MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Phi mê cà phê Việt

14-11-2013 - 09:04 AM |

Trong khi 2 thị trường xuất khẩu (XK) chính của cà phê Việt Nam là Đức và Mỹ giảm mạnh nhập khẩu trong năm nay thì châu Phi đang được xem là thị trường lớn cho mặt hàng này...

Thị trường triển vọng...

8 tháng đầu năm nay, mặt hàng cà phê có bước lùi đáng kể trong XK do hàng loạt các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về vốn, thị trường. Dù giá cà phê có tăng nhẹ, nhưng cả nước chỉ xuất hơn 970.000 tấn, giá trị 2,09 tỷ USD, giảm 23,2% về khối lượng và giảm 22,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Tháng 9 và 10 lượng cà phê XK vẫn tiếp tục giảm. 

Trong đó, 2 thị trường tiêu thụ cà phê của Việt Nam lớn nhất là Đức và Mỹ đã giảm nhập mạnh so với năm ngoái, lần lượt tới gần 20% và 30%. Trong bối cảnh ấy, thị trường châu Phi đã nổi lên như một lối ra lớn cho cà phê Việt. Bên cạnh mặt hàng gạo, cà phê đang là mặt hàng nông sản có nhiều triển vọng XK vào thị trường châu Phi, đặc biệt là các nước Hồi giáo khu vực Bắc Phi. 

Kim ngạch XK mặt hàng này đã không ngừng tăng, đặc biệt trong năm nay. Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), riêng 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK cà phê sang châu Phi đạt 47 triệu USD, trong đó thị trường Algeria chiếm gần 50% giá trị XK, Tunisia 13,6%, Nam Phi 10,4%, Ai Cập 9,5%, Marốc 8,9%.

Cùng với chè, cà phê hiện đã trở thành đồ uống ngày càng được ưa chuộng của người dân Bắc Phi. Năm 2012, kim ngạch XK cà phê của Việt Nam sang thị trường này đạt 122 triệu USD, tăng 38%. Xét cơ cấu các mặt hàng XK, phần lớn cà phê Việt Nam XK sang Bắc Phi là cà phê robusta (chiếm 80%), còn lại là cà phê arabica (chiếm 20%).

Cần cải cách “nội tại”

Ông Đặng Ngọc Quang-nguyên Tham tán Thương mại ở Ai Cập và Qatar cho biết, hiện thị trường Trung Đông và châu Phi có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các mặt hàng nông sản, trong đó có cà phê của Việt Nam. Khu vực Trung Đông và châu Phi là thị trường XK hấp dẫn với ưu điểm có hình thức hội chợ bán lẻ khá phổ biến và có thể trực tiếp bán hàng thu tiền mặt. Tuy nhiên, cà phê của Việt Nam XK sang thị trường châu Phi chủ yếu dưới dạng cà phê thô (cà phê chưa rang xay và chưa khử cafein) và các doanh nghiệp vẫn phải đưa hàng qua trung gian là các thương nhân châu Âu. 

Cải cách “nội tại” được xem là bước đột phá để cà phê Việt Nam vào châu Phi một cách bền vững. Bởi tuy sản lượng XK cà phê của ta tăng nhanh nhưng giá cả không ổn định nên kim ngạch XK tăng chậm hoặc giảm sút. Vấn đề này có liên quan đến sản xuất, chế biến và XK, trong đó tính tự phát trong sản xuất dẫn đến cung vượt cầu, công việc chế biến bảo quản sau thu hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu tăng sản lượng và nâng cao chất lượng, thị trường XK cà phê chưa ổn định.

Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á lưu ý các doanh nghiệp, hiện cà phê XK sang châu Phi phải tuân thủ việc kiểm tra chất lượng và các quy định chặt chẽ, do một cơ quan chống gian lận và một phòng thí nghiệm đảm nhiệm, đây là rào cản đầu tiên trước khi hàng hóa vào được nội địa của nước nhập khẩu. Các chuyên gia sẽ phân tích mẫu lấy từ các bao khác nhau để kiểm tra xem có đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định hay không. 

Về mặt pháp lý, trong mẫu 300gr, trọng lượng nhân hỏng không được vượt quá 10%, nếu không hàng sẽ bị giữ lại tại cảng nhập khẩu. Mức thuế nhập khẩu trung bình là 25% đối với cà phê chưa rang xay và 70% đối với cà phê đã rang xay. 

Theo Nguyễn Phương

khanhnt

Dân Việt

Trở lên trên