MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông sản Việt ‘loay hoay’ tìm đường sang Trung Quốc, vì đâu?

21-09-2015 - 09:10 AM |

Dù có nhiều thuận lợi khi xuất khẩu sang Trung Quốc, nông sản Việt vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường láng giềng rộng lớn với 1,3 tỉ người này.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đánh giá với dân số hơn 1,3 tỉ người, Trung Quốc là thị trường rất lớn và là một thị trường trọng điểm đối với nông sản Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2014 lên tới hơn 8 tỉ USD, chiếm khoảng 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước. Vì vậy, hằng năm, Chính phủ và Bộ Công Thương cũng như Bộ NN&PTNT luôn dành ưu tiên cho hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường này.

Theo ông Dự, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có rất nhiều thuận lợi trong hoạt động làm ăn với Trung Quốc. Hai nước có đường biên giới rất dài nên việc xuất khẩu hàng hóa sang nước này rất thuận tiện, giảm được chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, văn hóa và tập quán của hai nước tương đối giống nhau và sản phẩm của Việt Nam ngày càng được các khách hàng Trung Quốc ưa chuộng. Điều quan trọng nhất là Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các nước khác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động xuất khẩu nông sản của các DN sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do nước này phá giá đồng nhân dân tệ, khiến cho các sản phẩm của Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn so với các sản phẩm cùng loại của các nước như Ấn Độ và Bangladesh.

Một nguyên nhân khác khiến hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn là do các DN Việt Nam vẫn còn thiếu thông tin về thị trường này. Bên cạnh đó, các DN Việt Nam “ngại” nghiên cứu sâu về thị trường Trung Quốc. Họ vẫn làm ăn theo kiểu phong trào nên không cân đối được lượng hàng hóa sản xuất ra, dẫn đến tình trạng sản xuất thừa. Ngoài ra, các DN Việt Nam cũng gặp khó khăn do chính sách của Trung Quốc thường xuyên thay đổi. Họ luôn có hàng rào kỹ thuật để hạn chế xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Dự cho rằng để tăng cường xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường này, về phía Nhà nước, cần quan tâm hơn nữa tới hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư nhiều hơn cho hoạt động này. Hiện nay, mỗi năm, Nhà nước chi khoảng 100 tỉ đồng cho hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó kinh phí xúc tiến xuất khẩu nông sản là khoảng 10 tỉ đồng.

Theo nghiên cứu của WB, kinh phí xúc tiến thương mại của Việt Nam hiện chỉ bằng 1/30 mức bình quân của thế giới, bằng 1/15 kinh phí xúc tiến thương mại của Bangladesh và 1/12 của Thái Lan.

Về phần DN, cần tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh. Bởi vì, chỉ trong một thời gian ngắn sắp tới, các DN sẽ phải chịu sức ép rất lớn do thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản đều giảm về 0%.

Mặt khác, các DN phải quan tâm hơn nữa tới công tác nghiên cứu thị trường và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. DN làm xúc tiến thương mại sẽ hiệu quả hơn Nhà nước bởi các cơ quan Nhà nước chỉ đóng vai trò "bà đỡ" cho các DN.

 

PV

Theo TTXVN, Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên