MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chặt vàng trắng cao su: Tính toán để người dân luôn... lỗ

23-06-2014 - 07:35 AM |

Khi Quy hoạch không giúp ích được người nông dân, để người dân phá cao su vì thua lỗ là sự bất lực của cơ quan quản lý.

Có tiền là trồng, hiểm họa hiện hữu

GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung cho rằng phải nhìn nhận sự việc tư hai khía cạnh. Thứ nhất, khu vực trồng cao su có điều kiện, khí hậu, thời tiết thuận lợi không?

Thực tế cây cao su được cảnh báo là khó tính, là loại cây “công chúa” khi đòi hỏi những điều kiện về tầng đất dày 60-70cm, độ dốc không quá 30%, độ cao không quá 600 mét.

Hiện tại, diện tích cao su trên 6 tỉnh miền núi phía Bắc, với diện tích 20.000 ha, nhưng mới trồng trong khoảng 5-7 năm, dù quá thời gian cạo mủ so với các khu vực miền Nam nhưng vẫn chưa cho thu hoạch. Từ việc kéo dài thời gian, lượng mủ thấp, chi phí cao đã khiến người trồng cao su không thể có lãi.

Thứ hai, việc đánh giá thị trường như thế nào? Có thể nói, thị trường cao su thế giới, không ai khống chế hay kiểm soát được, đặc biệt về giá cả.

Ngay khi trồng cao su, Việt Nam đã được cảnh báo là rất rủi ro do không có thị trường ổn định trên thế giới. Nghĩa là không có được bạn hàng lâu dài mà trồng theo kiểu được đến đâu hay đến đấy.

Trong khi đó, Trung Quốc được coi là thị trường chiếm thị phần nhiều nhất với hơn 40% xuất khẩu theo con đường chính ngạch và khoảng 30% theo con đường tiểu ngạch.

Điều này được cảnh báo là có nhiều rủi ro, do biến động giá cả nhất là qua con đường buôn bán mậu biên bởi giá cao su Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

5 năm gần đây giá cao su đã tụt xuống mức thấp nhất thế giới, khiến những người trồng cao su trước có lãi giờ không có lãi. Người lãi ít thì hòa vốn, người chưa kịp lãi thì lỗ.

Hậu quả, khiến nông dân tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, từ miền Đông đến miền Trung, phải phá bỏ hàng ngàn ha vườn cao su để chuyển sang các loại cây nông nghiệp ngắn ngày khác do giá mủ cao su giảm mạnh.

Không chỉ những vườn cao su non 2-3 năm tuổi bị chặt phá, các diện tích cao su đang cho mủ cũng bị nông dân đốn bỏ không thương tiếc, số khác không được chủ vườn khai thác với lý do doanh thu mủ không đủ bù chi phí nhân công.

Không ít nơi được coi là vùng đất truyền thống như Bình Dương, Bình Phước đã buộc phải ngừng cạo mủ vì giá cao su đang xuống quá thấp.

Thực tế này phản ánh một hiện tượng lạ ở Việt Nam là "biết không hợp vẫn trồng, không cho vẫn cứ trồng". Đây là lỗi của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương. Địa phương cứ thấy có tiền là trồng, trồng tới mức tối đa bất chấp những cảnh báo.

Trong khi người định hướng nhà nước là Tập đoàn cao su Việt Nam lại quá mạo hiểm "lấy dân ra làm thí nghiệm". Tức là bản thân họ đã không tôn trọng quy luật sinh thái, quy luật thị trường và hiểm họa đã hiện hữu.

Người dân không tin quy hoạch

Theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2020 Việt Nam sẽ trồng là 800.000 ha. Thế nhưng mới chỉ đến năm 2012, diện tích cao su đã lên tới 915.000ha.

Tại sao lại có hiện tượng này? Đây là bằng chứng chứng tỏ người dân không tin vào quy hoạch. Hoặc khi làm theo quy hoạch mà xảy ra sự cố nhà nước không chịu trách nhiệm nên họ phải suy nghĩ.

Tất nhiên, không nên coi quy hoạch là pháp lệnh, bắt buộc phải làm theo. Nhưng người lãnh đạo giỏi không phải là người xây dựng quy hoạch này mà phải là người biết điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội trong nước và thế giới.

Quy hoạch là định hướng cho người dân nuôi con gì, trồng cây gì cho phù hợp với điều kiện, khí hậu, thổ nhưỡng. Bên cạnh đó, một vai trò quan trọng là dự báo thị trường, hướng tới ổn định đầu ra.

Tuy nhiên, khi Quy hoạch không giúp ích được người nông dân, để người dân tự phát trồng vượt hàng trăm ngàn héc-ta rồi dẫn tới tình trạng dân chặt phá vì thua lỗ là sự bất lực của cơ quan quản lý. Hay nói cách khác, quy hoạch không để làm gì.

Tôi cũng từng đặt ra vấn đề trách nhiệm của Tập đoàn cao su VN tới đâu?. Với vai trò là Tập đoàn kinh tế nhà nước, họ từng khẳng định phải đảm đương nhiệm vụ Chính trị, chấp nhận mạo hiểm trồng thử nghiệm cao su tại những vùng phi truyền thống như vùng Duyên Hải, vùng miền núi phía Bắc.

Tuy nhiên, có thật sự họ làm là để thực hiện trách nhiệm xã hội của một tập đoàn doanh nghiệp nhà nước với xã hội hay vì lợi ích của họ đầu tiên?.

Thứ hai, chính sách kêu gọi người dân phát triển cao su dưới hình thức dân góp đất, Tập đoàn bỏ vốn, hỗ trợ phân bón, giống cây trồng thực chất là hợp đồng dân sự. Có lợi cùng hưởng, mất cùng chịu.

Tuy nhiên, vốn lấy từ ngân sách, lãi tự hưởng. Khi thị trường sụt giảm, dân phá cao su, mất đất, mất việc... DN không mất gì rủi ro người dân gánh hết.

Do đó, không thể để Tập đoàn cao su Việt Nam vô can mãi.

"Vàng trắng" trôi theo bão


Theo Lam Lam

khanhnt

Báo đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên