MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi người bán, người mua… chưa biết sợ!

15-04-2013 - 12:32 PM |

Nhiều người kinh doanh, tiêu dùng vẫn tỏ ra khá thờ ơ trước nguy cơ bùng nổ dịch cúm gia cầm.

Tràn lan gia cầm không kiểm soát

Dù chưa có phát hiện ở Việt Nam song nguy cơ dịch cúm H7N9 lây lan vào Việt Nam là rất cao, do Việt Nam là nước gần kề Trung Quốc, lượng gia cầm lậu vẫn được chuyển vào Việt Nam với số lượng lớn và chưa thể kiểm soát. Độ an toàn của thực phẩm tại các khu chợ dân sinh, vì thế rất khó đảm bảo.

Thế nhưng, dạo quanh các chợ đầu mối thực phẩm, chợ cóc trên địa bàn TP Hà Nội, tình trạng buôn bán vẫn diễn ra bình thường. Gia cầm và các sản phẩm gia cầm sống, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch vẫn bày bán công khai. Chợ Phùng Khoang, Dịch Vọng, chợ cầu Lủ, Đại Từ… rất dễ bắt gặp các bàn bày bán gà đã mổ sẵn, không có dấu kiểm dịch. 

Ảnh hưởng duy nhất có lẽ chỉ là mặt bằng giá. Trước đó, tác động của việc tăng giá xăng đã khiến giá thực phẩm tăng nhẹ, thì nay đã sụt giảm về mặt bằng cũ hoặc giảm thêm nhưng không nhiều. 

Bác Tú, một người bán gà giết mổ sẵn tại chợ Mai Động cho biết, nguồn gà lấy từ địa chỉ quen, là gà nuôi nên hoàn toàn yên tâm về chất lượng, không lo ngại cúm. "Tôi có nghe thông tin về dịch, cũng chỉ biết nó là dịch cúm mới có ở gia cầm nhưng gà tôi bán không phải gà nhập lậu, dịch không có ở Việt Nam thì vẫn buôn bán bình thường thôi. Nhưng dù sao người dân cũng khá dè chừng, khách mua chủ yếu là khách quen” – bác Tú nói.

Phía người tiêu dùng cũng có quan tâm hơn với thông tin dịch cúm. Chị Nguyễn Thu Trang (Cầu Giấy) cho biết, nhiều ngày nay nghe thông tin dịch cúm A/H7N9 tôi cũng bớt sử dụng các sản phẩm từ gia cầm, chuyển sang cá, tôm… là chính.  

Tại các hàng quán có kinh doanh thịt gà, vịt, gia cầm, việc buôn bán cũng không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí khá sôi động trong tối cuối tuần. Theo lời cam kết của chủ một nhà hàng, gà được nhà hàng sử dụng là gà nuôi. Còn gà Trung Quốc với gà trong nước rất dễ phân biệt. 

Vẫn chủ quan

Nhiều người cũng cho rằng, nếu có vấn đề thì người bán, giết mổ trực tiếp sẽ là đối tượng chính. Chứ người dân mua về, nấu chín thì không có gì phải lo.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, có tình trạng người bán, người mua như trên là do tâm lý bảo thủ trong tiêu dùng, kinh doanh đã tồn tại vài chục năm nay, trở thành căn bệnh mãn tính.  

"Khi dịch chưa có ở Việt Nam, chưa gây chết người thì vẫn không sợ. Ngay như tai nạn giao thông, số lượng người chết lớn đến thế mà vẫn không cải thiện tình hình. Tức là, khi chưa có dấu hiệu gì đáng báo động, vẫn ăn được, vẫn khỏe mạnh thì người dân vẫn sẽ không quan tâm”.
Ông Phú phân tích thêm, có hiện tượng trên một phần là sự yếu kém về nhận thức, đã dẫn tới hành động lạc hậu. Song, phần lỗi lớn thuộc về các cơ quan chức năng, lỗi hệ thống trong khâu quản lý, kiểm soát VSATTP. Quản lý thị trường không vững chắc, để hàng nhập lậu tràn lan, buôn bán, giết mổ tại chợ nhỏ lẻ… thời gian quá lâu.

Thực tế, công tác kiểm tra, giám sát, chế tài xử phạt với sai phạm trong ATTP còn quá hạn chế. Quá trình xử phạt cũng không từ gốc mà chỉ khi có vấn đề xảy ra thì mới quan tâm. "Tư duy ngược là bệnh mãn tính của khâu quản lý hiện nay. Trong khi đáng lẽ, ta phải đi quản lý từ gốc sản xuất, sản xuất an toàn để tất cả an toàn.” – ông Phú nhận định.

Đồng thời, siêu thị là kênh tốt đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân, nhưng cũng chỉ cung cấp 20% nhu cầu thị trường bởi mức sống của đa phần người dân còn thấp, thị trường chính cần quản lý thì lại buông lỏng. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của mình và các thành viên trong gia đình hãy "nói không” với những thực phẩm không rõ nguồn gốc. 
 
33% mẫu gia cầm lấy tại các chợ nhiễm cúm virút H5N1

Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, nguy cơ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tiếp tục phát sinh rất cao, đặc biệt là nơi có ổ dịch cũ, trong đó có Đồng Tháp, nơi đang có dịch lưu hành trên gia cầm và có 1 cháu bé tử vong do cúm A/H5N1. Còn Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng tỉnh này cần có giải pháp kiên quyết hơn nữa mới có thể khống chế được tình hình dịch bệnh. Trước mắt phải kiểm soát cho được ổ dịch ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh. Tầm soát lại đàn gia cầm và qui rõ trách nhiệm từng ngành, từng cấp trong phòng chống dịch.

UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản chỉ đạo tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện bệnh dịch trên đàn gia cầm, thủy cầm. Tuy nhiên, đáng lo nhất là tình trạng bày bán gia cầm sống chưa qua kiểm dịch vẫn tồn tại ở một số chợ. Ông Nguyễn Ngọc Ấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp cho biết: "Vừa rồi có tới 24/70 mẫu gia cầm lấy tại các chợ trong tỉnh dương tính với cúm A/H5N1, chiếm 33%. Cực kỳ nguy hiểm”. Số gia cầm này có thể khiến dịch cúm bùng phát trên diện rộng. Nếu không được kiểm soát chặt thì bệnh trên đàn gia cầm nếu có sẽ từ chợ lây lan nhanh chóng sang nơi khác. 

Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh Đồng Tháp cũng lo ngại khi diện tích trồng lúa ở tỉnh khá lớn, khoảng 200 ngàn ha. Khi thu hoạch xong vịt chạy đồng rất nhiều. "Chúng tôi kiểm soát không xuể, cần phải có sự phối hợp và hỗ trợ của nhiều lực lượng khác nữa”, ông Hiền nói.

Quả là tình hình nuôi vịt chạy đồng và gà thả rông ở địa phương này hiện đã vượt tầm kiểm soát của cơ quan thú y và chính quyền địa phương. Thực trạng nuôi gia cầm rải rác trong dân còn rất nhiều. Tỷ lệ tiêm chủng trên đàn vịt hiện đạt khoảng 80%, trên gà chưa đạt yêu cầu vì các hộ nuôi gà nhỏ lẻ hầu hết ở vùng sâu, lại thả rong. Điều này đồng nghĩa với việc gia cầm đưa ra chợ bày bán khó có thể là gia cầm an toàn, cần quyết liệt hơn trong giám sát. 

Trên toàn quốc, Cục Thú y đã có kế hoạch tăng cường giám sát virus cúm A/H7N9 trên gia cầm trong đó có việc chủ động lấy mẫu xét nghiệm gà đẻ thải loại, gà con giống, lợn và chim bồ câu bán tại các chợ là các loại có nguy cơ cao để phát hiện virus cúm A. 

Theo Nguyễn Nga -  Văn Hà

khanhnt

Đại đoàn kết

Trở lên trên