MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nói chuẩn bị luật DNVVN để giữ chỗ là xúc phạm tôi

Tôi có thể ngẩng cao đầu lên trời xanh và nói rằng: Tôi chưa bao giờ có ý định ấy...

Trước thông tin cho rằng việc chuẩn bị dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cùng với Điều 30 của dự luật là để "giữ chỗ" cho Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông nghỉ hưu sang làm làm Phó chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, trả lời tờ Pháp luật TP.HCM, Thứ trưởng Đặng Huy Đông tỏ rõ sự bức xúc:

Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định không có ý định giữ chỗ.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định không có ý định "giữ chỗ".

"Tôi thấy quá nực cười. Ý kiến này không có căn cứ. Tại sao tôi phải tham gia vào cái “chân” Phó chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam làm gì nếu tôi không thấy có nhu cầu của xã hội. Hiệp hội không phải là do Nhà nước đặt ra. Các chức vụ phải do thành viên hiệp hội bầu lên và ai xứng đáng thì mới được bầu.

Tôi có vô vàn việc để làm. Tôi thấy ý kiến đó nếu có thì rất xúc phạm đến tôi, coi thường tôi quá. Tôi có nghe về việc ai đó “lobby” nhưng việc nói về tôi như thế là xúc phạm và tôi phẫn nộ. Tôi muốn đối thoại trực tiếp với những người có ý kiến đó", vị Thứ trưởng khẳng định.

Ông Đông cũng cho biết, chuẩn bị luật trên là vì lợi ích lâu dài, vì tương lai của đất nước chứ không vì lợi ích của một cá nhân nào.

"Tôi có thể ngẩng cao đầu lên trời xanh và nói rằng: Tôi chưa bao giờ có ý định ấy!", Thứ trưởng Đông nhắc lại.

Không sợ xin - cho?

Liên quan tới việc lấy ý kiến về nội dung dự án luật trên, hai hội thảo đã được tổ chức và tại đây đại diện nhiều hiệp hội bày tỏ lo ngại về việc dự luật trao nhiều trách nhiệm cho Hiệp hội DNNVV Việt Nam, có thể dẫn tới nguy cơ “vô hiệu hóa” hoạt động của các hiệp hội và hình thành cơ chế xin-cho...

Đánh giá tổng thể cả dự thảo luật, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói: "Cộng đồng doanh nghiệp chưa hài lòng bởi còn rất nhiều quy định chung chung, khó khả thi".

Theo ông Lộc, trên thế giới thì các mô hình phòng thương mại như Eurocham, Amcham,… cũng như VCCI ở Việt Nam là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều 30 quy định cho VINASME tới 6 nhóm nhiệm vụ là tạo ra bất bình đẳng giữa các hiệp hội doanh nghiệp liên quan tới việc hỗ trợ DNNVV là thành viên của mình.

VCCI cho rằng với việc tập trung toàn bộ các trách nhiệm hỗ trợ DNNVV cho VINASME, dự thảo luật dường như đang tự cắt bỏ một mạng lưới quan trọng các chủ thể có thể đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc hỗ trợ DNNVV vốn rất sát sườn với các DNNVV là các hiệp hội doanh nghiệp các cấp, các ngành nghề.

"Với quy định như dự luật thì thay vì huy động trí tuệ, năng lực của tất cả các hiệp hội doanh nghiệp vào việc hỗ trợ DNNVV thì dự thảo đang đánh cược hiệu quả hỗ trợ cả cộng đồng DNNVV vào chỉ một hiệp hội là rủi ro"- ông Lộc đánh giá.

Từ đó, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định: "Việc giao toàn bộ chức năng hỗ trợ toàn bộ cộng đồng DNNVV ở Việt Nam theo dự luật cho VINASME rõ ràng là không phù hợp với vị thế pháp lý của hiệp hội này và “vô lý”. Dự luật nhấn mạnh quá nhiều về quyền lợi và chức năng của VINASME mà bỏ qua các hiệp hội khác như VCCI, Doanh nhân trẻ, Nữ doanh nhân, địa phương, … nơi có 98% thành viên là các DNNVV".

VCCI kiến nghị dự luật cần quy định chung tất cả các chủ thể đại diện doanh nghiệp vào một cụm chung, không tách biệt 3 nhóm như hiện nay. Ông Lộc gợi ý điều 30 của dự luật có thể quy định tương tự như Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể là: “VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp có trách nhiệm sau:…”.

Tuy nhiên, trả lời báo chí, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, những ý kiến trái chiều đó giống như đang đổ lỗi cho Bộ KH&ĐT vì làm một dự luật trong bóng tối, cộng đồng doanh nghiệp không được tham gia, không có ý kiến.

"Không đúng! Các hiệp hội doanh nghiệp, VCCI đều được lấy ý kiến.

Tại sao các ý kiến trái chiều lại đưa ra vào thời điểm này? Tôi cho rằng người ta đang muốn một cái khác. Người ta không muốn có người khác tham gia vào vị thế độc tôn", Thứ trưởng Đông giải thích.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói tiếp, "có nhiều ý kiến phản bác việc đưa Hiệp hội DNNVV vào dự luật. Nhưng đây là một sự tính toán, cân nhắc rất kỹ của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng và Ban soạn thảo.

Các nước đều có luật hỗ trợ DNNVV và hiệp hội DNNVV. Dĩ nhiên, có cả các hiệp hội ngành, nghề và VCCI. Chúng tôi đưa ra một số nhiệm vụ cho Hiệp hội DNNVV. Thế ở đây xin cho chỗ nào? Họ cho cái gì và ai xin? Đọc kỹ thì không thấy điều nào quy định như thế cả".

Về quy định DNNVV được cấp chứng chỉ, chứng nhận, cung cấp các dịch vụ đào tạo, ông Đông cho rằng chuyện đó quá bình thường.

"Ai nêu ra vấn đề này phải chăng họ cho rằng chỉ có họ mới là độc tôn cung cấp các dịch vụ đó cho DNNVV? Nếu nói rằng cung cấp các dịch vụ đào tạo, chứng chỉ, chứng nhận… là xin cho thì có thể chính họ đang làm như thế". Ông Đông nhấn mạnh, tất cả đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Theo Thái An (tổng hợp)

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên