MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi lo sau giải cứu khoai tây ở Lạng Sơn

14-04-2018 - 08:04 AM | Thị trường

Cả tỉnh Lạng Sơn đang bước vào cuộc “giải cứu” khoai tây cho người nông dân huyện Chi Lăng.

Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng, năm 2017, huyện có gần 150 ha khoai tây, nhiều hơn năm trước đó khoảng 30 ha, Năm nay, thời tiết thuận lợi, khoai phát triển tốt, năng suất 135 tạ/ha, cao hơn so với vụ khoai năm 2017 (115 tạ/ha).

Mới vào vụ khoai tây cách đây chừng một tháng thế nhưng đã xuất hiện tình trạng ế ẩm, mặc dù khoai ngày càng rớt giá chỉ còn 3 -5 nghìn đồng/kg. Bà Kim, nông dân xã Quan Sơn cho biết: Năm ngoái thương lái mua tận ruộng đổ xô bình quân 9 nghìn đồng/kg mà không có bán. Năm nay bán được 5 nghìn đồng/kg (loại to, đẹp) thì trừ tiền giống, phân bón từ đầu vụ là lỗ to. Số lượng tồn đọng khoảng 3.000 tấn, có nguy cơ bỏ trắng.

Địa phương đã thành lập các tổ, đội “giải cứu” khoai tây bao gồm các cơ quan ban ngành chức năng, tổ chức chính trị xã hội. Huyện đoàn giữ vai trò nòng cốt. Đoàn viên, thanh niên tổ chức bán khoai ở TP Lạng Sơn, huyện Hữu Lũng, Chi Lăng vận chuyển tận tay người tiêu dùng. Anh Đoàn Thành Công, Phó bí thư huyện đoàn Chi Lăng cho biết: Thông qua công tác tuyên truyền, vận động trên kênh thông tin của Đoàn và mạng xã hội; đến nay đã bán được khoảng 100 tấn với giá 5.000 đồng/kg. “Không chỉ trong tỉnh Lạng Sơn; các bạn Thành đoàn Thái Nguyên cũng giúp bán gần 40 tấn khoai tây”, anh Công nói.

Ông Đoàn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Sở dĩ khoai tây năm nay mất giá là do: diện tích và sản lượng khoai của các tỉnh miền xuôi như: Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh tăng đột biến và cũng tiêu thụ chậm. Cung vượt cầu quá nhiều dẫn đến rớt giá. Cùng với đó, trên địa bàn huyện chưa có doanh nghiệp đăng ký bao tiêu sản phẩm mà người dân tự trồng, tự bán nên bị ảnh hưởng rất lớn. “Qua cuộc giải cứu này, huyện Chi Lăng sẽ có cuộc họp bàn rút kinh nghiệm trong việc định hướng chiến lược phát triển giữa các vùng sản xuất nông nghiệp. Thêm nữa, cũng cần có chính sách để thúc đẩy liên kết “4 nhà” để chất lượng, đầu ra cho hàng hóa địa phương được hanh thông, đảm bảo” - ông Sơn nói.

Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Lộc An –cho rằng, Việt Nam dù là nước nông nghiệp nhưng cơ bản sản xuất vẫn còn phân tán, nhỏ lẻ và lạc hậu. Hoạt động thu mua của thương nhân cũng nhỏ lẻ, phân tán, thậm chí nhiều mặt hàng phụ thuộc hoàn toàn vào thương nhân Trung Quốc. Vì vậy rủi ro dễ xảy ra và câu chuyện được mùa rớt giá vẫn diễn ra trong các năm qua. Cũng theo ông An, nếu vẫn sản xuất như hiện nay, tình trạng dư cung như vừa qua xảy ra, giải pháp tức thời vẫn là giải cứu.

Phạm Tuyên


Theo Nguyễn Duy Chiến

Tiền phong

Trở lên trên