MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chất cấm và thịt ngoại

09-08-2015 - 10:09 AM |

Nhiều người dân phải mua thịt, rau quả nhập khẩu với giá đắt về dùng không hẳn vì “sính ngoại” hay thừa tiền mà vì những thớ thịt, mớ rau ở chợ chưa khiến họ yên tâm.

Chỉ trong tháng 4 và 5 vừa qua Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai với 2 đợt kiểm tra đã phát hiện có 14/48 mẫu thịt lợn dương tính với chất cấm Sabultamol, thuộc nhóm Benta-Agonist. Điều đáng nói, khoảng tháng 3-2012 tại địa phương này cũng đã phát hiện việc sử dụng chất tạo nạc cấm trong cả chục chuồng, trang trại chăn nuôi lợn.

Một điều chắc chắn rằng sự việc ở Đồng Nai không phải là duy nhất, bởi ngay tháng 2-2012, truy tìm nguồn gốc chất cấm, cơ quan Công an cũng đã tìm ra cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm này với hàng tấn sản phẩm lại ở tận... TP. Hồ Chí Minh. Và hiện nay, nếu cơ quan chức năng “ra quân” trong cả nước thì kết quả có lẽ sẽ không chỉ như vậy.

Không chỉ dùng chất cấm, ngay trong tháng 5-2015, Công an Quảng Nam đã phát hiện hàng loạt cơ sở bơm nước bẩn vào trâu bò trước khi giết mổ, Công an Vĩnh Long phát hiện nhiều đối tượng bơm nước bẩn vào lợn trước khi giết mổ để kiếm lời bất chấp chất lượng thịt ra sao...

Một vài sự việc trên đã lý giải cho chúng ta vì sao nhiều người tiêu dùng rất lo lắng khi dùng, thậm chí không còn tin tưởng ở sản phẩm thịt nội. Do đó, khi thấy trên thị trường, nhất là ở các siêu thị (nơi mà hàng hóa được coi là đảm bảo hơn) có bày bán sản phẩm thịt nhập khẩu thì người tiêu dùng dễ dàng bị lôi cuốn, cho dù đôi khi những sản phẩm này cũng bị gian lận về xuất xứ.

Vì vậy, câu chuyện làm sạch thịt nội vẫn là điều cốt yếu mà các cấp, ngành cần quyết liệt và phải liên tục thực hiện. Với người chăn nuôi, một số vì hám lợi nên sử dụng chất cấm nhưng cũng có người có ít sự hiểu biết và không đủ khả năng để kiểm soát được chất lượng thức ăn đầu vào nên mắc vi phạm. Còn với sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi chắc chắn doanh nghiệp đã cố tình vi phạm khi sử dụng chất cấm vì những quy định về chất lượng thức ăn chăn nuôi là khá đầy đủ.

Người chăn nuôi và người sản xuất thức ăn hễ cứ có lợi là làm do đó cơ quan quản lý có vai trò chính trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm này. Đó là kịp thời, thường xuyên kiểm tra sản phẩm thịt, vật nuôi, thức ăn...; xử lý nghiêm những người vi phạm; đồng thời sửa đổi quy định pháp luật nếu những quy định hiện hành chưa đủ sức răn đe.

Khi sản phẩm thịt nội chưa làm người tiêu dùng yên tâm, tin tưởng thì dù có “hàng rào” kỹ thuật nào kiểm soát thịt ngoại thì người tiêu dùng vẫn bị hấp dẫn bởi thịt ngoại chất lượng tốt. Làm sạch sản phẩm thịt nội, ngăn cản thịt ngoại kém chất lượng trên thị trường là việc cần làm vừa để bảo vệ người tiêu dùng vừa để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước trước các đợt “sóng lớn” của hội nhập đang đến gần.

 

Theo Hiệp Hòa

Báo hải quan

Trở lên trên