MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi đau của đại biểu Đắk Lắk: “Tuy mạnh yếu tuỳ mức khác nhau, song hạn hán năm nào cũng bị!”

“Một trong hai nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng kinh tế thấp là do hạn hán tác động tiêu cực đến phát triển nông nghiệp. Trong đó hậu quả lớn là hạn hán ở vùng Tây Nguyên”, đại biểu Ngô Trung Thành phát biểu trong phiên thảo luận.

Theo đó, ông cho biết trong 100 năm gần đây Tây Nguyên chưa bao giờ phải gánh chịu một trận đại hạn như vậy. “Đây là trận đại hạn lịch sử”, ông nhận xét.

Bức tranh Tây Nguyên được ông kể là những “nương rẫy khô cháy”, những “sông hồ trơ đáy” là những cái giếng được khoan trăm mét, “cao gấp đôi toà nhà 8B Lê Trực – nếu được xây”, tốn kém cả chục triệu đồng mà vẫn không có nước.

Do đó, trận đại hạn lịch sử này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất của hàng triệu người dân, hàng trăm nghìn hécta cây trồng bị khô hạn, trong đó hàng chục nghìn hécta cây trồng có giá trị kinh tế cao, cà phê, hồ tiêu bị khô cháy, thiệt hại lên đến nhiều nghìn tỷ đồng.

“Đắk Lắk là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất”, đại biểu Ngô Trung Thành cho hay.

Hiện sinh kế của người dân Tây Nguyên bị tổn hại nghiêm trọng bởi lẽ 90% trong tổng số 2 triệu người đang sống dựa vào nông nghiệp. Mà những thiệt hại này, ông Thành nhận định nó sẽ kéo dài trong nhiều năm nữa.

Nguyên nhân bởi những cây trồng đặc thù ở Tây Nguyên như hồ tiêu, cà phê để khôi phục phải mất đến 3 năm, hay như cao su phải mất tối thiểu 5 năm.

“Trong những năm chờ đợi đó, người dân rất vất vả để có kế mưu sinh, chưa kể cực kỳ khó khăn khi tìm kiếm nguồn vốn để khôi phục sản xuất, do trước đó đã vay nợ ngân hàng để đầu tư đến khi hạn hán cây trồng bị thiệt hại, không có tiền trả ngân hàng và ngân hàng sẽ không cho vay vốn tiếp!”, vị đại biểu này chua xót.

Nhìn nhận lại, vị đại biểu này cho rằng càng về sau Tây Nguyên sẽ còn hạn hơn nữa, bởi lẽ nếu nhìn trong khoảng từ 2013 đến nay, “Tây Nguyên đang hạn nối hạn”.

Dù vậy, cũng theo ông, việc khắc phục tình trạng diễn ra trong nhiều năm này vẫn còn rất chậm bởi cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

Thực tế cho thấy Tây Nguyên có đặc thù địa hình dốc nên mặc dù ở đây vào mùa mưa lượng mưa lớn nhưng do độ dốc cao, khả năng giữ nước kém, muốn giữ lại nước cho mùa khô thì phải có hồ, đập trữ nước, có các công trình thủy lợi để điều tiết nước nhưng hiện các hồ đâp này đã xuống cấp, năng lực trữ nước thấp.

“Theo tính toán của các nhà khoa học thì hệ thống này chỉ đáp ứng được 28% nhu cầu nước của Tây Nguyên”, ông nói.

Vì thế, ông Thành rất tán thành với Chính phủ khi đề xuất và triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống khô hạn, ứng phó với biến đổi khí hậu, trước mắt là ưu tiên những vùng bị ảnh hưởng nặng. Tuy nhiên, để cụ thể hơn, ông Thành đã đưa ra 3 ý kiến.

Theo đó, thứ nhất phải khẩn trương rà soát lại quy hoạch hồ, đập, công trình thủy lợi đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên.

“Từ đó đề ra kế hoạch, lộ trình cụ thể xây dựng các công trình này nhằm khắc phục triệt để tình trạng tuy mạnh yếu tùy mức khác nhau, song hạn hán thì năm nào cũng bị.”, ông nói.

Thứ hai, tập trung đầu tư kinh phí cho việc cải tạo, xây dựng mới hệ thống hồ, đập, công trình thủy lợi, trước mắt là kinh phí để khẩn trương cải tạo, nâng cấp các hồ, đập, công trình thủy lợi hiện có nhằm nâng cao công suất, dung tích trữ nước và hiệu quả trong điều tiết thủy lợi để nhân dân Tây Nguyên kịp thời chống chọi với hạn hán. Hiện nay đã có bố trí vốn nhưng còn chậm, thấp hơn so với nhu cầu đề ra.

Thứ ba, ông cho rằng cần rà soát lại các công trình thủy điện cân đối với nhu cầu bảo đảm an ninh nguồn nước để có cơ chế hài hòa hóa lợi ích giữa doanh nghiệp thủy điện và nhu cầu nước của nhân dân.

Vào thời điểm hạn hán có thể buộc thủy điện phải tạm dừng để hồ thủy điện tập trung vào nhiệm vụ cung ứng nước cho nhân dân. Về lâu dài thì phải xem xét, đánh giá kỹ lại hiệu quả kinh tế của các công trình thủy điện, một số chuyển hẳn sang dùng hồ chứa thủy điện cho mục đích thủy lợi coi như là dự án đầu tư mới hồ thủy điện để có nước bảo đảm ổn định đời sống, phát triển sản xuất cho người dân. Một số thủy điện có thể xem xét khai tử để trả lại nguồn nước, sự sống cho các dòng sông đang bị bức tử.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên