MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nới lỏng tiền tệ, lãi suất chưa thể giảm

13-06-2016 - 08:30 AM | Tài chính - ngân hàng

NHNN đang nới lỏng chính sách tiền tệ, lượng cung tiền đang được đẩy mạnh ra nền kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu hạ lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho khu vực doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, liều lượng của chính sách hiện tại vẫn chưa đủ vì NHTM vẫn trong giai đoạn khó khăn, do đó khó có thể trông chờ sự chủ động giảm lãi suất từ các NHTM.

PGS.TS Trần Đình Thiên
PGS.TS Trần Đình Thiên
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
83 bài viết

Thị trường tiền tệ ổn định

Báo cáo số liệu việc làm do Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố ngày 3-6, cho biết số việc làm mới trong tháng 5 ở mức thấp nhất trong gần 6 năm trở lại đây. Sự ảm đạm của thị trường lao động khiến khả năng tăng lãi suất trong tháng 6 của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) trở nên mờ nhạt, thậm chí một số dự báo cho rằng thời gian tăng lãi suất có thể sẽ dời lại đến tháng 9 hoặc xa hơn thay vì tháng 7. Trước đó, FED cũng đã nhấn mạnh chỉ tăng lãi suất khi nền kinh tế và thị trường lao động tiếp tục được cải thiện vững chắc. Phản ứng trước thông tin trên, đồng USD đã giảm 1,6% so với các đồng tiền chủ chốt trên thị trường tiền tệ.

Mục tiêu huy động 100.000 tỷ đồng từ TPCP kỳ hạn 5 năm đã vượt chỉ tiêu, vì sau khi phiên đấu thầu ngày 8-6 đã huy động thành công 7.000 tỷ đồng TPCP, tổng lượng TPCP kỳ hạn 5 năm đã đạt 103.500 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm là 6,07%/năm, thấp hơn 0,03%/năm so với phiên trước đó.

Ngay thời điểm đó, tỷ giá USD/VNĐ cũng lập tức đổi chiều giảm giá. Tỷ giá niêm yết tại Vietcombank ngày 11-6 ở mức 22.290-22.360 đồng/USD. Giá bán USD tại các NHTMCP trong khoảng từ 22.360-22.390 đồng/USD, giảm mạnh so với mốc kỷ lục 22.500 đồng/USD vào đầu tháng 6. Trong những tháng đầu năm, NHNN đã mua vào khoảng 7 tỷ USD, nhưng thông tin FED tăng lãi suất trong tháng 6 và việc mở lại tín dụng ngoại tệ đã gây áp lực lớn đối với đồng USD tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, biến động của đồng USD trên thị trường quốc tế đã giúp sức ép tỷ giá trong nước nhanh chóng được đẩy lùi và việc giữ ổn định thị trường ngoại hối nói riêng và thị trường tiền tệ nói chung dự kiến sẽ thuận lợi cho NHNN.

Cùng thời điểm, diễn biến trên thị trường liên NH cho thấy thanh khoản hệ thống đang khá dồi dào. Ngày 30-5, NHNN đã phát hành tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm dừng để hút lượng tiền VNĐ dư thừa trên thị trường. Trong đợt phát hành này, NHNN chỉ phát hành tín phiếu kỳ hạn ngắn 7 ngày và 14 ngày. Kết quả trúng thầu đạt gần 100% lượng chào thầu.

Sau đợt thăm dò, NHNN đã liên tục phát hành tín phiếu và điều chỉnh kỳ hạn, lãi suất cũng như khối lượng phát hành tính đến ngày 3-6 đã hút vào khoảng 35.000 tỷ đồng. Đợt phát hành tín phiếu hút tiền về cộng với nhu cầu cần nhiều tiền mặt của các NHTM để đáp ứng yêu cầu dự trữ bắt buộc của NHNN thời điểm cuối và đầu tháng, đã đẩy lãi suất bình quân liên NH ngày 3-6 tăng mạnh, đạt mức 2,2%/năm tại kỳ hạn qua đêm, 2,7%/năm tại kỳ hạn 1 tuần và 2,9%/năm ở kỳ hạn 2 tuần, kỳ hạn 3 tuần là 3,6%/năm và kỳ hạn 1 tháng là 4%/năm.

Tuy nhiên, ngày 8-6, lãi suất bình quân liên NH kỳ hạn qua đêm đã giảm về mức 1,16%/năm, kỳ hạn 1 tuần ở mức 1,77%/năm, kỳ hạn 3 tuần 2,09%/năm và kỳ hạn 1 tháng 3,4%/năm. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) cũng giảm nhẹ, lãi suất huy động tại các kỳ hạn 3 năm và 5 năm giảm từ 0,05-0,08% trong phiên đấu thầu ngày 1-6. Tính đến thời điểm này, KBNN đã huy động được 166.744 tỷ đồng TPCP thông qua đấu thầu. Mục tiêu phát hành TPCP năm 2016 là 220.000 tỷ đồng. Như vậy, trong 7 tháng cuối năm tổng lượng TPCP phát hành các kỳ hạn chỉ còn khoảng 53.256 tỷ đồng.

Áp lực nới lỏng tiền tệ

Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ với DN, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết dù khó khăn nhưng ngành NH vẫn phấn đấu giảm khoảng 1% lãi suất trong năm nay. Các chuyên gia cho rằng để giảm lãi suất, NHNN cần tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ với mức độ sâu hơn. Trong năm 2014-2015, chính sách điều hành của NHNN ít có những điều chỉnh liên quan để hạ lãi suất mà chủ yếu kêu gọi NHTM cắt giảm chi phí để hạ lãi suất cho DN.

Tuy nhiên, năm 2016 Chính phủ muốn đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Để tăng trưởng, buộc hoạt động sản xuất kinh doanh phải được cải thiện. Vì vậy Chính phủ đã ra Nghị quyết với chỉ đạo chính thức về giảm lãi suất cho vay. Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng nếu muốn giảm lãi suất, NHNN sẽ phải nới lỏng tiền tệ thông qua các lựa chọn như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc tái tạo vốn qua kênh trái phiếu đặc biệt VAMC.

Và những yếu tố thuận lợi đã xuất hiện. 7 tháng tới Bộ Tài chính có thể sẽ rải bán đều 30% số lượng TPCP còn lại chứ không bán ồ ạt như thời gian qua. Theo đó, yếu tố chính ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cũng như sự chèn lấn nguồn vốn dài hạn khả dụng cho các hoạt động sản xuất-kinh doanh của khối DN sẽ được giải tỏa.

Trong điều kiện như vậy, thay vì hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, NHNN chỉ nới lỏng chính sách cho các NHTM như Thông tư 06 giãn lộ trình thực hiện các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD. NHNN cũng cho phép các DN xuất khẩu được vay ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước đến hết năm 2016. Thông tư này có tác dụng khơi dòng để vốn chảy vào khu vực DN cao hơn.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, những năm gần đây hệ thống NH Việt Nam chủ yếu phục vụ Nhà nước và ít phục vụ DN hơn khi có xu hướng dồn tiền vào TPCP. Tuy nhiên, tại thời điểm này sự cạnh tranh của kênh TPCP đã giảm xuống. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng cho biết tính đến ngày 31-5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 5,48%, tăng 17,59% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tăng trưởng tín dụng không phải chịu áp lực dồn dập vào những tháng cuối năm như trước, đây được xem là điều kiện tốt để giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính cho rằng, trong năm nay NHNN sẽ chỉ tiếp tục động viên NHTM giảm lãi suất chứ không điều chỉnh trực tiếp bằng văn bản, vì hiện tại các NH vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn. Nếu buộc giảm lãi suất, NHNN sẽ phải hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lượng TPCP, tăng tái cấp vốn/cấp bù lãi suất vì dòng vốn huy động của của NH không chỉ chảy vào tín dụng mà còn được giữ lại một phần để giải quyết các nhu cầu nội tại như cân đối nguồn vốn, dự phòng và giải quyết nợ xấu, dự phòng rủi ro và cho các mục đích đầu tư, kinh doanh…

Theo Yên Lam

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên