MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông nghiệp thời hạn mặn

20-06-2016 - 10:20 AM | Thị trường

Trong đợt hạn mặn 2016, 10/13 tỉnh thành ĐBSCL công bố tình trạng thiên tai. Tổng diện tích thiệt hại các vụ lúa đến nay trên 233.000 ha, trong đó năng suất lúa Đông - Xuân bị giảm gần 4 tạ/ha, ước tính giảm sản lượng hơn 400.000 tấn.

Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu

Hạn mặn cũng đã làm chậm tiến độ xuống giống vụ Hè - Thu. Đặc biệt, có gần 260.000 hộ với hơn 1 triệu người thiếu nước sinh hoạt. Ước tính tổng mức thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng. Riêng tỉnh Bến Tre, 100% xã, phường đều bị mặn xâm nhập.

Sản xuất nông nghiệp là trọng tâm của vùng ĐBSCL, mỗi năm sản xuất trên 25 triệu tấn lúa, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước; là trung tâm sản xuất trái cây góp phần đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,1 tỉ USD; hơn 5 tỉ USD thủy sản.... nhưng sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL vẫn gặp nhiều thách thức do chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế, chi phí sản xuất cao; cơ cấu giống lúa chưa phù hợp và tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận còn thấp; sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu quá nhiều; liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo… Cùng đó là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, cụ thể là hạn mặn.

Chính vì thế, Bộ NN&PTNT đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó giải pháp căn cơ và dài hạn là tái cấu trúc lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, giảm chi phí để mang lại lợi ích cho nông dân.

Chủ động, sáng tạo để thích ứng

Để thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ NN&PTNT tập trung chỉ đạo tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân, phát triển sản xuất lúa theo hướng giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính.

Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL áp dụng các giải pháp đồng bộ về kỹ thuật trong canh tác lúa trong đó hình thành các mô hình sản xuất lúa tiên tiến, hiệu quả như: mô hình áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống, thuốc trừ sâu, phân đạm; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế); “1 phải, 5 giảm” (phải dùng giống xác nhận; 5 giảm gồm: nước, thất thoát sau thu hoạch và 3 giảm của “3 giảm, 3 tăng”); mô hình ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI); mô hình “cánh đồng lớn”....

Với mô hình cánh đồng lớn, đến nay đã lên tới 146.353ha, được xem là giải pháp quan trọng lâu dài góp phần tái cơ cấu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững, từng bước đưa nông nghiệp khu vực ĐBSCL đi lên sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại.

Để thích ứng với BĐKH, những năm qua, các địa phương vùng ĐBSCL đã dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ví dụ, trồng lúa - nuôi tôm, chuyển đổi 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa, 1 vụ màu;….

Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang triển khai nhiều mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, an toàn, hiệu quả và bền vững, xây dựng 38 điểm trình diễn với tổng diện tích hơn 36ha thực nghiệm sản xuất các mô hình như: nuôi cua biển; nuôi tôm sú xen sò huyết dưới tán rừng phòng hộ; nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng U Minh Thượng…

Ngành nông nghiệp Cần Thơ có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đa dạng hóa cây trồng, cải tạo đất trên đồng ruộng góp phần tăng thu nhập cho nông dân trên cùng một diện tích canh tác.

Trong vụ Hè - Thu 2015, Cần Thơ đã chuyển đổi 3.098 ha trồng lúa sang trồng mè, bắp, dưa hấu, rau đậu các loại cho phù hợp với vùng sản xuất mang lại lợi nhuận bình quân 1 ha từ 17-25 triệu đồng/vụ.

Hiện Cần Thơ thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi 4.300ha màu trồng trên đất lúa kém hiệu quả, để nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời giảm áp lực nguồn cung lúa hàng hóa, góp phần điều tiết giá lúa có lợi cho nông dân trên thị trường.

Với Hậu Giang, đến nay tỉnh này đã xây dựng được 5 “cánh đồng lớn” với tổng diện tích 1.660ha; xây dựng các vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh với qui mô khá lớn, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu như: vùng lúa chất lượng cao 32.000ha, vùng mía nguyên liệu 10.300ha, vùng khóm 2.000ha, vùng cây có múi đặc sản 10.000ha…

Cũng cần ghi nhận, để nông nghiệp thích ứng với BĐKH, các nhà khoa học ở Viện lúa ĐBSCL, Trường đại học Cần Thơ, Viện Cây ăn qủa miền Nam, Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo nông dân tăng sản lượng và thân thiện môi trường. Đặc biệt, biện pháp hiệu quả là giảm phân đạm vô cơ và tưới tiêu nước hợp lý.

Từ đó, các tỉnh, thành trong vùng triển khai thực hiện các mô hình trồng rau an toàn, giảm tối đa lượng thuốc trừ sâu, chống ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường đất, nước; chuyển đổi chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, thích hợp với môi trường tự nhiên thay cho các lọai cây, con truyền thống.

Sản xuất nông nghiệp thời hạn mặn, bên cạnh việc tái cơ cấu sản xuất, sự liên kết vùng là một yêu cầu bức thiết bởi yêu cầu của sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phải theo chuỗi và cần có sự liên kết nhiều chiều, nhiều phía.

Theo Lê Quốc Khánh

Đại đoàn kết

Trở lên trên