MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải cứu người trồng sắn

11-06-2013 - 07:32 AM |

Chuyển đổi sang trồng sắn chạy theo dự án của các nhà máy sản xuất xăng sinh học, nhưng lúc này, nhà máy xăng sinh học hoạt động cầm chừng, hàng vạn người dân trồng sắn ở Phú Thọ rơi vào cảnh khốn đốn.

 Lao đao... vì sắn

Dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Ethanol miền Bắc được đầu tư xây dựng tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ được coi là một trong những dự án lớn nhất. Đây là một trong 3 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) nằm trong kế hoạch và chương trình triển khai các dự án NLSH đến năm 2015, tầm nhìn 2025. 

Với quy mô 100.000 tấn ethanol/năm nên ngoài một số nhiên liệu khác thì sắn củ đã được coi như nguyên liệu chính của nhà máy. Để có nguyên liệu này, các tỉnh miền núi cận kề đã được huy động vào trồng sắn nguyên liệu cho nhà máy. Tỉnh đã quy hoạch 8.000 héc-ta đất vùng nguyên liệu tại 3 huyện miền núi nghèo là Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập. Bà con ở đây rất phấn khởi bởi khi nhà máy NLSH đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho hàng vạn người dân. 

Tuy nhiên, đến nay dự án Nhà máy sản xuất NLSH Ethanol Phú Thọ vẫn còn dang dở, tiến độ bị chậm hơn  1 năm so với cam kết. Trong khi đó, nhiều hộ dân đầu tư trồng sắn nguyên liệu (sắn năng suất cao KM94 - sắn Ethanol) nhưng không có chỗ tiêu thụ sản phẩm. 

Do trồng ồ ạt, nhà máy sản xuất cồn lại không thu mua, kết quả dân phải bán rẻ cho tư thương với giá chỉ còn 1.200 - 1.400 đồng/kg, mỗi tấn lỗ 600.000 - 800.000 đồng.

Bao tiêu sắn cho người dân trong thời điểm khó khăn

Ông Nguyễn Khắc Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) cho biết, mặc dù là vựa sắn của cả tỉnh và dự án xăng sinh học đang chậm tiến độ, nên thị trường tiêu thụ không ổn định, phần lớn phụ thuộc vào tư thương. 

Ở các huyện miền núi tại Phú Thọ diện tích trồng sắn nhiều, người dân chủ yếu bán sắn tươi cho 2 nhà máy sản xuất tinh bột sắn ở Thanh Sơn và bán cho tư thương mua chuyên chở về các tỉnh dưới xuôi sản xuất tinh bột. Cả 2 cách tiêu thụ này đều không có một hợp đồng kinh tế ràng buộc nào nên giá cả, sản lượng tiêu thụ hoàn toàn do người mua định đoạt.

Hiện nay trên địa bàn huyện đã có Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Sơn Sơn hoạt động với công suất 240 tấn sắn củ/ngày (tương đương 50 tấn tinh bột/ngày), nhưng cũng chỉ tiêu thụ được khoảng 30 - 40% sản lượng sắn của cả huyện. 

Cũng theo ông Văn, huyện đang cố gắng tạo mọi điều kiện giúp các cơ sở chế biến tinh bột sắn trên địa bàn hoạt động ổn định, đồng thời tăng cường thu hút đầu tư, nhất là nhưng những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản để đẩy mạnh tiêu thụ sắn cho người dân... 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cũng đã có chủ trương giảm tối đa diện tích trồng chuyên sắn, đẩy mạnh mô hình trồng xen sắn dưới tán cây lâm nghiệp. Theo đó với gần 9.000 héc-ta chỉ duy trì từ 4.000 - 5.000 héc-ta đất chuyên trồng sắn, còn lại trồng xen canh dưới tán cây lâm nghiệp, trong đó chủ yếu trồng giống sắn cao sản cung cấp cho các cơ sở chế biến tinh bột sắn trên địa bàn.

Tạo đầu ra cho người trồng sắn bằng lộ trình NLSH

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp NLSH mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định, phải quyết tâm thực hiện lộ trình NLSH vì vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, vấn đề đời sống người trồng sắn. Đặc biệt là những hộ trồng sắn có đầu ra nhanh hơn, ổn định hơn, cuộc sống đỡ khó khăn hơn.

Để phát triển bền vững NLSH, theo ông Nguyễn Sinh Khang - Phó Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - đơn vị triển khai chương trình NLSH,  Nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ về thuế cho chủ đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ cũng như chính sách hỗ trợ cho nông dân vùng nguyên liệu để  Quyết định 177 của Thủ tướng Chính phủ đi vào cuộc sống. 

Tỉnh Phú Thọ cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia thực hiện quyết liệt đầu tư, sớm hoàn thành dự án Nhà máy Ethanol tại huyện Tam Nông để tiêu thụ sắn cho người dân như đã cam kết.

Theo Lan Anh 

khanhnt

Báo công thương

Trở lên trên