MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề nghị mở rộng điều tra vụ cấp bậy chứng nhận phân bón

13-01-2016 - 11:33 AM |

“Con số 815 loại phân bón như Tiền Phong nêu, tôi cho rằng đó không phải con số cuối cùng. Tôi đề nghị cần mở rộng điều tra, vì ngoài Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia phía Bắc còn có Trung tâm Kiểm nghiệm phân bón khu vực phía Nam”.

Đây là ý kiến của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, người từng nêu sự việc phân bón giả tại diễn đàn Quốc hội, khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa phát hiện Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia đã cấp giấy chứng nhận chất lượng cho 815 sản phẩm phân bón, trong đó có tới 118 sản phẩm không được lấy mẫu, 697 sản phẩm không được phân tích mẫu… Là người đã cảnh báo, nêu chất vấn trực tiếp tại diễn đàn Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về vụ việc này?

Vụ việc này chính là một minh chứng cho việc có sự tiếp tay của cơ quan Nhà nước, của công chức Nhà nước đối với việc sản xuất kinh doanh và lưu hành phân bón giả vốn rất lộn xộn trong thời gian qua. Vấn đề này, cá nhân tôi đã nêu ra tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại kỳ họp Quốc hội thứ 10. Hiện đang có trên 7 nghìn loại phân bón cùng tồn tại trên thị trường, trong đó có rất nhiều loại phân bón giả, kém chất lượng. Mức thiệt hại gây ra vô cùng to lớn, làm người nông dân đã nghèo khổ càng thêm điêu đứng, ngoài ra còn gây phá hoại nền nông nghiệp, nền kinh tế của chúng ta.

Bấy lâu nay đã có chuyện xì xào là tại sao lại có nhiều loại phân bón giả như thế mà vẫn được lưu hành, vẫn được cấp phép trên thị trường? Qua vụ việc này càng thêm sáng tỏ, chắc chắn có sự tiếp tay của cơ quan Nhà nước.

Có ý kiến cũng cho rằng, ở đây có vấn đề lợi ích nhóm, ông nghĩ sao?

Lợi ích nhóm đánh giá rất khó, vì lợi ích nhóm là anh biết nhưng lờ đi để cho người ta làm bậy. Nhưng ở đây có khía cạnh khác, có thể là anh vô trách nhiệm, giao cho một trung tâm khảo nghiệm và cấp phép nhưng lại không kiểm tra, kiểm soát, cứ để người ta muốn làm gì thì làm. Lợi ích nhóm nếu có thì có thể hiểu theo góc độ đó.

Vậy theo ông việc xử lý trách nhiệm ở đây ra sao?

Đối với những trường hợp vi phạm pháp luật như thế đương nhiên phải xử lý thật nghiêm khắc rồi. Nhưng cái quan trọng hơn cả là cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan chủ quản, cụ thể ở đây là Cục Trồng trọt và cấp trên nữa là Bộ NN&PTNT. Thật vô lý là anh giao cho trung tâm rồi họ làm bậy, vi phạm pháp luật mà anh không biết gì. Điều đó là không thể chấp nhận được.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương

Con số 815 loại phân bón như Tiền Phong nêu, tôi cho rằng đó không phải con số cuối cùng. Tôi đề nghị cần mở rộng điều tra, vì ngoài Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia phía Bắc còn có Trung tâm Kiểm nghiệm phân bón khu vực phía Nam. Đơn vị này cũng bị tố giác cấp trái quy định nhiều loại phân bón giả, kém chất lượng. Trước đó cơ quan chức năng đã phát hiện trung tâm này cấp sai đến hơn 30 giấy chứng nhận hợp quy, tạo điều kiện cho Công ty Thuận Phong đưa phân bón giả, kém chất lượng vào thị trường.

 

Đối với những trường hợp vi phạm pháp luật như thế đương nhiên phải xử lý thật nghiêm khắc rồi. Nhưng cái quan trọng hơn cả là cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan chủ quản, cụ thể ở đây là Cục Trồng trọt và cấp trên nữa là Bộ NN&PTNT. Thật vô lý là anh giao cho trung tâm rồi họ làm bậy, vi phạm pháp luật mà anh không biết gì. Điều đó là không thể chấp nhận được.

 


Nông dân là người gánh chịu hậu quả của nạn phân bón kém chất lượng. Ảnh: Vũ Hoàng.

Nông dân là người gánh chịu hậu quả của nạn phân bón kém chất lượng. Ảnh: Vũ Hoàng.

 

Về vấn đề này, ông đánh giá thế nào về những kết quả mà các cơ quan chức năng đã làm được trong thời gian qua?

Việc này ở diễn đàn Quốc hội đã nói rất nhiều rồi, nhưng nó chỉ thực sự được quan tâm khi tôi nêu chất vấn tại kỳ họp thứ 10 vừa qua. Vì khi tôi phát biểu thì tất cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều nghe thấy. Ngay sau đó Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra vụ phân bón Thuận Phong cũng như các vụ việc khác nữa. Nhưng cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với phân hữu cơ là Bộ NN&PTNT lại không có giải pháp gì cụ thể.

Khi có nhiều loại phân bón trên thị trường như thế cần phải kiểm tra, kiểm soát lại và cấp lại giấy chứng nhận để những loại phân bón đảm bảo là thật, trên cơ sở đó cho phép lưu hành trên thị trường, và xử lý nghiêm những đơn vị làm sai nếu phát hiện ra. Nhưng đến thời điểm này lại chả thấy động thái gì, trong khi Cục Trồng trọt có, Thanh tra nông nghiệp có, các cơ quan chức năng có. Tất cả cứ dồn hết cho cơ quan điều tra, khi vào cuộc sau đó mới sáng tỏ vụ việc.

Để hạn chế tình trạng phân bón giả hoành hành, theo ông cần các giải pháp quyết liệt nào khác?

Thứ nhất, xung quanh sai phạm này phải xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật. Không chỉ xử lý đơn vị trực tiếp cố tình vi phạm pháp luật như ở Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia mà còn cả đối với các các cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ hai, như tôi nói cần phải xem xét lại tất cả các loại phân bón, làm sao để giảm số lượng phân bón lưu hành trên thị trường. Điều đó đồng nghĩa với việc tất cả những loại sản phẩm được lưu hành phải là các sản phẩm chất lượng. Các cơ sở sản xuất phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật mới được phép sản xuất và kinh doanh. Chứ bây giờ cấp phép cho quá nhiều doanh nghiệp, rồi hệ thống phân phối chằng chịt, không người nông dân nào có thể phân biệt được phân bón nào tốt, phân bón nào kém chất lượng. Mà nếu cứ nghe quảng cáo thì loại nào cũng đạt tiêu chuẩn Mỹ, Anh, Pháp hết, trong khi công nghệ sản xuất lại chỉ bằng xô chậu, cuốc, xẻng.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là cơ quan điều tra phải mở rộng điều tra trong việc cấp phép sai, xem ngoài 815 sản phẩm vừa phát hiện ra còn những trường hợp nào khác nữa hay không.

Cảm ơn ông.

Ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng BCĐ 389 Quốc gia:

“Người giả mới đẻ ra phân bón giả”

Hàng giả gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, vật nuôi cây trồng, là kẻ thù không đội trời chung nên phải kiên quyết tiêu diệt. Phân bón giả, thuốc giả vừa qua rất kinh khủng, cần phải làm quyết liệt để lấy lại niềm tin cho nhân dân. Nếu ai bao che cũng là tội phạm gián tiếp. Thủ tướng nói rồi, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói không có vùng cấm và phải làm đến cùng, nhưng vấn đề là ai làm? Tội phạm rành rành được chỉ rõ, tại sao lại không bị xử lý? Chẳng lẽ lại có sự bao che đến mức độ đó sao?

Chống hàng giả phải có người thật. Người giả hiện nay đang trực tiếp, hoặc gián tiếp cấp giấy phép thì tội phạm mới hoành hành như vậy. Nếu chúng ta làm đúng quy trình thì làm sao ra những sản phẩm phân bón đấy được? Trung tâm Kiểm nghiệm phân bón Nam bộ cấp đến 35 giấy sai quy trình quy phạm cho Công ty Thuận phong, tại sao lại không xử lý? Họ đã cấp cho tới mấy trăm đơn vị như Thuận Phong rồi mới khiến người dân khổ như thế, thị trường loạn như thế.

Toàn “người giả” mới đẻ ra sản phẩm phân bón giả. Nếu là “người thật” thì không bao giờ có hàng giả được. Qua vụ việc này, tôi đề nghị cơ quan an ninh tiếp tục vào cuộc với các đơn vị cấp phép sai khác.

ĐBQH Bùi Thị An:

“Không thể tha thứ được”

Việc sản xuất phân bón giả ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nông dân và ngành nông nghiệp nên không thể tha thứ được. Trên thị trường hiện nay có không biết bao nhiêu loại phân bón giả, gây hậu quả khôn lường, mùa màng thất bát: lúa không hạt, khoai không củ, ngô không bắp… Trong khi đó người nông dân nghèo khổ, thậm chí có những người nông dân nói với tôi phải đi vay tín dụng đen để rồi trắng tay và chỉ biết khóc ròng thôi.

Là cơ quan quản lý Nhà nước, lại hiểu chuyên môn mà anh lại đi tiếp tay cho những chuyện đó thì chính là một loại tội. Tội này phải xử lý rất mạnh, đưa ra tòa chứ không chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính, hay cách chức đơn thuần. Tôi cũng đề nghị các cơ quan quản lý phải làm rõ trách nhiệm, truy đến cùng và phải công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, để thông tin này đến được tới nông dân, vì họ là người trực tiếp đi mua và bị lừa.

Liên quan đến việc này, người trực tiếp ký khống giấy phép đương nhiên phải chịu trách nhiệm rồi, nhưng còn các cơ quan quản lý trực tiếp và cơ quan cấp trên cũng phải xem lại trách nhiệm. Với lực lượng quản lý thị trường, tại sao lại để hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành như vậy? Đối với người ký khống giấy phép lưu thông phải truy đến cùng, vì việc này chắc chắn có yếu tố lợi ích nhóm.

Thành Nam (ghi)

 

 

 

 

Theo Dũng Nguyễn

Tiền phong

Trở lên trên