MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông nghiệp và góc nhìn từ chứng khoán

Đến nay thị trường chứng khoán vẫn còn khá lạ lẫm đối với rất nhiều doanh nghiệp thuộc ngành nông nghiệp. Đây cũng là một nút thắt quan trọng không kém vấn đề về đất đai trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Gần 1 thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam đã đẩy mạnh tăng trưởng dựa trên đưa vốn vào công nghiệp, dịch vụ mà bỏ quên đi giá trị của ngành nông nghiệp. Cho đến gần đây, khi mà đóng góp của ngành nông nghiệp sụt giảm kéo theo tăng trưởng GDP chậm lại thì những câu chuyện về nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng được nhắc đến nhiều hơn.

Sự xuất hiện của những tên tuổi lớn đầu tư vào nông nghiệp là một xu thế tốt nâng cao giá trị nông nghiệp nước nhà. Thế nhưng, không hẳn cứ là "ông lớn" là làm nông nghiệp thành công. Thực tế, quan sát hiện tượng các “ông lớn” ngoài ngành đầu tư vào nông nghiệp hiện nay, đa phần đều hướng tới những hỗ trợ về mặt giao đất với số lượng lớn và chủ yếu làm sản phẩm thô.

Thế nhưng ngày nay, khoa học công nghệ phát triển mạnh đã giúp cho nông nghiệp thế giới đáp ứng nhu cầu về lương thực và nguyên liệu cho các ngành khác. Nhờ có công nghệ hiện đại kết hợp với diện tích cánh đồng nông nghiệp lớn, Mỹ và Úc được xem là hai đại diện tiêu biểu trong cách làm này và chỉ một phần nhỏ dân số làm việc trong khu vực này. Do đó, mô hình làm nông nghiệp theo kiểu quy mô lớn và sản phẩm thô đã không còn tạo ra giá trị lớn và được cảnh báo dấu hiệu thừa cung.

Báo cáo của bộ NN& PTNT năm 2015 chỉ ra rằng những nông lâm trường quốc doanh đa phần rơi vào trạng thái “sống dở, chết dở” suốt nhiều năm qua dù nắm trong tay hàng triệu héc ta đất rừng, đất nông nghiệp mà các nông lâm trường được giao.

Về chính sách đất đai, nông nghiệp của Việt Nam, 2 Giáo sư David Dapice và Nguyễn Xuân Thành đến từ Đại học Harvard (Mỹ) cho rằng, “Đề xuất nhà nước đầu tư hay để thành lập những trang trại quy mô lớn hàng nghìn ha, hiện đại và thâm dụng vốn đã được thử nghiệm ở những nước khác ở Đông Nam Á và nói chung là không có hiệu quả – chí ít nếu tính đến chi phí kinh tế của những khoản trợ cấp ngầm về đất đai và tín dụng”.

Một thực trạng đang diễn ra là các chính sách còn bất cập về tín dụng. Nông dân muốn vay vốn để đầu tư thì rất khó khăn và vốn vay được rất ít trong khi những “ông lớn” đi vay hàng ngàn tỷ đồng một cách dễ dàng, nhưng hiệu quả thì không thấy đâu.

Có vị chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp từng phân tích rằng phát triển nông nghiệp không nhất thiết phải là những doanh nghiệp quy mô lớn, mà cần phát triển từ những doanh nghiệp tạo được cái lõi để phát triển. Chẳng hạn từ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu làm trung tâm, từ đó kết nối với hệ thống phân phối, với người nông dân để tạo ra chuỗi giá trị nông nghiệp.

Xu hướng phát triển gần đây cho thấy, các sản phẩm nông nghiệp ngày càng đa dạng hơn. Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm ở các nước đã có sự chuyển hướng sang thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng các tiêu chí vệ sinh an toàn khắt khe của các nhà nhập khẩu cũng như tiêu dùng nội địa. Đó là cơ hội để những nhà đầu tư vào nông nghiệp tập trung khai thác.

Phát triển nông nghiệp nhìn từ thị trường chứng khoán

Những năm gần đây, ở một số địa phương đã phát triển một số mô hình giúp phát triển kinh tế nông thôn như các hợp tác xã kiểu mới, các hội nhóm đồng sở thích cùng sản xuất ra những loại sản phẩm đồng dạng. Tuy nhiên, các loại hình này mới chỉ thành công ở những nhóm nhỏ và gặp rất nhiều hạn chế như chính sách hỗ trợ phức tạp, trình độ cán bộ quản lý, thiếu sợi dây liên kết. Ngoài ra, việc quản lý tài sản chung thiếu công khai tài chính cũng là một vấn đề đối với các HTX.

Điểm sáng là trong tình hình hiện nay, mô hình làm nông nghiệp của các doanh nghiệp Cổ phần Đại chúng đang cho thấy tín hiệu tích cực. Với các quy chuẩn niêm yết khá khắt khe trên sàn chứng khoán đặc biệt là sàn HOSE, với ràng buộc công bố thông tin và tài chính định kỳ giúp giải quyết vấn đề về sự minh bạch và đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư góp vốn.

Đến một giai đoạn phát triển, doanh nghiệp không thể tự đầu tư bằng vốn tự có và vốn vay để phát triển mà cần có sự trợ lực lớn từ các nhà đầu tư tài chính. Họ không chỉ mang đến cho doanh nghiệp nguồn vốn mà còn về quản trị, chiến lược giúp doanh nghiệp nhỏ từng bước phát triển mạnh. Đây là điểm mạnh mà các Công ty Cổ phần Đại chúng hoạt động trong ngành nông nghiệp tỏ ra vượt trội.

Trên thị trường thế giới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, chuỗi giá trị nông nghiệp niêm yết vẫn luôn được thị trường đánh giá rất cao. Một số ví dụ như cổ phiếu của hãng Monsanto, chuyên cung cấp các sản phẩm nông nghiệp cho nông dân như hạt giống, công nghệ sinh học, thuốc diệt cỏ và máy móc nông nghiệp có tổng vốn hóa thị trường lên đến 45,6 tỷ USD, được thị trường định giá so với thu nhập (P/E) 43,97 lần. Tyson Food, chuyên về thực phẩm từ thịt có vốn hóa lên đến 28 tỷ USD, tương ứng với mức P/E 18 lần. Calavo Growers chuyên chế biến các sản phẩm bơ có vốn hóa 1,1 tỷ USD được thị trường định giá gấp 34,5 lần thu nhập. Pinnacle Foods Inc chuyên sản xuất và phân phối thực phẩm có vốn hóa thị trường gần 6 tỷ USD, gấp 29,5 lần thu nhập…

Tại Việt Nam, khu vực doanh nghiệp niêm yết thuộc nhóm ngành nông nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt vẫn đang có sự tăng trưởng vượt trội so với bức tranh chung của ngành nông nghiệp. Một số doanh nghiệp niêm yết đáng chú ý đã thiết lập được một hệ thống tạo ra giá trị gia tăng cao như Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (HSOE: PAN), hay Nafoods Group (HOSE: NAF), Nông nghiệp Hùng Hậu, đơn vị đang nắm cổ phần tại Safoco và Thủy sản Số 1…

Sau khi niêm yết, các doanh nghiệp này đã huy động được nguồn vốn lớn từ cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài. Đối với PAN, công ty này niêm yết từ cuối năm 2010 với vốn điều lệ 115 tỷ đồng, chưa đầy 6 năm PAN đã tăng vốn lên hơn 1.000 tỷ đồng. Tổng tài sản từ dưới 300 tỷ đồng năm 2010 tăng lên gần 3.700 tỷ đồng, gấp 12,4 lần so với thời điểm niêm yết.

Danh sách công ty con và liên kết hiện tại của PAN bao gồm những thương hiệu khá lâu đời như Công ty Cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (Lafooco), Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (Aquatex Bentre), Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed), Bibica… Điều đáng nói, cả PAN và những công ty mà tập đoàn này đang nắm giữ đều hầu hết được niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM. Điều này đã giúp PAN thu hút được nguồn vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện tại, PAN đã trở thành công ty toàn cầu khi cho phép nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100%. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào PAN như Tael Two Partners Ltd, GIC/Government of Singapore, International Finance Corporation (World Bank)… Với nguồn lực tài chính mạnh, PAN đã cho thấy một làn sóng đầu tư vào nông nghiệp kiểu mới bằng hình thức M&A các doanh nghiệp. Để rồi lấy cốt lõi từ doanh nghiệp để tăng độ lớn nhờ đưa vốn và quản trị vào các doanh nghiệp đó.

Đối với Nafoods, 30 triệu cổ phiếu NAF được niêm yết trên sàn HOSE vào cuối năm 2015 hiện đang được giao dịch tại mức P/E 24,4 lần, có tổng vốn hóa hơn 1.000 tỷ đồng. Nafood dù mới niêm yết cuối năm 2015 cũng nhanh chóng thu hút nhà đầu tư ngoại tham gia như Vietnam Holding Limited và Indochina Capital Vietnam Holdings Ltd.

Trong năm nay, NAF cũng 350 tỷ đồng để đầu tư vào nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu tại ĐBSCL, một phần nguồn vốn là từ phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu phần nào cho thấy được vai trò cung cấp vốn của thị trường chứng khoán. Hiện Nafoods đang liên kết với nông dân trồng hàng ngàn hecta chanh leo và các loại củ quả khác phục vụ chế biến.

Dòng tiền thông minh sẽ tự tìm đến những doanh nghiệp có chiến lược bài bản, có sản phẩm tốt và quan trọng nhất là sự minh bạch. Nhà đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp cũng hài lòng với mức cổ tức hàng năm hợp lý mặc dù vẫn trong giai đoạn đầu tư. Trong khi đó, dòng vốn được sử dụng một cách hiệu quả, từ đó phân bổ lại trong chuỗi giá trị như nông dân – những người làm ra sản phẩm đầu vào. Tất cả các bên đều có lợi.

Sau 20 năm hình thành, thị trường chứng khoán đã trở thành kênh cung cấp vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Nhưng tiếc thay, đến nay nó vẫn còn khá lạ lẫm đối với rất nhiều doanh nghiệp thuộc ngành chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp. Phải chăng, đây cũng là một nút thắt quan trọng không kém vấn đề về đất đai trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt ?

Theo Huy Nguyên

Người đồng hành

Trở lên trên