MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông dân lao đao với giá lúa giảm

06-03-2014 - 09:58 AM |

Trong khi vụ lúa đông xuân tại các tỉnh ĐBSCL đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch rộ, nhưng nông dân cho biết liên hệ với thương lái không được dù họ đã đưa tiền cọc.

Thương lái bỏ của chạy lấy người

Sáng 5-3, bà Nguyễn Thị Lập (thương lái mua lúa ở huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) gọi điện cho các doanh nghiệp xuất khẩu hỏi giá thu mua gạo để làm căn cứ tính giá lúa mua cho nông dân. Sau khi nghe được báo giá gạo chỉ còn 6.800 đồng/kg, bà đứng chết lặng. “Mới hai ngày trước giá gạo còn 7.400 đồng/kg, tui đặt cọc cả trăm triệu đồng mua hơn 200 tấn lúa với giá 4.700 đồng/kg. Với giá gạo mới này, tính ra giá lúa chỉ còn 4.400 đồng/kg, lỗ đứt 40 triệu đồng rồi. Chắc phải tạm thời không giao dịch mua bán” - bà Lập nói.

Theo bà Lập, rất nhiều thương lái hiện đang “bỏ của chạy lấy người” sau khi giá lúa rớt quá nhanh. Họ chấp nhận bỏ tiền đặt cọc chứ nếu mua vào sẽ càng lỗ nặng vì mua xong phải sấy, rồi xay xát để bán mất thêm mấy ngày nữa trong khi chẳng biết giá lúa có còn giảm nữa hay không. Ông N. - một nông dân tại thị trấn Mỹ An - cho biết đã nhận tiền cọc của một thương lái 3 triệu đồng/ha, với giá lúa IR50404 được thống nhất là 4.700 đồng/kg. Nhưng ngày 5-3, ông gọi điện cho thương lái cả chục lần để gút lại ngày thu hoạch lúa thì chỉ nghe... ò e í.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (xã Tân Ninh, Tân Thạnh, Long An) cho biết 3ha lúa đã đến ngày thu hoạch nhưng thương lái không chịu mua nên vẫn phải chờ. Theo chị Tuyết, ba tuần trước thương lái đã ra giá lúa 5.200 đồng/kg và đặt cọc 15 triệu đồng, nhưng bây giờ họ nói nếu bán 4.200 đồng/kg thì họ mới mua, còn không thì bỏ tiền cọc. “Giá này thì làm sao có lời chứ. Muốn giữ lại để chờ giá cũng khó vì toàn bộ phân, thuốc đều mua thiếu tính lãi. Tới đây còn phải trả tiền công máy gặt đập liên hợp nữa. Giờ bà con ở cánh đồng này ai cũng rầu thúi ruột hết” - chị Tuyết nói.

Cũng trong ngày 5-3, các nhà máy xay xát tại chợ đầu mối lúa gạo Tân Bình (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) chỉ lác đác vài người, thay cho cảnh hàng trăm thương lái tụ tập vừa chờ xay gạo vừa giao dịch mua bán của tuần trước đó. 

Ông Nguyễn Vũ Hoàng - chủ nhà máy xay xát Vũ Hoàng - cho biết do giá lúa gạo giảm quá nhanh, tất cả thương lái mua lúa ở khu vực này đều bị lỗ nên đã tạm nghỉ để... cắt lỗ. “Mấy tuần trước nhà máy của tui phải chạy 17-18 tiếng/ngày mới giải quyết hết lúa của thương lái, nhưng hai ngày qua chỉ chạy 6-7 tiếng/ngày. Thương lái mua lúa trong dân về rất nhiều nhưng không dám xay gạo vì thị trường quá ảm đạm, không có đầu ra” - ông Hoàng nói.

Giá lúa gạo diễn biến bất thường

 

Ngày 5-2

Ngày 20-2

Ngày 1-3

Ngày 5-3

Giá lúa tại ruộng

4.900  đồng/kg

4.600  đồng/kg

4.700  đồng/kg

4.300  đồng/kg

Giá gạo lứt

7.400  đồng/kg

7.200 đồng/kg

7.300  đồng/kg

6.800  đồng/kg

Doanh nghiệp không dám mua vào

Với giá lúa diễn biến khó lường, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay chỉ mua nhỏ giọt, thậm chí “án binh bất động”, không dám mua gạo lưu kho. Ông Lê Thanh Khiêm, phó giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, cho biết hiện công ty chỉ mua nhỏ giọt, hai tháng đầu năm nay chỉ bằng khoảng 64% cùng kỳ năm trước, đủ đáp ứng nhu cầu giao cho khách hàng chứ không dám mua nhiều vì sợ lỗ. “Mới giữa tuần trước giá gạo lứt 7.400 đồng/kg, nhưng hôm nay chỉ còn 6.700 đồng/kg và không thể biết ngày mai giá bao nhiêu” - ông Khiêm nói.

Ông Nguyễn Văn Đôn, giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cũng cho biết vừa bao tiêu hơn 200 tấn lúa trong cánh đồng mẫu lớn 250ha ở huyện Cái Bè, nên chỉ tập trung xay xát, chế biến gạo từ số lúa này để giao cho khách hàng. Ngoài ra, công ty chỉ mua một ít gạo hạt ngắn để giao cho các hợp đồng đã ký, chưa có hợp đồng gạo hạt dài nên tạm thời chưa mua. 

“Từ đầu vụ đến giờ tiêu thụ gạo mạnh là do thương lái mua chuyển ra phía Bắc và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Hiện nay giá lúa gạo giảm đột ngột thương lái cũng giảm mua. Nếu những ngày tới giá gạo ổn định, hi vọng tiêu thụ sẽ tăng trở lại” - ông Đôn nhận định.

Một lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam cho biết nguyên nhân giá lúa gạo trong nước giảm đột ngột là do Thái Lan xả hàng tồn kho số lượng lớn. Hiện nay Thái Lan đã xuất bán khoảng 800.000 tấn và tiếp tục đưa ra thêm 1 triệu tấn gạo nữa. Để lấy tiền giải quyết nợ của nông dân, Thái Lan chào giá bán gạo 5% tấm rất thấp, dưới 400 USD/tấn, gây khó khăn cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có VN. 

Cũng theo vị này, nhiều dấu hiệu cho thấy Thái Lan tiếp tục giảm giá gạo 5% tấm xuống 385 USD/tấn, nên chưa thể lường được thời điểm giá lúa gạo sẽ ổn định trở lại. Mặt khác, các bạn hàng truyền thống của VN như Philippines, Malaysia hiện vẫn chưa có tín hiệu mua tiếp.

Ông Phạm Văn Dư, phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết đến thời điểm này các tỉnh ĐBSCL chỉ mới thu hoạch gần 600.000ha lúa đông xuân trong tổng số hơn 1,6 triệu ha đã xuống giống. Dự kiến đến cuối tháng 3-2014, vùng này mới thu hoạch rộ, diện tích ước khoảng 700.000ha. 

Trước tình hình giá lúa gạo đang giảm mạnh, ông Dư khuyến cáo: “Chất lượng lúa gạo vụ đông xuân này rất tốt, cho nên bà con nông dân cần bình tĩnh. Nếu thấy giá thấp thì phơi khô đem về nhà trữ lại hoặc gửi ở các kho của công ty lương thực, khi nào giá tăng trở lại thì bán cũng không ảnh hưởng đến chất lượng”.

Mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo

Ngày 5-3, tại cuộc họp thường kỳ, Hiệp hội Lương thực VN cho biết Chính phủ đã đồng ý chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân. Thời gian bắt đầu mua sẽ do Bộ Công thương quyết định. Tuy nhiên, Cục Trồng trọt cho biết đã đề xuất thời gian mua tạm trữ bắt đầu từ đầu tháng 3 kéo dài đến giữa tháng 4-2014. Đây là thời gian vùng ĐBSCL thu hoạch rộ, sản lượng lúa gạo rất lớn, việc mua tạm trữ sẽ tránh được tình trạng giá lúa gạo giảm sâu.

Theo Vân Trường

khanhnt

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên