MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quyết đấu tranh trong vụ kiện chống trợ cấp tôm

19-08-2013 - 09:08 AM |

Việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) quyết định đánh thuế chống trợ cấp (VCD) đối với tôm XK Việt Nam vào Mỹ khiến các DN XK rất bất bình.

Bởi vậy, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng như các cơ quan chức năng quyết đấu tranh đến cùng để đòi lại công bằng.

Thuế chồng thuế

Ngày 12-8, DOC đã quyết định áp mức thuế chống trợ cấp (CVD) lên các DN sản xuất, XK tôm của Việt Nam. Theo đó, mức thuế suất CVD đối với hai bị đơn bắt buộc là Công ty thủy sản Minh Quí và Công ty Thủy sản Nha Trang lần lượt là 7,88% và 1,15%. Mức thuế suất CVD toàn quốc cho tất cả công ty khác của Việt Nam XK vào Mỹ là 4,52%. Ngoài Việt Nam, các nước còn lại trong vụ kiện CVD đều có mức thuế suất cao hơn nhiều như Ecuador (10,13-13,51%), Trung Quốc (18,16%), Ấn Độ (10,54-11,14%)...

Theo VASEP, quyết định áp thuế CVD là một sự áp đặt bất công với các DN chế biến và XK tôm Việt Nam trong lúc các DN đang hoạt động theo cơ chế thị trường, không nhận trợ cấp của Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng không nhận được bất kỳ trợ cấp riêng biệt nào cho ngành tôm trong nhiều năm qua. 

Như vậy với quyết định này, các DN XK tôm Việt Nam vào Mỹ sẽ phải chịu 2 loại thuế là thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam NK vào Mỹ và thuế CVD, gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hơn 600.000 nông dân, người làm chế biến và XK tôm tại Việt Nam. 

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP khẳng định, đây là vụ kiện phi lý bởi ngành tôm ở Việt Nam và ngành tôm của Mỹ là hoàn toàn khác nhau về điều kiện sản xuất, chất lượng và có đối tượng tiêu dùng khác nhau. Trong khi tôm của Mỹ được đánh bắt ở biển, thì tôm của Việt Nam là tôm nuôi. Do đó, các sản phẩm tôm của Mỹ và Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với nhau.

VASEP còn cho rằng, không chỉ ngành tôm của Việt Nam và các nước khác chịu thuế này bị ảnh hưởng nặng nề, mà chính người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ chịu tác động trực tiếp khi phải trả giá cao hơn cho sản phẩm tôm NK. Hiện, tôm NK chiếm trên 90% tổng nguồn cung tôm cho thị trường Mỹ, trong khi năm 2012, ngành tôm nội địa nước này đã có sự tăng trưởng đáng kể về cả sản lượng và giá cả. Điều này cho thấy, tôm NK không có khả năng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến ngành tôm nội địa của Mỹ.

Đòi công bằng

Dù mức thuế suất có thấp hơn mức thuế suất sơ bộ mà DOC đưa ra hồi tháng 6-2013 (6,07%), nhưng theo đánh giá của VASEP cũng như các DN, đây là một phán quyết bất lợi đối với ngành tôm của Việt Nam do các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Thái Lan, Indonesia có mức thuế bằng 0. Với những lý lẽ, dẫn chứng trên, VASEP chính thức lên tiếng phản đối kết quả DOC đưa ra và đề nghị Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) xem xét công tâm và đưa ra quyết định đúng đắn và hợp lý nhằm chấm dứt hoàn toàn vụ kiện vô lý này.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, vụ kiện VCD do hai cơ quan của Mỹ là DOC và ITC tiến hành điều tra độc lập. Chỉ khi hai cơ quan này cùng đồng ý thì việc đánh thuế mới có hiệu lực. 

Do vậy, vụ việc này còn phải phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của ITC, dự kiến công bố vào ngày 26-9 tới. Nếu ITC xác nhận các DN Mỹ không bị thiệt hại thì vụ kiện sẽ chấm dứt hoàn toàn, toàn bộ các khoản tiền ký quỹ đã thu sẽ được hoàn trả cho các DN. Bên cạnh đó, khi đối diện với vụ kiện này, DN Việt Nam có thêm lợi thế, đó là sự ủng hộ từ các nhà NK Mỹ. 

Hiện tại, tôm NK chiếm trên 90% tổng nguồn cung tôm cho thị trường Mỹ. Với quyết định của DOC sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ, do họ sẽ phải trả giá cao hơn cho sản phẩm tôm NK mà họ đang quen tiêu thụ.

Như vậy, đây chưa phải là quyết định cuối cùng cho việc áp mức thuế VCD cho con tôm Việt Nam khi XK vào Mỹ. Do đó, ngay từ lúc này, các cơ quan chức năng cần khẩn trương phối hợp thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ ngành sản xuất, XK tôm của Việt Nam. 

Về phía cơ quan chức năng, bà Phạm Hương Giang, Phó Trưởng ban Phòng vệ thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay Cục Quản lý cạnh tranh đang phối hợp với luật sư tư vấn của Chính phủ cũng như phía hiệp hội và DN bị đơn để làm rõ hơn về phương pháp tính biên độ trợ cấp đối với tôm tươi, tức là nguyên liệu đầu vào do mức thuế suất hiện nay rất cao. 

“Trong trường hợp cần thiết và phát hiện có sai sót trong cách tính toán của cơ quan điều tra, Chính phủ Việt Nam sẽ đề nghị DOC xem xét sửa đổi kết luận về chương trình này”, bà Giang nhấn mạnh. 

Theo Phan Thu

khanhnt

Báo hải quan

Trở lên trên