MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông dân khốn đốn vì hơn 16 ngàn ha lúa đổ sập

30-12-2017 - 09:14 AM | Thị trường

Hiện toàn tỉnh Kiên Giang có hơn 16.300 ha lúa vụ Mùa bị đổ sập, chủ yếu tập trung ở các huyện An Minh, An Biên và Châu Thành. Nhưng bên cạnh ảnh hưởng do thiên tai từ cơn bão Tembin (bão số 16), còn có ảnh hưởng từ nhân tai.

Cụ thể, tại huyện An Biên, diện tích lúa vụ Mùa hơn 1.760 ha và lúa Đông Xuân sớm 2017 - 2018 khoảng 1.740 ha đang giai đoạn chuẩn bị thu hoạch cũng bị đổ ngã, nhưng nặng nhất vẫn là huyện An Minh. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện có khoảng 12.600 ha lúa trổ chín và chín sắp thu hoạch bị đổ ngã, chiếm 80% diện tích lúa chưa thu hoạch. Đây là lúa vụ Mùa lấp vụ trên nền đất nuôi tôm theo mô hình sản xuất lúa – tôm.

Hệ lụy của lúa bị đổ ngã là tăng cao chi phí khi thu hoạch so với bình. Do lúa đổ ngã, nên ruộng ngập nước... không thu hoạch được bằng máy gặt đập liên hợp, nông dân phải thuê nhân công thu hoạch, bó lúa, vận chuyển thủ công nên tổng chi phí thu hoạch lên đến 01 - 1,2 triệu đồng/công (1.000m2) tăng 3-4 lần so với trước khi mưa bão xuất hiện. Trong khi đó theo đánh giá sơ bộ của Phòng NN-PTTN huyện An Minh, nhiều khả năng năng suất bị giảm 40-50%. Đã vậy khả năng nông dân lại rất khó bán vì chất lượng lúa kém.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người trồng lúa lo hơn thiếu nhân công để thuê mướn thu hoạch lúa do lao động tại địa phương đi làm ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Vì vậy đã xuất hiện tình trạng nông dân chủ động tìm người nuôi vịt chạy đồng để bán cho vịt ăn, giảm lỗ.

Trong khi đó, hơn 200 ha lúa Đông Xuân sớm 2017 - 2018 ở ấp Vĩnh Thành B, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành đang giai đoạn gần thu hoạch cũng bị đổ sập, ngập úng, nhưng lại do nhân tai. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cả cánh đồng Vĩnh Thành B chỉ có con kênh 9 Xuyên cấp và thoát nước phục vụ sản xuất, thế nhưng trước khi mua bão xuất hiện, Sở Giao thông-Vận tải tỉnh Kiên Giang triển khai công trình cầu – cống thủy lợi trên đường Vĩnh Hòa Hiệp. Trong quá trình thi công, đơn vị thi công đã cho đắp chặn tuyến kinh lại. Vì vậy, khi bão Tembin xuất hiện gây mưa trên diện rộng, nước trên đồng không có đường thoát, gây ra hiện tượng ngập úng. Xót của, nông dân tập trung bơm nước cứu lúa, khiến chi phí tăng vọt.

Ông Nguyễn Quốc Quy - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa Hiệp cho biết: “Xã hỗ trợ, vận động bà con tích cực bơm tháo nước ra nhằm giảm thiệt hại và khẩn trương thu hoạch những trà lúa chín. Chúng tôi đã báo cáo UBND huyện Châu Thành đề nghị chủ đầu tư dự án mở đường thoát nước cho dân bơm nước cứu lúa nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, bà con nông dân rất bức xúc”.

Theo Lục Tùng

Lao động

Trở lên trên