MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nới room ngoại ngân hàng: Cần nắm cơ hội

25-09-2017 - 09:28 AM | Tài chính - ngân hàng

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang rất khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia việc tái cơ cấu, mua lại ngân hàng yếu kém. Đây chính là cơ hội tốt để các ngân hàng nới room hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
293 bài viết

Ngân hàng Việt hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Techcombank vừa gửi thông báo xin ý kiến cổ đông về việc quản lý tỷ lệ sở hữu đối với cổ đông nước ngoài. Theo đó, ngân hàng này xin chấp thuận tạm thời chốt tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 0%.

Đồng thời, Đại hội đồng cổ đông Techcombank chấp thuận ủy quyền cho Hội đồng quản trị Techcombank quyết định việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cụ thể của nhà đầu tư nước ngoài tại từng thời điểm nhưng không vượt quá 30% vốn điều lệ của Techcombank theo quy định của pháp luật.

Trước đó, LienVietPostBank cũng xin ý kiến cổ đông giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại mức 5% vốn. Giải thích về việc tại sao lại khóa room ở mức 5%, ông Nguyễn Đức Hưởng - Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng chia sẻ, trong khi các ngân hàng khác đi xin nới room ngoại thì LienVietPostBank lại khóa lại?

Về điều này, ông Hưởng lý giải: Nếu mở rộng cửa thì để cho nước ngoài chọn mình, còn khép bớt cửa là để mình chọn nước ngoài. Và nếu để room 30% thì sẽ có rất nhiều cổ đông nhỏ lẻ nước ngoài, còn khóa 25% lại, chỉ còn room 5% là để chọn một cổ đông nước ngoài thật lớn.

Hay mới đây, đại diện của Ngân hàng Quốc Dân (NCB) cho biết: Năm 2017, NCB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu chuyển đổi và thu hút thêm các cổ đông chiến lược nước ngoài, nâng tổng vốn điều lệ lên mức 6.010 tỷ đồng. Bên cạnh đó, NCB cũng đã ký hợp đồng chính thức với một ngân hàng lớn của Mỹ về tư vấn và lựa chọn đối tác cho ngân hàng.

Mặc dù vẫn tồn tại nhiều khó khăn nhưng các ngân hàng yếu kém đã có sự phục hồi nhất định sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại hay kiểm soát đặc biệt. OceanBank liên tục kinh doanh có lãi trong năm 2015, 2016 và sáu tháng đầu năm 2017.

DongA Bank đạt mức tăng trưởng huy động vốn trên 700 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm 2017, trong đó dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng gần 400 tỉ đồng và số nợ xấu được thu hồi là 1.260 tỉ đồng. Được biết, các ngân hàng cũng đang được một số nhà đầu tư ngoại quan tâm.

Thời gian vừa qua, NHNN phát đi thông điệp về những cuộc “dạm ngõ” từ nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia, mua lại ngân hàng 0 đồng OceanBank. Theo ông Bùi Huy Thọ, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN, cho hay hiện đang có ngân hàng nước ngoài ngỏ ý muốn tham gia quá trình tái cơ cấu ngân hàng OceanBank.

Ông Thọ cũng cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài lần này rất nghiêm túc với thương vụ và rất muốn quá trình này thực hiện thành công. Nếu thương vụ M&A này được thực hiện thành công, Việt Nam sẽ có thêm một ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Thông tin từ NHNN cho biết, các ngân hàng thương mại bị mua bắt buộc đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu như: Bộ máy quản trị, kiểm soát, điều hành được thay đổi; thanh khoản được cải thiện, đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát và rủi ro đối với hệ thống ngân hàng; bắt đầu có nguồn thu nhờ các hoạt động kinh doanh trong một số lĩnh vực an toàn dưới sự giám sát của NHNN…

Cần cải tổ mạnh hơn nữa

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, trong đó, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các định chế tài chính nước ngoài nói riêng mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém của Việt Nam.

Giải pháp cho nguồn vốn ngoại tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém đã được khuyến khích từ lâu nhưng chưa được thực hiện do vướng phải hai rào cản lớn về xử lý nợ xấu và thương lượng giá mua bán ngân hàng. Tuy nhiên, cả hai vấn đề này đã tháo gỡ.

Sau khi mua lại các ngân hàng yếu kém, quyền định giá bán giờ là của NHNN. Khi lựa chọn đối tác mua lại ngân hàng yếu kém, NHNN có lẽ sẽ đặt sự quan tâm chính vào khả năng tái cơ cấu thành công các ngân hàng này hơn là băn khoăn về giá bán.

Hơn nữa, việc NHNN đích thân đứng ra lựa chọn đối tác sẽ tránh được trường hợp ngân hàng lại tiếp tục bị biến thành công cụ để phục vụ các hoạt động sân sau như trường hợp của Ngân hàng CB.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng, điều này sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm tốt hơn và tạo ra nhiều cơ hội cho M&A. Với Nghị quyết 42/2017/QH14, việc xử lý nợ xấu sẽ có những bước đột phá, có tác động lớn đến M&A trong lĩnh vực ngân hàng. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước rất khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia việc tái cơ cấu, mua lại ngân hàng yếu kém.

Chuyên gia ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, với những cải tiến mạnh mẽ trong thời gian qua, ngành ngân hàng của Việt Nam đang gây chú ý với các nhà đầu tư đến từ châu Á. Còn đối với các nhà đầu tư đến từ phương Tây thì họ vẫn còn có chút ngờ vực vì họ cho rằng công nghệ ngân hàng của Việt Nam còn nhiều vướng mắc chưa lường đoán được, đặc biệt là những rủi ro trong hệ thống khi vấn đề Basel II chưa thể thực hiện.

Cũng theo ông Hiếu thì giải pháp tốt nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn thâm nhập vào thị trường ngân hàng nội địa là hợp tác với một đối tác trong nước, mua lại toàn bộ một ngân hàng nội địa, hoặc thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Cả 3 phương án này hiện không phải là điều quá khó khăn.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng, thì nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng phải được sở hữu ở mức đủ để bảo đảm vai trò quản trị theo luật lệ của Việt Nam, đồng thời theo thông lệ quốc tế tốt nhất. Cũng trên cơ sở này mới bảo đảm được tính minh bạch - một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của quản trị và giám sát.

Cũng theo ông Nghĩa thì có thể quy định room cho nhà đầu tư nước ngoài với các mức như sau: Cho phép được sở hữu 30% đối với ngân hàng thương mại khá, 51% đối với ngân hàng trung bình và thậm chí 100% đối với những ngân hàng yếu kém thực sự.

Theo G.Miêu - T.Vy

Lao động

Trở lên trên