MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mất hàng nghìn tỷ đồng vì tôm giống

11-04-2013 - 09:43 AM |

Chất lượng tôm giống có ảnh hưởng lớn đến năng suất vụ nuôi trong khi hiện nay nguồn tôm giống đạt chuẩn chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu.

Sản xuất tôm giống ngày càng tăng quy mô, số lượng, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nuôi. Hệ lụy của tình trạng này là những con giống kém chất lượng len lỏi vào vuông tôm, gây thiệt hại cho người nuôi.

Cạn vốn vì tôm

Cả nước hiện có khoảng 657.523 ha nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Mỗi năm người nuôi cần hàng chục tỷ con tôm giống, trong đó chỉ có 30% tôm giống sạch bệnh, còn lại là tôm giống không rõ nguồn gốc, khiến dịch bệnh bùng phát khắp nơi. Chỉ tính năm 2012, cả nước đã có 100.776 ha nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại do dịch bệnh (91.174 ha tôm sú, 7.068 ha tôm thẻ), khiến nhiều hộ nuôi tôm rơi vào cảnh nợ nần, cạn vốn.

Ông Lã Văn Ảnh (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang) bức xúc: "Thị trường tôm giống bây giờ quá bát nháo, thật giả lẫn lộn nên nông dân rất khó phân biệt. Dù chấp nhận bỏ ra chi phí cao để mua tôm giống tại cơ sở uy tín, nhưng khi thả nuôi vẫn dính bệnh chết hàng loạt. Vụ tôm vừa qua tôi thả 2 đợt đều thiệt hại 100%”.

Ông Nguyễn Văn Lượm (xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, Cà Mau) nhìn vuông tôm hơn 1 ha của gia đình, buồn rầu: “Tiền cải tạo ao đầm, tiền con giống hơn 20 triệu đồng đầu tư thả đợt trước, giờ mất trắng. Thả đợt nào chết đợt ấy, cứ đà này chỉ một thời gian nữa là tôi bán đất đi xứ khác”.

Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Ngàn, xã Thuận Hòa (An Minh, Kiên Giang) cho biết: “Vụ vừa qua tui thả nuôi 80.000 con tôm giống, tôm được chứng nhận đã kiểm dịch bằng máy PCR đàng hoàng. Vuông nuôi được cải tạo đúng theo quy trình kỹ thuật. Tưởng vậy là ăn chắc, ai dè mới nuôi hơn 30 ngày tôm đã phát bệnh, chết đỏ vuông. Bỏ thêm hơn chục triệu đồng, chọn mua con giống có kiểm dịch và thả thật thưa (40.000 con tôm giống/ha) nhưng cũng chỉ hơn 1 tháng tôm lại chết gần hết, đành nghỉ nuôi vì hết vốn”.

Bà Nguyễn Mỹ Tư (xã Hòa Thành, TP Cà Mau) thả tôm độ tuổi 30 - 45 ngày là tôm chết. Mặc dù bà rất thận trọng trong khâu chọn lựa con giống, tôm giống nào có ghi tiêu chuẩn chất lượng cụ thể bà mới mua. Bà không khỏi thất vọng khi tôm vẫn chết hàng loạt. Chưa đến mức nợ nần song để thả nuôi tiếp chắc bà phải suy nghĩ.

Mất hàng ngàn tỷ đồng

Theo Tổng cục Thủy sản, mỗi năm nước ta mất hàng ngàn tỷ đồng vì dịch bệnh thủy sản. Nguyên nhân lớn nhất, theo các nhà khoa học là nằm ở khâu con giống, vì 70% tôm giống được sản xuất nhờ đánh bắt tôm bố mẹ ngoài tự nhiên nên khó kiểm soát chất lượng, dịch bệnh của tôm bố mẹ.

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất tôm giống chưa áp dụng công nghệ sản xuất tôm hiện đại, cũng chưa chú ý an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh, như các nước Malaysia, Thái Lan, nên tỷ lệ sản xuất tôm giống chỉ 20 - 25%, bằng 1/2 so với tỷ lệ ươm giống thành công của thế giới.

Ông Đào Văn Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III cho biết, năm 2010 cả nước có 25.000 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, tương ứng 40 - 50 tỷ con tôm giống. Tuy nhiên, nguồn tôm giống đạt chất lượng chỉ chiếm 30% nhu cầu; còn lại, người nuôi mua từ các cơ sở sản xuất tôm giống mà chất lượng con giống không được kiểm chứng.

Ý thức chưa cao

Xác định được vấn đề chất lượng giống là một trong những yếu tố đầu vào quyết định thành công nghề nuôi tôm và để hạn chế tình trạng tôm giống kém chất lượng, giá rẻ, gây thiệt hại lớn cho người nuôi, nhiều biện pháp đã được đưa ra nhằm làm sạch thị trường tôm giống. Tổng cục Thủy sản đang tập trung kiểm soát chặt chất lượng tôm giống, rà soát điều kiện sản xuất các trại tôm giống, từ chất lượng tôm bố mẹ, nguồn nước, chế phẩm, quy trình quản lý trại giống đảm bảo tôm giống chất lượng, không nhiễm virus, vi khuẩn.

Tuy nhiên, không chỉ dựa vào các cấp các ngành chủ động quản lý hiệu quả mà vấn đề ý thức người nuôi cũng được đặt ra.

Ông Tạ Minh Phú, Chủ tịch Hội Thủy sản Bạc Liêu, cho rằng: “Một khi người nuôi chưa phân biệt được đâu là tôm giống chất lượng tốt thì thiệt hại do tôm giống mang lại rất lớn, bởi nó quyết định thành bại trong nghề nuôi đến 70%”.

Cà Mau được mệnh danh thủ phủ nuôi tôm của cả nước. Mỗi năm Cà Mau cần 13 tỷ con tôm giống, trong khi năng lực sản xuất chỉ 5 tỷ con. Qua kiểm tra, Sở NN&PTNT phát hiện 50% số trại sản xuất tôm giống trong tỉnh không đạt tiêu chuẩn.

Theo Hải Linh

khanhnt

Thủy Sản Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên