MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2015

11-03-2015 - 10:00 AM |

Đại tướng Trần Đại Quang – Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các bộ ban ngành Trung ương cần chủ động tham mưu với Đảng, Chỉnh phủ có cơ chế phù hợp để ngành cà phê Việt Nam nói chung, cà phê Tây Nguyên và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng phát triển bền vững.

Tối ngày 10/03/2015, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V năm 2015 với chủ đề “ Buôn Ma Thuột – Những đường xuân lịch sử” chính thức được khai mạc tại quảng trường 10/3 Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Trải qua 100 năm hình thành và phát triển cây cà phê ở Việt Nam đang là cây có sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt gần 3,6 tỷ USD; thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột hiện đang có mặt ở hơn 80 quốc gia trên thế giới.

Đối với tỉnh Đắk Lắk, sau 40 năm phát triển, diện tích cà phê của Đắk Lắk đã ổn định ở mức trên 203.000 ha, sản lượng 480.000 tấn, tăng gấp hàng trăm lần so với trước giải phóng. Đắk Lắk đang đóng góp đến 40% sản lượng cà phê xuất khẩu cả nước. Giá trị từ cây cà phê mang lại cho Đắk Lắk ngoài công ăn việc làm cho người dân còn đóng góp đến 60% ngân sách của địa phương.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Ủy viên Bộ Chính Trị Đại tướng Trần Đại Quang – Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị:

(i) Các tỉnh Tây Nguyên cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ban ngành ở Trung ương, Bộ NNPTNN, Thường trực ban chỉ đạo Tây Nguyên làm tốt công tác quy hoạch vùng đất trồng cà phê; đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng cây giống, ứng dụng KHCN tiên tiến vào việc trồng, chăm sóc chế biến cà phê để tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm; tăng cường học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia trồng cà phê từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, mở rộng giao lưu nhiều hơn để thu hút khách du lịch đến với vùng đất Tây Nguyên.

(ii) Các bộ ban ngành Trung ương cần chủ động tham mưu với Đảng, Chỉnh phủ có cơ chế phù hợp để ngành cà phê Việt Nam nói chung, cà phê Tây Nguyên và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng phát triển bền vững đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của đất nước và địa phương.

(iii) Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam cần phát huy vai trò là đầu mối để các địa phương trồng cà phê trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, lựa chọn cây giống, phương thức trồng… để mở rộng sản phẩm cà phê ra các nước trên thế giới.

Chương trình Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V kéo dài từ ngày 08/03 – 12/03/2015 với 16 tiểu chương trình bao gồm Hội nghị phát triển cà phê bền vững do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk thực hiện và Hội thảo về giao dịch hàng hóa và sự phát triển của ngành hàng cà phê, nông sản Việt Nam.
 

Thanh Giang

Ngọc Quỳnh

Tài chính Plus

Trở lên trên