MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên liệu cho nhà máy thủy sản bị thiếu

23-04-2013 - 11:51 AM |

Thời gian gần đây, nhiều nhà máy chế biến thủy sản của Hải Phòng dường như bị đình trệ do nhà máy “đói” nguyên liệu sản xuất.

Thiếu nguyên liệu kéo dài

Theo ông Đào Viết Thuận - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hải Phòng, ngành chế biến thuỷ sản ở Hải Phòng từng có một thời “hoàng kim”. Khi đó, địa bàn có tới 13 cơ sở chế biến thuỷ sản quy mô công nghiệp (5 DN trung ương, 8 DN địa phương). Chưa kể, còn hàng trăm tổ chức, cá nhân chế biến thuỷ sản quy mô nhỏ, hộ gia đình. Các loại hình chế biến thuỷ sản cũng rất đa dạng, như: Đông lạnh, đồ hộp, hàng khô, aga, bột cá…

Nhiều DN nắm bắt cơ hội, còn mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại để chế biến thuỷ sản xuất khẩu (XK) sang các nước châu Âu. Thương hiệu “Cá hộp Hạ Long” của Tổng Công ty Thuỷ sản Hạ Long từng nổi đình đám, được khách hàng châu Âu rất chuộng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, hầu hết DN chế biến thuỷ sản ở Hải Phòng đều hoạt động cầm chừng, các dây chuyền sản xuất chỉ chạy 30-40% công suất nhà máy. Không ít DN phải tạm dừng chế biến XK, chuyển sang nhập khẩu cá tạp về tiêu thụ nội địa. Thậm chí, có DN phải chuyển sang chế biến nông sản… Căn nguyên, ngoài những khó khăn chung, vấn đề cốt lõi là các cơ sở chế biến này đã chưa chủ động được nguồn nguyên liệu “đầu vào”.

Ông Lê Bá Thuỷ - Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh XNK Thuỷ sản Hải Phòng cho biết, từ đầu năm đến nay, vì không có nguyên liệu phục vụ cho chế biến, công ty đành phải nhập khẩu hơn 4.000 tấn cá nục, cá kìm, cá bạc má… từ Hàn Quốc, Nhật Bản về tiêu thụ nội địa. Theo ông Thuỷ, những loại cá tạp này, các nước nói trên rất ít sử dụng, chủ yếu xuất bán cho Việt Nam với giá rẻ.

Tương tự, ông Bùi Đức Quyền - Giám đốc Công ty CP Thuỷ sản Anh Minh cho hay, mỗi năm công ty này nhập khẩu khoảng 3.000 tấn cá nục, cá kìm, cá mực từ các thị trường như Đài Loan, Nhật Bản về phân loại, bán tiêu dùng nội địa.

Nghịch lý thừa ngư trường

Ông Đoàn Văn Chung - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thuỷ sản Hải Phòng cho biết: 2 ngư trường lớn ở phía Bắc bao gồm Long Châu và Bạch Long Vỹ chính là lợi thế cho việc cung cấp nguyên liệu phục vụ các cơ sở chế biến thuỷ sản ở Hải Phòng. Chẳng thế, hàng trăm cơ sở chế biến thuỷ sản lớn, nhỏ lại mọc lên tại đây. Chỉ có điều, ngư trường nhiều, rộng lớn, lượng tàu thuyền đánh cá cũng không ít, nhưng nguyên liệu phục vụ cho ngành chế biến thuỷ sản, nhất là chế biến thuỷ sản XK hiện lại rất “khan”.

Theo ông Chung, sở dĩ có nghịch lý trên là bởi các DN chế biến thuỷ sản trong khu vực chưa có sự gắn kết mật thiết, lâu dài với ngư dân (bao gồm cả hộ nuôi trồng thuỷ sản lẫn người khai thác ngoài biển). Chính vì thiếu sự gắn kết nên các nhà máy luôn bị động về nguồn nguyên liệu “đầu vào”. Trong khi, cơ sở chế biến mỏi mắt chờ… tôm, cá đưa về bán cho nhà máy thì ở ngoài khơi, kể cả các đầm ao, thuỷ hải sản do ngư dân đánh bắt và nuôi trồng được đều do các tư thương thu mua, thậm chí cả tư thương nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Lệ - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hậu cần thuỷ sản Hải Phòng cho hay, tình trạng tàu thuyền đánh bắt cá không đưa về cảng, mà bán ngay tại ngư trường cho tư thương, đã diễn ra từ lâu. Các tư thương đều sắm tàu to, bám theo ngư dân để mua gom cá sau khi bà con đánh bắt được, với giá cả lên xuống thoả thuận. Có tư thương không ngại ngần, còn tung tiền ra để “đặt cọc” từ trước hoặc hỗ trợ đóng mới tàu thuyền, khiến ngư dân, nhất là hộ khó khăn khó có thể từ chối mà không bán cá cho họ.

Trong bối cảnh khó khăn chung đó có một DN chế biến thuỷ sản XK trên địa bàn đã không chịu bó tay, vượt lên làm ăn khá hiệu quả. Đó là Công ty TNHH Chế biến thuỷ sản XK Việt Trường. Thành công của DN này là nhờ ở chiến lược phát triển sản xuất, trong đó có việc chủ động được nguồn nguyên liệu. Đây được coi là vấn đề sống còn của DN. Thời gian qua, đi đôi với đầu tư thiết bị chế biến hiện đại, Công ty Việt Trường còn mua sắm, thành lập đội tàu gồm 4 chiếc, chuyên bám theo ngư dân ra tận các ngư trường để thu mua nguyên liệu đưa về.

“Công ty luôn gắn bó mật thiết, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với ngư dân, ứng trước tiền dầu, tiền đá, thậm chí cả tiền ngư, lưới cụ nếu cần. Công ty có hẳn một đội xe chuyên dụng, sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào, đến bất kể đâu để bốc xếp, vận chuyển, đảm bảo giải phóng hàng nhanh, giúp ngư dân ra khơi kịp thời vụ”- Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thủy sản XK Việt Trường chia sẻ. 

Những năm gần đây, hầu hết DN chế biến thuỷ sản ở Hải Phòng đều hoạt động cầm chừng, các dây chuyền sản xuất chỉ chạy 30-40% công suất nhà máy.



Theo Thu Ngân

khanhnt

Dân Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên