MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nới “room” vốn ngoại - lợi ích kép cho ngân hàng

22-10-2018 - 10:06 AM | Tài chính - ngân hàng

Sau thời kỳ khủng hoảng, ngân hàng (NH) đã không còn là điểm “nước chảy chỗ trũng” đối với dòng vốn của các nhà đầu tư trong nước.

Bởi vậy, để đáp ứng các tiêu chí hoạt động, các nhà băng đang tích cực tìm dòng vốn ngoại. Tuy nhiên, room vốn ngoại đang là vấn đề khiến nhiều nhà băng gặp khó.

Ngân hàng cấp tập tìm vốn ngoại

Chuyện các NH đi tìm vốn ngoại không mới, vì nó đã diễn ra từ những năm trước. Đơn cử như năm 2017, VPBank vay 100 triệu USD từ Deutsche Bank cho FE Credit, nhận 122 triệu USD từ IFC, 41 triệu USD từ Credit Suisse. Hay ABBank nhận khoản vay hợp vốn 150 triệu USD từ IFC cuối năm 2017 và VIB nhận gói tài trợ 185 triệu USD từ IFC và 3 NH ngoại với kỳ hạn 5 năm.

Không phải chỉ các NH cổ phần nhỏ, mà ngay cả NH lớn như Vietinbank cũng liên tiếp vay hợp vốn trong những năm qua, khi trong năm 2017 đã ký hợp đồng vay hợp vốn 100 triệu USD với 8 định chế tài chính nước ngoài, chưa kể trước đó vào đầu năm 2016 đã vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD với 18 NH quốc tế.

Trong năm 2018, liên tiếp các NH đua nhau đi tìm vốn ngoại. Cụ thể, trong tháng 7-2018 TPBank đã ký kết hợp đồng vay vốn dài hạn với giá trị lên tới 100 triệu USD (tương đương 2,300 tỷ VNĐ) với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).

Đáng chú ý, song song với việc cho vay vốn, IFC cũng sẽ tham gia tư vấn cho TPBank trong các lĩnh vực quản trị NH, quản lý rủi ro và nâng cao năng lực phát triển.

Sang tháng 8, LienVietPostBank góp mặt trong danh sách các nhà băng vay vốn ngoại khi nhận khoản vay 50 triệu USD từ JPMorgan Chase, kỳ hạn 3 năm. Khoản vay này nhằm giúp LienVietPostBank bổ sung nguồn ngoại tệ trung dài hạn, cải thiện cơ cấu huy động và đáp ứng một phần nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp trong nước.

Trong tháng 9, SHB đồng thời nhận được 20 triệu USD kỳ hạn 5 năm từ IIB (NH Đầu tư Quốc tế - Nga) và 20 triệu EUR theo hợp đồng tín dụng khung với IBEC (NH Hợp tác Kinh tế Quốc tế - Nga).

Theo SHB, các khoản vay sẽ giúp NH có thêm nguồn vốn trung và dài hạn tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam, dự án liên quan đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lượng xanh; thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các nước thành viên của IBEC, hoạt động ngoại hối, huy động vốn.

Và mới đây, thông tin cho biết IFC đang xem xét cấp khoản vay lên đến 100 triệu USD cho OCB để mở rộng các hoạt động cấp vốn dài hạn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Nới “room” vốn ngoại - lợi ích kép cho ngân hàng - Ảnh 1.

Hợp tác vay vốn ngoại giúp nâng tầm vị thế ngân hàng Việt.


Đề xuất nâng tỷ lệ lên 49%

Theo các chuyên gia NH, mục tiêu đầu tiên của việc tìm vốn ngoại là giúp các NH trong nước tăng nguồn vốn trung dài hạn, khi mà tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 45% xuống 40% kể từ đầu năm 2019.

Thứ hai là để đáp ứng các tỷ lệ an toàn, khả năng chi trả đối với ngoại tệ theo quy định, cũng như giúp cải thiện cơ cấu nguồn vốn huy động và tối ưu chi phí vốn. Ngoài ra, việc được vay vốn cũng giúp các NH nâng cao được thương hiệu, hình ảnh, vị thế không chỉ trong nước mà còn trên tầm quốc tế.

Tuy nhiên, theo quy định, tỷ lệ sở hữu cổ phần (room) của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ; tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30%.

Theo các NH, đây là rào cản lớn nhất trong thu hút vốn ngoại và hiện một số nhà băng đã dùng cạn. Do đó, nhiều NH bày tỏ mong muốn được nới room cho khối ngoại để tăng vốn, xử lý nợ xấu, nhất là đối với các nhà băng đang thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Mức đề nghị là 35 - 40%, thậm chí một số nhà băng mong muốn được nới room lên 49% hoặc 51%.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng để có thể phục vụ xã hội và cho nền kinh tế hiệu quả hơn, thì NH phải hoạt động lành mạnh hơn. Mà để NH hoạt động lành mạnh thì cần tăng vốn.

“Tôi mong muốn Chính phủ và NHNN xem xét việc các NH đi tìm vốn nước ngoài, vì thị trường vốn trong nước rất hạn chế. Qua những khó khăn của ngành NH, việc các nhà đầu tư trong nước mạnh bạo bỏ vốn vào không còn. Bởi vậy, tôi đề nghị NHNN nên cho các nhà đầu tư ngoại đầu tư với tỷ lệ tối thiểu là 49%.

Theo tôi không nên sợ các nhà đầu tư nước ngoài chiếm dụng hay khuynh đảo nền tài chính vì thực tế trên thế giới, chưa bao giờ có hiện tượng mất kiểm soát vì dòng vốn ngoại. Đặc biệt với khả năng của Chính phủ, của NHNN, chúng ta kiểm soát được hoạt động của các NH nước ngoài. Hiện có những NH nước ngoài 100% vốn nước ngoài, thị trường của họ cũng đâu đó đến 10% ở Việt Nam”, ông Hiếu nói.

Đồng quan điểm, các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng việc nới room cho là để các NH đáp ứng những nhu cầu về hội nhập, cạnh tranh với các NH quốc tế trên thị trường tài chính. Nhà nước vẫn duy trì tỷ lệ đảm bảo có quyền chi phối (51%) và các quyền khác thông qua pháp luật, luật NH.

Từ việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, không những chúng ta vừa đạt được những cam kết khi gia nhập, hội nhập kinh tế quốc tế mà còn thu hút được lượng vốn lớn của nhà đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực về vốn, về quản trị điều hành, quản trị rủi ro và các tiêu chuẩn khác theo thông lệ quốc tế.

Tương tự, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng ngoài có nguồn vốn mạnh, các NH ngoại thậm chí còn tuân thủ pháp luật và các quy định về quản trị rủi ro của Việt Nam cao hơn các nhà băng trong nước, họ sẽ giúp thay đổi căn bản phuơng thức quản trị doanh nghiệp và hạn chế tình trạng lạm quyền, tiêu cực tham nhũng trong công tác quản trị NH…

Theo Lệ Thúy

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên