MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông dân điêu đứng vì vay lãi suất cao đầu tư vườn cà phê

26-01-2014 - 22:40 PM |

Gần 100 hộ dân vay vốn ngoài ngân hàng để đầu tư phát triển cà phê với lãi suất rất cao, do giá cả cà phê xuống thấp nên nhiều hộ không có khả năng trả nợ, nợ chồng thêm nợ.

Bon Srê Ú thuộc vùng sâu của xã Đắk Nia, chủ yếu là người dân tộc thiểu số Mạ, M’nông sinh sống. Trên địa bàn này hầu hết người dân chỉ chủ yếu dựa vào cây cà phê làm chủ lực để phát triển kinh tế. Trong năm vừa qua tình trạng thiếu vốn đầu tư cho cây, con ngày càng lớn. Trong đó đặc biệt là cây cà phê, bà con đã phải vay vốn ở ngoài với lãi suất “cắt cổ” dẫn đến nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh trắng tay sau khi bán cà phê chỉ trả phần lãi suất và không có khả năng trả tiền nợ gốc.

Toàn bon hiện có hơn 200 hộ thì có gần 100 hộ vay vốn ở các gia đình có điều kiện kinh tế ổn định trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa với lãi suất từ 4% đến 6%/tháng. Tất cả các hộ trên đều vay vốn để đầu tư phát triển cho cây cà phê. Nhiều hộ dân tại bon cho biết lý do bà con phải chịu vay vốn ngoài với lãi suất cao là thiếu vốn đầu tư, không vay được vốn từ ngân hàng hoặc được vay quá ít.

Theo anh K’Song, bon Srê Ú, nhà anh đầu tư làm 2 ha cà phê, trong khi đó đã vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh được 20 triệu đồng để đầu tư và trả trong 3 năm.

Thế nhưng, số vốn ít ỏi đó chỉ đủ đầu tư trong một năm, sang năm sau đó lại thiếu vốn bởi do giá cả, phân bón, nhân công tăng lên không đủ chi phí. Vì không nỡ nhìn thấy cà phê thiếu nước tưới, phân bón đợt tiếp theo nên gia đình anh đã vay thêm ở các hộ ngoài 40 triệu đồng với lãi suất hàng tháng phải trả lãi 5%/tháng. Kỳ thu hoạch năm nay, gia đình anh chỉ thu được 3 tấn cà phê nên vẫn không thể trả hết nợ mà chỉ trả một phần lãi suất và dành một ít để chi tiêu trong gia đình.

Không chỉ hộ gia đình anh K’Song mà rất nhiều hộ gia đình trong bon vay từ 30 - 50 triệu đồng với lãi suất từ 4% đến 6%/tháng và thế chấp cả những sổ đỏ cho các hộ dân có quen biết trên địa phương thuộc thị xã Gia Nghĩa để có tiền đầu tư cà phê nhưng đến mùa vẫn không trả nợ nổi. Nhiều hộ gia đình sau khi vay vốn thêm ở ngoài tính cả lãi lẫn gốc lên đến gần cả trăm triệu.

Ông K’Bình, trưởng bon Srê Ú, xã Đắk Nia chia sẻ, hiện nay vì lãi cao, cộng với giá cà phê thất thường, mất mùa nên ở đây nhiều hộ nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con, không có khả năng trả nợ cho các chủ nợ. Với số vốn vay khoảng 20 đến 30 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh thì vẫn không đủ để đầu tư vào rẫy cà phê nếu so với giá cả hiện nay. Việc vay vốn với lãi suất “cắt cổ”, cũng do một phần hiểu biết hạn chế của người dân dẫn đến lãi mẹ để lãi con, nợ thêm nợ chồng chất khi giá cả cà phê không ổn định.

Trước tình hình vay vốn với lãi suất cao trên địa bàn bon Srê Ú, ông Nguyễn Thái Ban, Phó chủ tịch xã Đắk Nia cho biết: Sau khi nhận được thông tin người dân về cho vay nặng lãi tại bon Srê Ú, trong đó đa số là bà con người dân tộc thiểu số, xã sẽ tiến hành rà soát lại tất cà những hộ đã vay vốn ngoài với lãi suất cao để có hướng giúp cho bà con hiểu biết về vay vốn, đồng thời hướng dẫn bà con tiếp cận với vay vốn đúng chổ, đúng theo quy định phát luật và sử dụng đúng mục đích nhằm đầu tư có hiệu quả kinh tế. Còn những đối tượng cho vay nặng lãi, xã sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan rà soát chấn chỉnh việc vay vốn đúng theo quay định của pháp luật, tránh ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, phát triển của địa phương, giúp bà con yên tâm sản xuất.


Theo K’GỬIH

hangnt

Báo Tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên