MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều quy định sản xuất kinh doanh phân bón vô lý vẫn tồn tại

11-04-2013 - 11:16 AM |

Quy định được đưa ra để hạn chế phân bón giả đồng thời cũng khiến giá phân bón tăng cao.

Thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều nghị định, thông tư ra đời nhằm siết chặt hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón, tuy nhiên vẫn còn đó những quy định thiếu thuyết phục đã, đang tồn tại, cần sớm được sửa đổi.

Trước tiên hãy tìm hiểu nội dung Quyết định số 36/2007/QĐ-BNN. Có thể nói quyết định này là một bước cụ thể hóa Nghị định 113/2003/NĐ-CP. Tuy nhiên một số nội dung của nó vẫn chung chung, nhưng một số lại quá cụ thể, tỷ mẩn và đầy tính áp đặt. Điều 2 - “giải thích từ ngữ” của Quyết định 36 nêu lên các khái niệm cơ bản về các loại dinh dưỡng.

Qua đó ta thấy chỉ có 2 khái niệm chất dinh dưỡng P (tính bằng P2O5 hữu hiệu) và K (tính bằng K2O) là tương đối rõ ràng; còn dinh dưỡng N (tính bằng N tổng số) đã thấy thiếu thuyết phục. Người ta có thể hiểu không khí cũng được coi là một loại phân đạm, vì chứa 78% N tổng số.

Nông dân phải trả thêm tiền mua “độ ẩm”

Đến định nghĩa “yếu tố dinh dưỡng trung lượng gồm canxi (Ca), magie (Mg), lưu huỳnh (S) và silic (SiO2)” và “yếu tố dinh dưỡng vi lượng gồm sắt (Fe), kẽm (Zn), đồng (Cu) và Bo (B) molipđen (Mo), mangan (Mn) và clo (Cl)” thì hoàn toàn không chấp nhận được. Những yếu tố này phải tồn tại dưới dạng nào đó mà cây cối có thể hấp thụ được dễ dàng, khi đó chúng mới trở thành yếu tố dinh dưỡng được. Chính vì vậy mà ta có ngành sản xuất phân bón(!). Ta không thể mang đá hộc (chứa trên 50% CaO), hoặc sắt vụn (chứa gần 100% Fe)… rắc xuống ruộng và bảo là đã bón phân canxi, hoặc phân chứa sắt được.

Trong “Điều 5 - các chỉ tiêu bắt buộc kiểm tra và mức sai số định lượng cho phép” mới thấy sự rõ sự áp đặt. Cụ thể: “Đối với các loại phân bón vô cơ đa lượng… mức sai số định lượng của từng yếu tố dinh dưỡng chính không được phép thấp hơn 1 đơn vị so với mức đăng ký”. Như vậy nếu phân kali đăng ký 61% K2O và một loại phân lân nào đó đăng ký P2O5 6% đều chỉ được phép sai số nhỏ hơn hoặc bằng 1% dinh dưỡng đăng ký. Như vậy phân kali nói trên được phép sai số 1,63% còn phân lân trên chỉ được sai số 16% - thật không công bằng.

Hay mức sai số định lượng cho phép với các yếu tố dinh dưỡng trung lượng là nhỏ hơn hoặc bằng 12%, yếu tố vi lượng là nhỏ hơn hoặc bằng 20%... hàm ẩm phân hữu cơ là nhỏ hơn hoặc bằng 25%, hàm ẩm phân hữu cơ vi sinh và phân vi sinh là nhỏ hơn hoặc bằng 30%(!), không biết những người làm quy định dựa vào cơ sở nào mà quy định như vậy. Phân hữu cơ đã quy định độ ẩm cho phép 30% nay lại cho phép sai số vượt đến 25 – 30% nữa,... nghĩa là độ ẩm lên đến 35 – 40% vẫn đạt chất lượng. Nông dân bỏ 1 đồng mua phân bón thì chỉ có 6 hào trả cho phân, còn trả cho nước (độ ẩm) 4 hào, nhưng vẫn hợp pháp(!).

Nhật Bản là một quốc gia rất kén chọn sử dụng nông sản sạch thì trong các quy chuẩn quốc gia về phân bón, họ cũng chỉ hạn chế một thành phần duy nhất là Cadimi (Cd). Còn ở Việt Nam trong Điều 6 của quyết định nói trên lại đưa ra danh sách kéo dài tới 6 nguyên tố bị hạn chế lại, với mức rất khắt khe và lại chỉ nhằm vào 1 sản phẩm là lân nung chảy.

“Gà nhà” bị hạn chế ngay ở sân nhà?

Tại mục 2 Điều 7 của quyết định nói trên ghi: “Phân bón không qua khảo nghiệm nhưng đạt tiêu chuẩn sau đây:

a) Phân phức hợp, phân khoáng trộn dùng bón rễ có tổng hàm lượng các yếu tố dinh dưỡng đa lượng: N tổng số + P2O2 hữu hiệu + K2O hoà tan lớn hơn hoặc bằng 18% có bổ sung một trong các yếu tố trung lượng, vi lượng, chất hữu cơ dưới 10% (< 10%) hoặc có bổ sung cả 3 yếu tố nêu trên.

b) Các loại phân trung lượng dùng bón rễ có chứa đầy đủ hoặc một trong các nguyên tố dinh dưỡng sau: Can xi (Ca), magiê (Mg), lưu huỳnh (S), silic (SiO2).

c) Các loại phân vi lượng dùng bón rễ có chứa hàm lượng tối thiểu một trong các nguyên tố dinh dưỡng như sau:

B: 0,02%, Cl: 0,1, Co: 0,005% Cu: 0,05%.

Fe: 0,01%, Mn: 0,05%, Mo: 0,0005%, Zn: 0,05%”.

Chúng ta lập ra hàng rào để “gà” hàng xóm thoải mái ra vào sân nhà, còn “gà” nhà thì bị nhốt ngay trong chuồng vì một loạt giấy phép con. Ra sân nhà còn khó thì làm sao mà nhảy được qua rào để ra hải ngoại được.
Được đưa vào danh mục phân bón được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Quy định như vậy thì sản phẩm chứa bất kỳ 1 trong các chất Ca, Mg, S, SiO2 (với bất cứ hàm lượng nào) cũng đều được coi là phân trung lượng; hoặc sản phẩm chứa một trong các chất với hàm lượng rất nhỏ như: B: 0,02%; Cl: 0,10%; Co: 0,005%; Cu: 0,05%, Fe: 0,01%; Mn: 0,05%; Mo: 0,0005%, Zn: 0,05% đều được coi là phân vi lượng được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, điều này thật vô lý. Trong khi đó nếu là phân phức, phân khoáng trộn như NPK thì phải có mức dinh dưỡng N tổng số + P2O5 hữu hiệu + K2O hoà tan lớn hơn hoặc bằng18% mới được đưa vào danh mục. Điều này lại càng vô lý hơn!!!

Trong thương mại quốc tế, các nước tư bản phát triển thường lập ra các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước của họ. Nói hình tượng là họ lập ra hàng rào để “gà” của họ thoải mái chơi, nhưng lại ngăn “gà” hàng xóm vào chơi trong sân của họ. Còn Việt Nam ta lập ra hàng rào để “gà” hàng xóm thoải mái ra vào sân nhà, còn “gà” nhà thì bị nhốt ngay trong chuồng vì một loạt giấy phép con. Ra sân nhà còn khó thì làm sao mà nhảy được qua rào để ra hải ngoại được.

Theo Tùng Dũng

khanhnt

Dân Việt

Trở lên trên