MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng thủy sản trả về có phải chỉ vì kém an toàn thực phẩm?

01-04-2013 - 10:11 AM |

Việt Nam là 1 trong 3 nước đứng đầu về số vụ bị từ chối NK cá và sản phẩm thủy sản (theo số liệu tuyệt đối) tại 4 thị trường NK lớn là EU, Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Đồng thời là quốc gia có số vụ từ chối cao nhất so với giá trị hàng XK thủy sản tại EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Tổng giá trị trung bình tổn thất hàng năm do các vụ từ chối nhập hàng thủy sản của Việt Nam lên tới 14 triệu USD/năm và nguyên nhân quan trọng dẫn đến các vụ từ chối này là do nhiễm khuẩn. Những thông số này có phản ánh đúng về thực trạng sản phẩm thủy sản XK của Việt Nam?

Đây là kết quả báo cáo của Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO) đưa ra tại Hội thảo “Đáp ứng tiêu chuẩn - Chiếm lĩnh thị trường: Giải pháp tháo gỡ thách thức đối với chuỗi giá trị thủy sản trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn thương mại” do Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), UNIDO và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (IDE - JETRO) phối hợp tổ chức vào ngày 21/3/2013 tại Hà Nội. Sau khi được công bố, điều này đã làm sửng sốt các đại biểu tham dự đến từ nhiều cơ quan, ban ngành, tổ chức quốc tế, giới truyền thông và các DN XK thủy sản Việt Nam vì nó nói lên thông điệp rằng, Việt Nam đang phải đứng trước vấn đề đáng quan ngại về an toàn thực phẩm thủy sản.

Có thể nói, báo cáo này của UNIDO và Viện nghiên cứu Phát triển (IDS) (Anh) đã đem đến cho hội thảo một góc nhìn khác về thực trạng tuân thủ tiêu chuẩn thương mại của các “nguồn cung” tại các thị trường NK lớn để cơ quan chính phủ và DN thủy sản Việt Nam nhìn nhận thực tế và cải thiện hơn nữa vấn đề an toàn thực phẩm, cải thiện chất lượng và truy xuất nguồn gốc để giải quyết các thách thức cản đường xâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính.

Tuy nhiên, các thông số và kết luận trong báo cáo của UNIDO đã không phản ánh đúng thực trạng tuân thủ về an toàn thực phẩm của thủy sản XK của Việt Nam vì thiếu tính thuyết phục.

Tại báo cáo này, UNIDO và IDS đã đưa ra những con số “biết nói” về tỷ lệ bị từ chối của các lô hàng thủy sản Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ... và cho rằng, tổn thất tài chính hàng năm do các vụ từ chối nhập hàng thủy sản của Việt Nam lên tới 14 triệu USD/năm. Con số 14 triệu USD mà UNIDO nêu ra không rõ là kết quả thống kê từ nguồn nào: từ số liệu thống kê của hải quan hay từ hệ thống cảnh báo của 4 thị trường NK lớn là EU, Mỹ, Nhật Bản và Australia. Bởi cho đến nay trên hệ thống cảnh báo của cả 3 nước lớn về NK thủy sản là Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA); Bộ Y tế Nhật Bản (MHLW) và Hệ thống Cảnh báo nhanh EU - RASFF đều chỉ thống kê số lô hàng NK bị từ chối mà không hề nêu giá trị lô hàng thủy sản bị từ chối.

Nếu dựa vào thống kê của Hải quan về giá trị hàng bị trả về thì con số này cũng không chính xác vì hàng trả về có nhiều nguyên nhân, chứ không hoàn toàn vì nguyên nhân an toàn thực phẩm.

Thậm chí, UNIDO còn dẫn chứng tại Mỹ, số lô hàng thủy sản Việt Nam có chứa vi tạp chất (filth) chiếm đến 24,4% tổng lượng hàng bị trả về. Tuy nhiên, điều này là sự hiểu sai vì đây không phải là mối nguy an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các lô hàng bị từ chối còn có thể do DN Việt Nam tự “kéo” hàng về nếu thấy chưa an tâm về quan hệ giao dịch với khách hàng hoặc đưa lô hàng về chỉnh sửa bao bì theo ý khách hàng...

Hơn nữa, theo tính toán, với kim ngạch XK thủy sản hàng năm của Việt Nam sang 4 nước Mỹ, EU, Nhật Bản và Australia trung bình trong 6 năm (2006 -2010) là 3,2 tỷ USD, thì con số tổn thất tài chính hàng năm của Việt Nam là 14 triệu USD chỉ chiếm khoảng 0,39% tổng giá trị NK – tỷ lệ này có đáng bị coi là báo động?

Nhiều đại biểu và nhà báo đã quá bất ngờ và không đồng ý với cách tính của UNIDO về tỷ lệ đơn vị từ chối trên giá trị NK đối với các sản phẩm thủy sản NK vào các thị trường chính để ra kết quả là Việt Nam đang có tỷ lệ từ chối cao nhất. Bởi vì khối lượng, giá trị và giá trung bình hàng XK của mỗi nước khác nhau.

Giống như việc 1 DN chỉ XK 1 lô hàng sẽ ít mắc lỗi hơn 1 DN XK hàng trăm lô hàng trong 1 năm. Do đó, ngay tại hội thảo này đã có nhiều đại biểu cho rằng, cần nhìn vào tỷ lệ số lượng hàng bị trả về trên tổng lượng hàng XK để đánh giá khách quan về chất lượng thủy sảnViệt Nam trên “sân chơi” toàn cầu.

Sửng sốt tiếp theo mà UNIDO đã đưa ra tại hội thảo là, Việt Nam là nước tuân thủ tương đối kém về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, ngoại trừ sự chấp nhận của thị trường Australia. Thông tin này đã phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và cơ quan thẩm quyền về kiểm soát chất lượng thủy sản, của các DN và cả những tổ chức chứng nhận có báo cáo hàng năm về chất lượng an toàn thực phẩm... Và việc Việt Nam hiện có 567 nhà máy chế biến thủy sản quy mô công nghiệp đang đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm như HACCP, GMP, SSOP; hơn 400 nhà máy đông lạnh có công suất 7.500 tấn; 415 nhà máy đủ tiêu chuẩn XK sang EU, tăng 398 nhà máy so với năm 1999; và nhiều nhà máy, vùng nuôi đạt chứng nhận tự nguyện như GlobalGAP, ASC, BAP, BRC... liệu có ý nghĩa gì không?

Như vậy, với đánh giá chưa khách quan và không đầy đủ, những thông tin này sau khi được đưa ra đã vô tình làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của sản phẩm thủy sản XK của Việt Nam ...

Theo Tạ Hà

hangnt

Vasep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên