MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rau quả VietGAP: Cần đầu tư khâu tiêu thụ

28-03-2014 - 21:01 PM |

Người tiêu dùng sợ rau quả nhiễm hoá chất nhưng rau quả sạch trồng theo tiêu chuẩn VietGAP - tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nông nghiệp vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng.

Tuần qua hội thảo về phát triển sản xuất rau an toàn do viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam tổ chức một lần nữa xới lại vấn đề này.

Kết quả đơn lẻ

Anh Trần Văn Thiện hiện đang trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP trên 2.500m2đất tại ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc môn, TP.HCM. Hàng năm anh Thiện thu hoạch khoảng 54 tấn chủ yếu là rau mùng tơi, rau dền. Anh Thiện kể, hầu hết số rau anh thu hoạch đều được hợp tác xã Ngã Ba Giồng thu mua. “Một tháng tôi có đưa rau ra chợ bán 1 - 2 lần, nếu hợp tác xã không thu mua hết hoặc khi rau vào mùa cần thu hoạch ngay”, anh Thiện nói. Khi đưa rau ra chợ anh Thiện bán bằng giá rau chợ, nhưng rau của anh thường bán được nhanh hơn.

Tại xã Xuân Thới Thượng có 12 hộ gia đình đang trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP như gia đình anh Thiện với sản lượng hàng năm cung ứng cho thị trường khoảng 350 tấn. Điều đặc biệt là, ở đây các hộ lựa chọn trồng các loại thị trường tiêu thụ nhiều nhưng ít khi trùng lặp chủng loại với nhau. Ví dụ như gia đình anh Thiện trồng rau mùng tơi và rau dền, gia đình ông Trần Ngọc Đềm trồng bầu và dưa leo, gia đình anh Trần Ngọc Yên trồng đậu đũa…

Ông Trần Văn Hợt, Chủ nhiệm Hợp tác xã Ngã Ba Giồng, nơi thu mua hầu hết sản lượng rau ở xã Xuân Thới Thượng, cho biết: “Trung bình mỗi tháng chúng tôi thu mua khoảng 90 tấn rau quả, sau đó sơ chế và giao cho hệ thống siêu thị Saigon Co.op, một số nhà trẻ và bếp ăn tập thể lớn”.

Theo ông Hợt, sau khi sơ chế, hàng loại 1 được đưa vào siêu thị, bếp ăn tập thể lớn, còn một ít hàng loại 2 sẽ được đưa ra chợ bán. Rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP bán bằng giá chợ nhưng bao giờ cũng nhanh hết hơn các loại rau khác. “Mình trưng biển hợp tác xã lên, ai cũng biết đó là rau sạch, giá bằng giá chợ nên bán rất nhanh”, ông Hợt kể.

Với ông Hợt, anh Thiện và nhiều hộ gia đình khác đang trồng rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Xuân Thới Thượng, công việc của họ đang có xu hướng ngày càng thuận lợi hơn. “Chúng tôi được chứng nhận tiêu chuẩn, được treo logo tiêu chuẩn để bán hàng, được các siêu thị bao tiêu hầu hết đầu ra, không có hàng huỷ, hàng tồn nên hiện giờ không gặp vấn đề gì”, ông Hợt chia sẻ.

Vẫn cần lòng tin và kênh phân phối

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng phòng giao dịch của Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội cho biết, nhu cầu của người tiêu dùng đối với rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là rất lớn, tuy nhiên lượng rau VietGAP sản xuất và cung cấp ra thị trường lại không nhiều. Các cơ sở sản xuất rau VietGAP mặc dù được đầu tư nhiều nhưng không phát triển được như kỳ vọng.

Theo bà Kim Oanh, do không thể kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng rau kể cả ở những hệ thống được coi là đảm bảo như siêu thị, cụ thể gần đây báo chí liên tục phanh phui việc rau bẩn tràn vào siêu thị kể cả Big C hay Metro, khiến lòng tin của người tiêu dùng bị khủng hoảng nặng nề, nên khi một cơ sở sản xuất rau an toàn chuẩn giới thiệu sản phẩm, kể cả cam kết bảo hành chất lượng nhưng người tiêu dùng vẫn không tin. Khi người mua đã không tin thì kể cả có nhu cầu, có tiền họ vẫn không muốn mua. Đó là lý do các cơ sở sản xuất rau an toàn chưa phát triển rộng được.

Bà Kim Oanh cho rằng, để phát triển sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP cần chú ý hai vấn đề: tìm cách giảm giá thành để rau an toàn ngày càng “phổ thông hoá” và hỗ trợ xây dựng các kênh phân phối. Cần dành it nhất 50% nội dung công việc và ngân sách cho việc phát triển thị trường và tổ chức mạng lưới tiêu thụ, tránh cách làm trước đây chủ yếu tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực sản xuất mà ít chú trọng đến thị trường.

Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, hiện tổng diện tích trồng rau cả nước có 823.700ha cho tổng sản lượng 14 triệu tấn/năm. Khoảng 85% sản lượng rau được tiêu thụ trong nước, 15% xuất khẩu. Số mẫu rau phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn mức cho phép vẫn ở mức cao, chiếm 5 - 7% sản lượng.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến tháng 12.2013 tổng diện tích chứng nhận VietGAP có khoảng 14.500ha, trong đó riêng thanh long của Bình Thuận là trên 7.000ha. Đến nay có 575 giấy chứng nhận VietGAP còn hiệu lực với diện tích là 8.228,04ha, trong đó rau là 1.185,77ha, quả là 2.510,66ha, lúa là 441,71ha, chè là 4.085,9ha, càphê là 4ha. Có khoảng hơn 10.000ha sản xuất an toàn theo hướng VietGAP.

Theo Lê Phượng

khanhnt

Thế giới tiếp thị

Trở lên trên