MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông - thủy sản lại bí đầu ra

29-06-2019 - 11:30 AM | Thị trường

Việc Trung Quốc siết lại chính sách nhập khẩu chính ngạch, truy xuất nguồn gốc hàng hóa khiến hàng ngàn tấn mực khô cùng các mặt hàng nông sản bán buôn tiểu ngạch bị tắc đường sang thị trường này

Những ngày gần đây, cảng cá An Hòa (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) vắng lặng hẳn. Hàng chục tàu câu mực đành phải nằm bờ vì sản phẩm đánh bắt về không tiêu thụ được.

"Thấm đòn" mực khô

Ông Phan Bá Linh (50 tuổi, ngụ thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) phản ánh sau 2 tháng lênh đênh trên biển, tàu của ông cùng 40 lao động đánh bắt được gần 25 tấn mực khô trị giá khoảng 3 tỉ đồng nhưng đã hơn nửa tháng trôi qua không có ai đến thu mua. Theo ông Linh, lâu nay, ngư dân ra biển đánh bắt đưa về thì lập tức được thương lái đến gom hàng, xuất sang Trung Quốc. Thế nhưng, gần đây, thương lái cho biết không thể xuất hàng sang Trung Quốc nên không thu mua mực nữa dù giá đã giảm rất sâu. Riêng tại huyện Núi Thành đang tồn đọng hơn 930 tấn mực khô. "Chúng tôi nghe loáng thoáng rằng phía Trung Quốc truy xuất nguồn gốc này kia nhưng không hiểu cụ thể thế nào" - ông Linh lo lắng.

 Nông - thủy sản lại bí đầu ra  - Ảnh 1.

Gần 1.000 tấn mực khô ở huyện Núi Thành đang bí đầu ra vì Trung Quốc ngừng mua. Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Ngư dân câu mực ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cũng chung hoàn cảnh. Tại xã Bình Minh, số mực khô chưa tiêu thụ lên đến 320 tấn. Loại mực này giá từ 120.000-160.000 đồng/kg, chủ yếu xuất sang Trung Quốc để làm chà bông.

Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Nam, cho biết toàn tỉnh có 67 tàu với hơn 3.000 thuyền viên làm nghề câu mực khơi. Sản lượng hằng năm khoảng 5.000 tấn mực khô. Trước đây, sản phẩm mực khô được các thương lái thu mua, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Thời gian gần đây, Trung Quốc yêu cầu việc nhập khẩu một số sản phẩm nông - ngư nghiệp trong đó có mực phơi khô phải theo đường chính ngạch, có truy xuất nguồn gốc. Tình hình này khiến việc tiêu thụ hàng ngàn tấn mực khô của tỉnh không thuận lợi như trước.

Nông sản tắc đường

Các mặt hàng nông sản của Việt Nam như thanh long, mít, sầu riêng... cũng đang bị tắc đường sang Trung Quốc do sự thay đổi chính sách nhập khẩu của nước này.

Hơn nửa tháng nay, nông dân tỉnh Lâm Đồng không thể bán được sầu riêng vì bên Trung Quốc ngừng mua, khiến giá "lao dốc" thê thảm. Ở các huyện phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, gồm Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc, nông dân đang lo sốt vó vì giá sầu riêng xuống thấp hơn 2/3 so với đầu vụ cách đây 1 tháng. Cụ thể giá sầu riêng giống ghép Ri6 loại 1 thương lái mua vào giảm từ 60.000-70.000 đồng/kg còn 25.000-30.000 đồng/kg; sầu riêng giống ghép Thái Lan, Mong-thong, Đô Na từ 80.000-100.000 đồng/kg giảm còn 40.000 - 50.000 đồng/kg.

 Nông - thủy sản lại bí đầu ra  - Ảnh 2.

Giá sầu riêng tỉnh Lâm Đồng giảm sâu khiến người dân lâm cảnh thua lỗ Ảnh: ĐÌNH THI

Ông Phan Bá Tý, (ngụ xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai) nói mọi năm, thương lái thu mua sầu riêng rất tấp nập, thậm chí tranh giành nhau từng nhà vườn. Xe container đậu xếp hàng dài dọc Quốc lộ 20 cả ngày lẫn đêm chờ nhận sầu riêng đóng thùng và xuất đi. Nhưng năm nay, đợt đầu mùa vụ cách đây 1 tháng chỉ có lác đác vài xe đậu chờ gom hàng, hiện tại thì không thấy xuất hiện nữa. "Gia đình tôi canh tác hơn 2 ha sầu riêng gồm giống Thái Lan và Ri6, nếu tình hình này kéo dài, giá tiếp tục giảm thì có nước lỗ nặng" - ông Tý than thở.

Cũng ở xã Hà Lâm, hộ ông Nguyễn Phạm Khánh Thông canh tác hơn 5 ha sầu riêng giống ghép Ri6 và Thái Lan. Ông Thông hoang mang: "Với giá 25.000-30.000 đồng/kg, nếu bán được thì may ra huề vốn, còn không thì lỗ nặng. Chúng tôi chưa biết xoay xở ra sao".

Giải pháp tình thế mà nông dân Lâm Đồng lựa chọn lúc này là mang sầu riêng ra dọc Quốc lộ 20 bán cho khách đi đường hoặc gửi xe khách đưa vào TP HCM bán lẻ.

Trả giá đắt

Thực ra, từ cuối năm 2018, những khuyến cáo về thay đổi chính sách nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc đã được đưa ra nhưng đã không được người dân quan tâm.

Ông Đặng Hùng Việt, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đạ Huoai, cho biết thương hiệu Sầu riêng Đạ Huoai đã được dán tem truy xuất nguồn gốc nhưng người dân mới đăng ký khoảng 800.000 tem. Toàn huyện cũng mới chỉ có 88 hộ và hơn 300 ha đăng ký sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. "Dù chúng tôi tích cực vận động nhưng đa phần người dân chưa quan tâm đến tiêu chuẩn này vì cho rằng bán ra ngoài cho thương lái Trung Quốc được giá cao hơn" - ông Việt nói.

Liên quan đến tồn ứ mực khô ở Quảng Nam, ông Ngô Tấn cho rằng đây là bài học mà ngư dân trả giá quá đắt. Điều đáng lo là sản phẩm mực phơi khô của các tàu cá đang được chứa tại các hầm tàu, nếu kéo dài thời gian sẽ không bảo đảm các yêu cầu về bảo quản nên có thể giảm chất lượng, không thể bán được nữa.

Để "giải cứu" ngư dân, UBND tỉnh Quảng Nam đang chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, báo cáo để kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT thực hiện các công tác xúc tiến thương mại với Trung Quốc đối với mặt hàng mực khô; chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Sở NN-PTNT và các địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thương lái, chủ tàu cá tổ chức lại sản xuất, thu mua, chế biến theo chuỗi giá trị để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nước nhập khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm theo đường chính ngạch.

Tìm đường sang Thái Lan

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, thương nhân Trung Quốc vẫn có nhu cầu cao nhập hàng mực khô của Việt Nam nhưng phía hải quan nước này cương quyết không thông quan do chưa đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Trước mắt, để giải quyết mực khô ùn ứ ở các cảng, ngoài đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, tỉnh cũng đang xúc tiến thương mại để xuất sang Thái Lan.

Theo Trần Hường - Đình Thi

NLD

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên