MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đổ nợ vì cá rô đầu vuông

23-06-2014 - 07:52 AM |

Thêm một loại thủy sản được đánh giá là tiềm năng nhưng đang khiến người nuôi khốn đốn

Người nuôi cá rô đầu vuông ở ĐBSCL đang lâm vào tình cảnh của người nuôi cá tra, “chết đứng” hàng loạt. Thê thảm nhất có lẽ là người nuôi ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Đây chính là nơi gần 10 năm trước khởi nguồn phong trào nuôi cá rô đầu vuông khắp ĐBSCL.

Nuôi đầu vuông, nợ… “vuông” đầu!

Câu nói có phần chua chát và bế tắc này đang trở thành câu cửa miệng của người dân xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy. Ông Nguyễn Văn Sói, nhà cập kênh Ngang của xã, nói: “Thương lái đã đặt cọc nhưng cứ hẹn lần hẹn lữa. Mười ngày chờ họ đến vét hết ao cá giùm, tôi mất ăn, mất ngủ, bạc cả đầu thế này đây”.

Theo ông Sói, cứ một ngày thương lái trễ hẹn là ông phải tốn hơn 2 triệu đồng tiền thức ăn cho khoảng 8 tấn cá dưới ao. Chưa hết, qua vài ngày thương lái trễ hẹn, để tiết kiệm, ông giảm lượng thức ăn khiến cá đổ bệnh, chết nhiều, lỗ càng thêm lỗ. Dù vậy, bật điện thoại lên giục lái, ông Sói không dám lớn tiếng như mọi lần. “Theo thông tin tôi nghe được, thương lái cá rô đầu vuông đã chuyển đi tìm hàng tại các vùng nuôi mới ở Long An, Tiền Giang để tiết kiệm chi phí vận chuyển lên TP HCM. Họ chỉ “cài” lại 1-2 người ở Hậu Giang để ép giá thu lợi thôi” - ông Sói buồn bã.

Vụ nuôi cá rô đầu vuông năm nay, gia đình ông Sói lỗ khoảng 100 triệu đồng. Trong khi đó, ở cập kênh Cả Xu trong huyện Vị Thủy, ông Huỳnh Hữu Ẩn lại lỗ đến vài trăm triệu đồng.

Giọng ông Ẩn nghèn nghẹn: “Bốn năm trước, thấy nhiều người nuôi loại cá đột biến gien này thắng lớn, đổi đời, tôi cũng đào hơn 6 công đất ruộng thành nhiều ao để nuôi. Vụ đầu và vụ thứ hai thắng, tôi cất nhà. Vụ thứ ba lỗ và đến vụ vớt vát vừa rồi thì lỗ mấy trăm triệu đồng, tôi phải bán gần 20 công đất ruộng để trả nợ vay ngân hàng”.

Tuy thế, ông Ẩn cho rằng mình vẫn còn gặp may hơn nhiều người khác. Hàng chục hộ nuôi cá trong vùng đã phải bán hết đất để trả nợ, trắng tay. Có người phải bỏ xứ ra đi vì đất ruộng bán rẻ chưa ai mua, đành đi trốn nợ.

Cần gấp chính sách hỗ trợ

Theo phân tích của người nuôi, giá cá rô đầu vuông hiện giảm mạnh - chỉ còn 18.000-23.000 đồng/kg so với mức khoảng 30.000 đồng/kg của năm 2013 và hơn 40.000 đồng thời “vàng son” những năm mới rộ lên phong trào nuôi loại thủy sản này - là do ảnh hưởng thị hiếu người tiêu dùng. Không còn mua vì lạ để ăn cho biết nữa, giờ người tiêu dùng đòi hỏi chất lượng thịt cá phải cao hơn, giá phải rẻ hơn. Chất lượng thịt cá giảm vì chất lượng thức ăn cho cá giảm nhưng giá bán ngày càng tăng, từ khoảng 250.000 đồng/bao năm 2013 đã tăng lên trên 350.000 đồng/bao vào đầu năm 2014.

“Các cửa hàng bán thức ăn cho cá dường như lường trước chuyện thua lỗ của người nuôi nên không bán gối đầu cho chúng tôi nữa” - ông Trương Phú Quốc, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ, Thủy sản và Nông nghiệp Thuận Tiến (Hậu Giang), cho biết. Ngoài ra, sức cạnh tranh của các vùng nuôi mới gần thị trường TP HCM cũng “đè” người nuôi cá ở Hậu Giang và những nơi khác như Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau…

Trước tình cảnh lỗ nặng, các hộ nuôi dọc kênh Ngang, Cả Xu, Giải Phóng... ở huyện Vị Thủy bán tháo cá xong là cho xe ủi vào san lấp ao, trồng lại lúa hoặc cây ăn trái. Ông Quốc khẳng định: “Hầu hết xã viên của HTX đã cho lấp ao, chia tay vĩnh viễn với cá rô đầu vuông rồi. Giờ có cho không cá giống, cho gối đầu toàn bộ tiền thức ăn, chúng tôi cũng sợ lắm, chưa chắc có ai dám nuôi lại đâu!”.

Tuy nhiên, theo các cán bộ thủy sản huyện Vị Thủy, vẫn còn nhiều hộ chỉ “treo” ao chứ không lấp. Tâm lý người nuôi là hy vọng, chờ đợi tình hình thay đổi sẽ nuôi lại. Ngoài ra, nhiều hộ dù thua lỗ nhưng cho rằng nuôi cá rô đầu vuông vẫn có lời nếu có nguồn vốn mạnh và nuôi theo quy trình bao tiêu sản phẩm. Đây cũng là những vấn đề mà người nuôi mặt hàng thủy sản tiềm năng này đang đề nghị chính quyền tỉnh Hậu Giang cần gấp rút có chính sách gỡ khó.

Quy hoạch vùng nuôi

Ông Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết tốc độ phát triển của cá rô đầu vuông ở tỉnh là rất nhanh. Hai năm vừa qua, diện tích ao nuôi tăng gấp 10 lần, từ vài chục hecta lên mức 250 ha. Trước cảnh loại cá một thời là mặt hàng thủy sản danh giá của tỉnh rớt giá thê thảm khiến nhiều người nuôi điêu đứng, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương gấp rút rà soát tình hình nuôi. “Ngành nông nghiệp tỉnh phải nhanh chóng quy hoạch vùng nuôi, hạn chế việc người dân thả nuôi ồ ạt dẫn đến rớt giá, thua lỗ” - ông Chánh yêu cầu.


Nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh phía Bắc: Quản lý chặt khâu giống


Giá cá tra rớt đáy: Người nuôi rục rịch bỏ nghề


Theo Nhật Thanh

khanhnt

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên