MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tư duy "người cày có ruộng" và chuyện giải cứu cho nông nghiệp Việt Nam

Dưa hấu và thịt lợn mới được ghi tên trong danh sách nông sản cần giải cứu. Tuy không phải giải pháp triệt để, nhưng đây sẽ vẫn là hiện tượng cần được hoan nghênh trước khi có những cuộc giải cứu trong tư duy làm nông nghiệp.

Ba lần người nông dân cô đơn

Năm nào cũng vậy, các vụ giải cứu luôn được tổ chức mỗi khi nông dân gặp khó khăn. Mấy hôm nay cần giải cứu thịt lợn, sắp tới có thể là vải thiều. Trước đó, xã hội đã từng giải cứu thanh long, ớt, hành tím,... Xót xa hơn, trâu bò cũng được huy động vào cuộc giải cứu dưa hấu, chuối. Còn sữa tươi đành gửi nơi ruộng đồng, lối ngõ.

Không nắm được nhu cầu thị trường, sản xuất theo phong trào, nhẹ dạ trước tin đồn,... là những nguyên nhân nhanh chóng được đưa ra. Dù vậy, mọi cố gắng tìm ra giải pháp dường như đều thất bại. Không phải vì nông dân không biết những điều trên. Có lẽ do họ đã 3 lần đơn độc.

Kinh nghiệm về nông nghiệp đã luôn cho lời khuyên đúng đắn. Hơn cả sách, đó là những người bạn ngàn đời của nông dân Việt Nam. Nhưng khí hậu đã thay đổi. Kinh nghiệm không còn có thể cho biết trước đợt mưa, con nước. Người bạn lâu năm kia cũng chịu bất lực trước thiên tai, dịch bệnh. Người nông dân có một lần cô đơn.

Một vài nông hộ nghĩ khác và làm khác. Giống cây, con mới được sử dụng. Học tập điển hình tiên tiến nhanh chóng trở thành phong trào. Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 nêu rõ số lượng 35 triệu con lợn. Nhưng thời điểm này, chiến dịch giải cứu lợn đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xúc tiến, dù Tổng cục Thống kê cho biết cả nước mới chỉ có 29 triệu con. Chưa rõ chiến lược sai hay thống kê chưa sát, chỉ thấy sự cô đơn vẫn vây lấy người nông dân.

Sẽ thật thiếu công bằng khi cho rằng việc sản xuất nhiều đến mức cần giải cứu hoặc đổ bỏ không có lỗi của người làm nông. Nhưng người nông dân có chính quyền cơ sở, hiệp hội giúp sức bảo vệ. Họ đã làm gì hay đang khiến nông dân thêm một lần cô đơn?

Tích tụ, tập trung và ý tưởng ngân hàng ruộng đất

Để thành công trong nông nghiệp, không thể chỉ đơn độc. Ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, người đứng đầu Chính phủ cho biết đã có lời giải cho bài toán nông nghiệp Việt Nam. Liên kết 5 nhà (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng) và tích tụ, tập trung ruộng đất được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, coi đây là yếu tố đột phá để phát triển nông nghiệp.

Thực tế, tích tụ và tập trung là hai khái niệm khác nhau. Theo TS. Nguyễn Đức Thành, tích tụ ruộng đất là sự tăng thêm về quy mô diện tích đất thông qua mua bán, trao đổi. Trong khi đó, tập trung ruộng đất cũng đưa đến kết quả làm gia tăng quy mô diện tích đất nhưng do người chủ của các thửa đất tự nguyện hợp nhất.

Phương pháp mà nhiều tỉnh áp dụng hiện nay là tập trung ruộng đất. Chính quyền tỉnh Thái Bình đứng ra ký hợp đồng thuê đất với từng người hộ dân, rồi cho doanh nghiệp thuê lại mảnh đất lớn đó để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp ở Lâm Đồng hợp tác với các hộ nông dân để sản xuất theo quy trình chung, mà không thay đổi quyền sử dụng đất của mỗi hộ dân cũng là hình thức tập trung ruộng đất.

Sở dĩ phương pháp tích tụ ruộng đất không phát triển là do quy định về hạn điền. Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, tư duy “người cày có ruộng” chính là lực cản khiến nhà quản lý chưa thể thay đổi hạn điền. Liệu rằng địa chủ mới có xuất hiện nếu hạn điền được nới rộng? Tính “công bằng” sẽ được bảo đảm như thế nào khi một vài nông dân trót bán và không còn thửa ruộng để canh tác.

Bên cạnh đó, đa số nông dân Việt Nam muốn giữ lại cho mình một mảnh ruộng. Họ ly hương nhưng không ly nông và vẫn giữ đất nông nghiệp, coi đó như cuốn “sổ bảo hiểm” cho gia đình. Chuyện người nông dân chuyển sang làm việc trong các nhà máy công nghiệp và bị sa thải khi tròn 35 tuổi là một thực tế. Câu hỏi mưu sinh bằng cách nào khi không còn đất cũng chính là lý do khiến người nông dân quyết giữ mảnh ruộng nhỏ.

Mặc dù vậy, nếu nhiều nông dân có thể chấp nhận cho “vay đất” như ở Thái Bình, việc thành lập “ngân hàng ruộng rất” sẽ là giải pháp cho tình trạng đất đai được sử dụng thiếu hiệu quả. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trọng Thủy vấn đề dồn điền đổi thửa phải được giải quyết trước. Bởi lẽ ngân hàng sẽ không dám thuê đất khi mỗi nông hộ có tới 3-5 mảnh ruộng nhỏ lẻ.

Tìm một lối thoát cho điệp khúc giải cứu nông sản, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng ruộng đất lớn mới chỉ là tiền đề. Trong liên kết “5 nhà” mà Thủ tướng nhấn mạnh, doanh nghiệp được xác định là thành phần đi đầu trong việc đưa nông nghiệp sản xuất hàng hóa hội nhập kinh tế thị trường thế giới và Việt Nam. Với đất có diện tích lớn, nhà doanh nghiệp sẽ đầu tư, sản xuất ra nhiều nông sản chất lượng cao, giá thành hạ. Nông sản khi đó sẽ có đầu ra, doanh nghiệp nhập được nguyên liệu tốt. Thương hiệu nông sản cũng bắt đầu từ đây.

Tất nhiên, sẽ vẫn cần nhiều cuộc “giải cứu” trước khi làm được như thế. Người quản lý cần được giải cứu khỏi ám ảnh về tư duy người cày có ruộng. Nông dân cần được giải cứu khỏi suy nghĩ găm giữ đất đai với nhiều thửa ruộng phân tán. Và cần nhiều cuộc giải cứu nữa cho những ai tung tin đồn gây nhiễu loạn nhân tâm.

Đổi mới nông nghiệp bắt đầu từ cuộc giải cứu này!

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên