MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi niềm những thị trấn chuyên làm hàng xuất khẩu ở Trung Quốc

20-04-2016 - 19:14 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc có tới 500 thị trấn chuyên sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, từ giày nhựa, lốp xe, đồ chơi, đồ trang trí Giáng sinh cho tới cả những chiếc cúc bấm. Giờ đây cơn sốt đã qua đi và tương lai trở nên ảm đạm.

Trong nhà máy sản xuất đồ lót Honji, bên cạnh mỗi người công nhân là những chiếc áo lót chất thành đống cao như những “kim tự tháp”. Nhà máy này nằm ở Gurao – một thị trấn phía Nam tỉnh Quảng Đông. Tiếng máy khâu vang lên dồn dập khi những người công nhân đang làm việc bên dây chuyền sản xuất.

Mỗi ngày nhà máy này sản xuất ra 22.000 chiếc áo và chúng được phân phối đi khắp các cửa hàng ở Trung Quốc. Chính quyền gọi đây là “thị trấn đồ lót” vì có hàng nghìn nhà máy như vậy ở Gurao. Nơi này sản xuất ra 350 triệu chiếc áo lót và 430 triệu chiếc quần lót mỗi năm, phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngành này đóng góp tới 80% sản lượng công nghiệp của Gurao.

Trên khắp thị trấn nhỏ xuất hiện dày đặc những biển hiệu có hình những phụ nữ (thường là người nước ngoài) quảng cáo cho mặt hàng đã mang đến sự thịnh vượng cho Gurao. Tuy nhiên, nhiều người ở Gurao nói riêng và những nhà máy sản xuất đồ lót ở Trung Quốc nói chung đang rất lo lắng về tương lai. June Liu – giám đốc của Pengsheng Underwear – chia sẻ chi phí ngày một tăng lên trong khi khách hàng thì không chịu móc hầu bao. Năm ngoái một vài chủ nhà máy đã trốn chạy khỏi Gurao, để lại sau lưng những khoản nợ nần và công nhân không được trả lương.

Trong suốt 3 thập kỷ qua, với tốc độ tăng trưởng vượt bậc của kinh tế Trung Quốc, những thị trấn chỉ có 1 ngành kinh doanh duy nhất như Gurao đã mọc lên như nấm ở những vùng đất dọc bờ biển phía Đông, thế chỗ cho những cánh đồng lúa. Dòng vốn đầu tư ồ ạt chảy về từ Hồng Kông và Đài Loan đã tạo nên cơn sốt làm hàng xuất khẩu. Trên cả nước có tới 500 thị trấn như vậy, sản xuất nhiều loại mặt hàng từ giày nhựa, lốp xe, đồ chơi, đồ trang trí Giáng sinh cho tới cả những chiếc cúc bấm.

Gurao là một trong số vài trung tâm đã giúp Trung Quốc trở thành nước sản xuất áo lót lớn nhất thế giới. Nước này làm ra 2,9 triệu chiếc áo ngực trong năm 2014, chiếm 60% tổng số của toàn thế giới. Trung Quốc cũng chiếm ưu thế ở những mặt hàng khác như giày (63%), kính mắt (70%) hay bóng đèn tiết kiệm năng lượng (90%).

Đổi lại cho sự tăng trưởng này là ô nhiễm môi trường. Năm 2010, tổ chức phi chính phủ Greenpeace cảnh báo các nhà máy nhuộm ở Gurao đang khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên người Gurao lo lắng về việc cạnh tranh với các hãng sản xuất nước ngoài hơn là những người bảo vệ môi trường cũng đến từ nước ngoài.

Hàng tiêu dùng Trung Quốc đã chiếm lĩnh được thị phần trên thương trường quốc tế nhờ mức giá rẻ, thế nhưng lợi thế này đang dần phai nhạt. Kể từ năm 2001, chi phí nhân công đã tăng khoảng 12% mỗi năm. Thái Lan và Việt Nam – những nước có chi phí thấp hơn và thuế cũng thấp hơn – đang gia công cho các thương hiệu toàn cầu như Victoria’s Secret và La Senza. Kể cả hãng lớn nhất Trung Quốc là Regina Miracle cũng sẽ mở 2 nhà máy ở Việt Nam trong năm nay và dự định tăng con số lên 4 vào năm 2018. Ngoài ra còn có sự cạnh tranh từ Campuchia và Myanmar. Wacoal (Nhật Bản) đã mở nhà máy ở các nước này từ năm 2013.

Dẫu vậy, Gurao vẫn có một số lợi thế, ví dụ như chuỗi cung ứng chuyên nghiệp với đầy đủ các nhà máy phụ trợ. Thị trấn này cũng được hưởng quy định lỏng lẻo về thương hiệu và do đó dễ làm nhái các thương hiệu nổi tiếng.

Các quan chức ở Gurao lạc quan cho rằng thị trấn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng cách nâng cấp công nghệ và hiện đại hóa. Tuy nhiên, sức hấp dẫn để có thể thu hút vốn và nhân lực để “lột xác” Gurao đã lu mờ rất nhiều so với thời điểm năm 1982.

Gọi vốn khó khăn khiến các doanh nghiệp lưỡng lự không muốn đầu tư cho nghiên cứu và công nghệ. Một số nhà máy đã cải tiến bằng cách sử dụng vật liệu mới thân thiện dễ chịu hơn, nhưng hầu hết đang sử dụng công nghệ lạc hậu và thâm dụng lao động.

Vì có nền kinh tế thống trị bởi các doanh nghiệp tư nhân, những thị trấn như Gurao có thể có lợi thế trong quá trình thích nghi với thay đổi hơn so với các thành phố công nghiệp nặng sản xuất thép và than đá, nơi hàng triệu công nhân sẽ bị sa thải.

Năm 2013, lao động nhập cư chiếm một nửa trong tổng số 161.000 lao động ở Gurao. Đa phần là công nhân có rất ít kỹ năng, chưa tốt nghiệp cấp 3 và khó có thể chuyển sang những công việc trong ngành dịch vụ mà chính phủ Trung Quốc đang muốn hướng tới. Tuy nhiên may mắn là họ vẫn còn nhà cửa và ruộng vườn ở quê hương để quay về.

Cơn sốt qua đi sẽ bỏ lại những nhà máy trống rỗng và đất đai bị ô nhiễm. Gurao đã trở nên giàu có nhờ bất chấp cái giá mà họ phải trả về khía cạnh môi trường, nhưng để có thể phồn thịnh trong tương lai, thị trấn này phải có cái nhìn xa hơn và sâu hơn, vượt lên trên những lợi ích trước mắt.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên