năm "bá chủ" thế giới về xuất khẩu

Nỗi buồn ngành hàng tỷ đô: 5 năm diện tích trồng tăng gấp 3, bao 60% lượng xuất khẩu toàn thế giới, nhưng nay nông dân Việt cay mắt khi giá rớt từ 10 USD xuống 2 USD/kg - Ảnh 1.

"Nếu nói về lượng hồ tiêu xuất khẩu, cả thế giới xuất khẩu 388.000 tấn năm 2018, thì Việt Nam xuất khẩu 245.000 tấn, chiếm khoảng 60% lượng hồ tiêu xuất khẩu của cả thế giới", Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam chia sẻ.

Sau khi đạt đỉnh 10.000 USD/tấn vào năm 2014, giá tiêu thế giới bắt đầu lao dốc. Đến nay, giá tiêu ở mức 2.000 USD/tấn, tức chừng 2USD hay tầm 43.000 đồng/kg, tức giảm xấp xỉ 5 lần.

Câu chuyện của ngành tiêu Việt Nam khiến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cảm thán: "Chủ đề của sự kiện hôm nay vận đúng nhất vào ngành hồ tiêu. Đây là minh chứng điển hình cho việc sản xuất không "ăn nhập" với tiêu thụ".

Chiếm tới 60% sản lượng xuất khẩu cả thế giới, trong 5 năm sản lượng sản xuất tăng gấp đôi một loại gia vị, mà xét về bản chất, không phải loại phù hợp để tiêu thụ nhiều.

Trả lời phỏng vấn bên lề, Bộ trưởng Cường cho biết hiện nông nghiệp Việt Nam phải đối diện với 3 nhóm thách thức lớn trong năm 2019: Tổ chức lại nền sản xuất với 8,6 triệu hộ nhỏ lẻ thành một nền nông nghiệp tập trung hướng đến hàng hóa có quản trị; Tổ chức sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; và Hội nhập sâu rộng trước sự cạnh tranh quyết liệt của các nền kinh tế toàn cầu.

"Kể từ năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra, các nước có xu hướng chung là tập trung chăm lo ưu tiên đầu tư cho khu vực nông nghiệp, coi đây là một khu vực không chỉ đảm bảo an ninh lương thực chung, mà còn là một hướng ưu tiên số 1 của hầu hết các quốc gia".

"Chính vì thế, khi Việt Nam muốn tham gia chuỗi nông nghiệp toàn cầu thì phải chịu áp lực cạnh tranh rất quyết liệt trong thời kỳ đầu", Bộ trưởng Cường nói.


Theo Bảo Bảo

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên