MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bát nháo xuất khẩu gạo thơm

10-04-2013 - 11:29 AM |

Hoạt động xuất khẩu gạo thơm đang rất lộn xộn, mất uy tín với nước ngoài.

Nguyên do là nhiều doanh nghiệp đã trộn gạo thường vào gạo thơm, bán ra với giá thấp, trong khi việc kiểm định chất lượng gạo thơm trước khi xuất khẩu đang bị bỏ ngỏ...

Gạo thơm không thơm

Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong quý I/2013, gạo thơm chiếm tỷ lệ 12,5% trong tổng số 1,45 triệu tấn gạo xuất khẩu. Theo đánh giá, gạo thơm Việt Nam ngày càng được nhiều nhà nhập khẩu ưa chuộng do có chất lượng tốt, giá bán cạnh tranh hơn rất nhiều so với gạo thơm Thái Lan. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu gạo thơm Việt Nam đang bị đe dọa bởi một số doanh nghiệp thích làm ẩu, chộp giật...

Ông Trương Thanh Phong – Chủ tịch VFA cho biết, gần đây nhất, có hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. “Nhiều doanh nghiệp trộn gạo OM4900 vào gạo thơm rồi bán với giá thấp, chỉ từ 500USD/tấn. Lúc đầu, đối tác có thể bị lừa, nhưng sau đó họ sẽ không có lần nhập khẩu thứ 2” - ông Phong cho biết.

Theo ông Phong, gạo OM4900 chỉ là gạo thơm nhẹ, lúc nấu cơm thì có mùi thơm nhưng khi chín thì không thơm, để nguội cơm không những không mềm như gạo thơm mà còn trở nên khô, cứng.

Ông Lê Tuấn – Giám đốc Công ty cổ phần XNK Vĩnh Long cũng cho biết, trong năm 2012, giá gạo thơm ở mức cao, từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, giá xuất khẩu cũng đạt 700 – 750USD/tấn. Do đó, sang năm 2013 nhiều nông dân đổ xô trồng lúa thơm trên diện tích ruộng trồng lúa thường trước đó, dẫn tới tình trạng thụ phấn chéo hoặc lẫn lộn các loại giống khác. “Trong vụ đông xuân 2012 – 2013, lúa thơm bị pha trộn từ 15 – 20%, có nơi giống lúa Jasmine bị lẫn tới 30% khiến chất lượng gạo rất thấp, không thơm, không dẻo, doanh nghiệp bán giá cao thì không được mà bán giá thấp thì ảnh hưởng tới mặt bằng chung” - ông Tuấn lo lắng.

Cần lập giá sàn xuất khẩu

Theo đánh giá, nhu cầu gạo thơm trên thế giới không nhiều, chỉ khoảng 2 triệu tấn/năm. Trước đây, phân khúc này chủ yếu thuộc quyền phân phối của Thái Lan, Việt Nam “chen chân” vào và chiếm lĩnh được thị phần là nỗ lực lớn và cần cẩn trọng giữ gìn.

Ông Trần Ngọc Trung - Tổng Giám đốc Công ty CP Gạo Vinh Phát (TP.HCM) cho biết, điều kiện tự nhiên tại Ấn Độ, Myanmar không phù hợp để trồng gạo thơm, trong khi giá gạo thơm của Thái Lan lại rất cao, khó cạnh tranh. Do đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển thị phần trong phân khúc gạo thơm trên thế giới. Tuy nhiên, để làm được việc này, các cơ quan chức năng, cơ quan kiểm định chất lượng nông sản xuất khẩu cũng phải mạnh tay xử lý những lô hàng không đạt chuẩn, đồng thời các doanh nghiệp cũng phải tự biết bảo vệ uy tín của bán thân để có thể phát triển lâu dài. “Hiện tại, Bộ NNPTNT đã có văn bản quy định cụ thể các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng đối với sản phẩm gạo thơm xuất khẩu, do đó, nếu kiểm tra không đảm bảo chất lượng, cần phải loại bỏ ngay, tránh gây ảnh hưởng tới uy tín chung” - ông Trung đề xuất.

Cẩn thận “chiêu”môi giới hợp đồng giá cao

Ông Trương Thanh Phong cho biết, thời gian qua có nhiều lời chào mời bán quyền xuất khẩu gạo với giá cao, số lượng lớn, từ 500.000 – 1 triệu tấn cho các doanh nghiệp. Các đối tượng lợi dụng tình hình chính trị bất ổn định ở một số nước để mồi chài doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cung ứng cho quân đội các nước. Trên thực tế, đây chỉ là những thông tin thất thiệt, một chiêu lừa đảo của các đối tượng gian lận. Do đó, doanh nghiệp cần cẩn thận khi ký hợp đồng.

Ông Lê Việt Hải – Giám đốc Công ty Mekong (Cần Thơ) cũng cho rằng, do không được quản lý bằng mức giá sàn cụ thể, nhiều doanh nghiệp vô tư hạ giá bán, kèm theo việc hạ chất lượng gạo thơm. Hệ lụy gây ra là giá gạo thơm Việt Nam hiện đang khá thấp, nhiều doanh nghiệp chỉ bán từ 500 – 510USD/tấn, thấp hơn gần 200USD/tấn so với hồi quý I/2012.

Ông Nguyễn Văn Tiến – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần XNK An Giang (Angimex) kiến nghị phải đưa ra giá sàn quản lý giá gạo xuất khẩu thơm nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp bán phá giá. Trong khi đó, ông Trương Thanh Phong – Chủ tịch VFA cũng cho rằng, hiện tại, việc phát triển diện tích lúa thơm được ngành nông nghiệp khuyến khích, tuy nhiên cần có định hướng sản xuất cụ thể, không sản xuất tràn lan làm giảm chất lượng sản phẩm. “Tỷ lệ lẫn lộn gạo thường trong gạo thơm phải được kiểm soát ở mức 10 – 15%, không thể chấp nhận mức 20% như hiện nay” - ông Phong nói.

khanhnt

Dân Việt

Trở lên trên