MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

1.001 “chiêu” tuồn gà thải vào nội địa

09-04-2013 - 10:57 AM |

Nếu bị bắt, họ sẵn sàng vứt hàng lại, “bỏ của chạy lấy người”...

Thiếu tá Phùng Anh Nguyên, Phó Trạm trưởng Trạm Liên hợp Dốc Quýt cho biết, xuất phát từ việc buôn lậu gia cầm có lợi nhuận rất lớn, giá trị gốc khi các đầu nậu mua gà thải từ bên kia biên giới rẻ gần như cho không, nên các đối tượng buôn lậu chấp nhận “năm ăn năm thua”. Nếu bị bắt, họ sẵn sàng vứt hàng lại, “bỏ của chạy lấy người”...

Siêu lợi nhuận, từ giá gốc chỉ 20.000 - 25.000 đồng một con gà thải, nếu vận chuyển trót lọt, giá trị bán đến tay người tiêu dùng tăng tới 300% chính là nguyên nhân khiến cuộc chiến chống gia cầm nhập lậu ngày càng quyết liệt và nóng bỏng. Các đối tượng buôn bán gà lậu sẵn sàng chi tiền “khủng” thuê xe sang vận chuyển gia cầm, thuê “chim lợn” ngày đêm theo dõi hoạt động của các cơ quan chức năng, thậm chí sẵn sàng lái xe ôtô chèn, đâm thẳng vào xe của lực lượng chức năng để tẩu thoát.

Một con gà thải có thể lãi 300%

Trạm Kiểm soát Liên hợp Dốc Quýt được coi như “rào chắn” hàng lậu tuồn vào nước ta qua biên giới, lưu thông trên tuyến QL1A. Vị trí của trạm có thể chặn hàng lậu do các đối tượng xé lẻ, vận chuyển tránh quốc lộ, như đường vòng dốc lên cầu mới thị trấn Đồng Đăng, đường tránh sau trạm, đường dốc Quan Tài thuộc Khuổi Mươi, Thụy Hùng… Chính vì vậy, các đối tượng buôn bán gia cầm nhập lậu luôn tìm mọi cách đối phó với các lực lượng chức năng tại trạm này với nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi, thậm chí manh động, chống đối.

Từ TP Lạng Sơn lên Dốc Quýt chỉ hơn 10km, nhưng mật độ “chim lợn” được bố trí dày đặc. Đây là tiếng lóng chỉ những người dân thông thuộc địa hình, được trả tiền chỉ để làm mỗi nhiệm vụ theo dõi hoạt động của các lực lượng chống buôn lậu, như Công an, quản lý thị trường...

Tối 5/4, trên đường lên trạm, cách nhau chỉ 700-800m, chúng tôi liên tục bắt gặp các cặp đôi ngồi trên xe máy. Bình thường, trông họ giống như các đôi tình nhân. Nhưng chỉ cần để ý kỹ, sẽ thấy các đối tượng này đều có bộ đàm, và mắt của họ luôn hướng ra đường. Đưa chúng tôi lên Trạm Liên hợp Dốc Quýt, một trinh sát cho biết, các “chim lợn” được trang bị bộ đàm đầy đủ, hoạt động thành nhóm, chia nhỏ và được các chủ đầu nậu trả tiền rất cao, có thể lên đến 10 triệu đồng/tháng. Nếu thấy có xe của lực lượng chức năng, “chim lợn” dùng bộ đàm thông báo cho chủ hàng biết để hoãn chuyến hàng lại. Ngược lại, nếu không thấy, xe chở hàng lậu lập tức xuất phát.

Đón chúng tôi tại trạm, Thiếu tá Phùng Anh Nguyên, Phó Trạm trưởng Trạm Liên hợp Dốc Quýt cho biết, không phải chỉ thời điểm này, khi phía Trung Quốc bùng phát dịch bệnh H7N9, việc ngăn chặn nạn buôn lậu gia cầm mới bước vào giai đoạn căng thẳng. Xuất phát từ việc buôn lậu gia cầm có lợi nhuận rất lớn, giá trị gốc khi các đầu nậu mua gà thải từ bên kia biên giới rẻ gần như cho không, nên các đối tượng buôn lậu chấp nhận “năm ăn năm thua”. Nếu bị bắt, họ sẵn sàng vứt hàng lại, “bỏ của chạy lấy người”. Còn nếu suôn sẻ, đơn cử như vụ dùng xe ôtô sang chở gia cầm nhập lậu, các đối tượng có thể lãi tới 10 triệu đồng/chuyến hàng. Chính vì vậy, bất chấp việc bị bắt hàng, xử phạt hành chính, các đối tượng buôn lậu vẫn tiếp tục buôn gà thải loại nếu nội địa còn có nhu cầu.

Một kg gà thải từ biên giới có giá chưa đến 10.000 đồng, khi đem về bán ở chợ Hà Vỹ (Hà Nội) được bán với giá từ 70.000 đến 80.000 đồng. Các đối tượng thuê xe ô tô tự lái, đơn cử như xe Innova 7 chỗ giá tại Lạng Sơn chỉ 700.000 đồng/ngày, chở được 1,5 đến 2 tấn gà.

“Tông” thẳng vào xe cơ quan chức năng để trốn chạy

Chính vì siêu lợi nhuận nên các đối tượng buôn lậu gia cầm không từ bất cứ thủ đoạn nào. Và các lực lượng Công an, quản lý thị trường để bắt được một vụ buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu cũng gặp muôn vàn khó khăn. Trước khi xuất hiện thủ đoạn mới là dùng xe ôtô sang vận chuyển gia cầm, các chủ hàng lậu thường xé lẻ hàng, thuê người chở bằng xe máy. Mỗi xe chỉ vài lồng gà, chạy tránh trạm kiểm soát bằng các đường tránh. Nếu bị truy đuổi, các đối tượng chọn phương án “bỏ của chạy lấy người”, dùng dao cắt cho lồng gà rơi xuống đường, chạy xe không.

Cao thủ hơn, và cũng chống đối quyết liệt hơn, các đối tượng buôn lậu thuê phụ nữ gánh gia cầm đi theo nhóm đường mòn, nếu gặp biên phòng, quản lý thị trường, họ sẵn sàng dùng 2-3 người giả vờ túm áo, túm tay cán bộ chức năng, xin xỏ, thực chất là để giữ chân lực lượng chức năng, để những người còn lại xách lồng gà chạy trốn. Thậm chí, vì lợi nhuận, các đối tượng vận chuyển gia cầm lậu còn sử dụng nhiều xe không đi theo “hộ tống” xe chở gà lậu, dùng các xe này chặn, chèn xe của lực lượng chức năng, tạo điều kiện cho xe chở hàng lậu chạy thoát. Bất chấp nguy hiểm, các đối tượng dùng xe máy, xe ôtô chèn xe của quản lý thị trường, khiến rất nhiều xe bị bẹp sườn, bẹp cửa.

Mặc dù các đối tượng buôn lậu dùng những thủ đoạn chuyên nghiệp và manh động, nhưng chế tài xử phạt lại quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Và chính vì vậy, các đối tượng buôn lậu gia cầm sẵn sàng nộp phạt để rồi tiếp tục buôn lậu. Và lực lượng Công an, QLTT cũng không đủ nhân lực để chặn 100% số gia cầm lậu tuồn vào nội địa. Đây là vấn đề cần sự phối hợp đồng bộ từ tất cả các ngành, cơ quan chức năng. Và đây dường như cũng chính là điểm yếu trong công tác quản lý hiện nay.

 Theo Ngọc Yến

khanhnt

CAND Online

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên