MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi sợ mất sạch lợi nhuận của Masan và nhiều doanh nghiệp lớn trước viễn cảnh Alibaba, Amazon thâm nhập thị trường có là… lo xa?

Thương vụ sáp nhập hệ thống bán lẻ của Vingroup có vẻ từng được Masan úp mở hồi gần cuối tháng 11. Doanh nghiệp này nói đến nỗi sợ với Alibaba, Amazon trong làn sóng thứ 2, và làn sóng thứ 3 phải là bắt tay với các doanh nghiệp lớn trong nước.

Bán lẻ là một trong những ngành hiếm hoi còn tăng trưởng trên 2 con số, khoảng 10%/năm. Báo cáo về thị trường bán lẻ của công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định thị trường bán lẻ Việt Nam đang là cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư cả về đầu tư tài chính hoặc đầu tư để kinh doanh.

Bởi lẽ Việt Nam được hưởng lợi bởi những yếu tố như cơ cấu dân số vàng; tốc độ tăng trưởng GDP cao, lạm phát ổn định.

Hơn nữa, Việt Nam còn được biết tới như là nước có sự tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu; tỷ lệ đô thị hoá cao; 40% dân số dưới 24 tuổi.

Tuy nhiên, bán lẻ tại Việt Nam được xem là thị trường rất khốc liệt, người vào, kẻ ra liên tục mà ngay cả những ông lớn ngoại, ví dụ Auchan (Pháp) cũng phải ngậm ngùi rút lui. Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái từng nói: Hệ thống phân phối hiện đại đa phần lỗ, các siêu thị đều lỗ, các cửa hàng tiện ích càng lỗ.

Không chỉ cạnh tranh với nhau, bán lẻ còn là sự cạnh tranh giữa truyền thống và công nghệ. Cụ thể là xu hướng mua hàng trực tuyến.

Trong năm 2018, số liệu của MBS cho thấy tổng doanh thu bán hàng trực tuyến đang đạt 6,2 tỷ USD, chiếm 3,4% tổng doanh thu bán lẻ tại Việt Nam.

Cơ cấu dân số của Việt Nam có rất nhiều yếu tố để giúp mảng này tăng trưởng hơn 20%/năm trong 5 năm – theo nhận định của MBS.

Một số nhà sản xuất, ví dụ như Masan, đã bày tỏ quan ngại trước sự phát triển của thương mại điện tử, đặc biệt với sự gia nhập của những ông lớn như Amazon hay Alibaba.

Tại FPT Techday 2019, ông Nguyễn Anh Nguyên, Phó TGĐ phụ trách CNTT của Masan nói:

"Bản thân Ban Giám đốc cảm thấy sợ. Alibaba bắt đầu lò dò vào, Amazon bắt đầu lò dò vào, và bọn họ không phải tầm thường. Trong buổi nói chuyện cách đây vài ba ngày, tôi đã nói với mọi người rằng không chỉ riêng Masan đâu, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam không cẩn thận có khi chỉ 3 - 5 năm nữa, khả năng xây dựng thương hiệu có thể vẫn còn, khả năng sản xuất có thể vẫn còn, nhưng khả năng bán hàng sẽ mất.

Hoặc họ sẽ bòn tất cả lợi nhuận bạn có thể có mới cho phép bạn đưa hàng đến tay người tiêu dùng. Bạn mất kênh phân phối. Và điều đó rất nguy hiểm. Bán gói mỳ có lời bao nhiêu đâu, nhưng bạn phải đóng 24% lợi nhuận biên ra siêu thị thì chắc chắn đổ máu.

Do vậy, Masan cho biết sẽ phải có mô hình kinh doanh mới, đồng thời, tiến sang làn sóng thứ 3, bắt tay với đối tác lớn ở Việt Nam để tự vệ với sự tấn công bên ngoài về thương mại.

Dù vậy, có vẻ nỗi sợ với Amazon hay Alibaba chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh tổng thể chiến lược của Masan.

Nguyên nhân, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đang là 2,8 tỷ USD, bằng 1/30 quy mô tổng thị trường bán lẻ (84 tỷ USD). Ngành bán lẻ hiện đang có tốc độ tăng trưởng 10%/năm, bán lẻ trực tuyến có mức tăng hơn 20% trong 5 năm.

Như vậy, giả sử với tốc độ tăng trưởng bán lẻ trực tuyến là 20%/năm, sau 5 năm, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến đạt 6,97 tỷ USD, chỉ chiếm khoảng 5% so với thị trường bán lẻ chung. Tức, bán lẻ trực tuyến sẽ còn khá lâu để tạo thành miếng bánh thị phần lớn.

Tuy nhiên, việc nhìn xa và đầu tư vào hệ thống bán lẻ như động thái gần đây của Masan được cho là sẽ hoàn thiện hơn chuỗi cung ứng, từ đó, giúp dễ dàng phản ứng hơn với xu hướng thương mại điện tử trong tương lai. 

Bình An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên