MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sạt nghiệp vì tôm, ngao chết hàng loạt

22-05-2013 - 13:48 PM |

Đợt nắng nóng vừa qua đã làm các chủ đầm nuôi thủy sản ở Nam Định thiệt hại lớn vì tôm, ngao chết.

Xã Giao Phong, H.Giao Thủy là vùng nuôi tôm có năng suất rất cao. Với diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 106 ha, gần 100 hộ nuôi đã đạt năng suất trung bình 10 tấn/ha, nhiều hộ đạt 14-15 tấn/ha, lãi tới 300 triệu đồng/ha. Do thắng lớn, năm nay người dân Giao Phong mở rộng diện tích lên trên 120 ha.

Tuy nhiên, có mặt ở Giao Phong những ngày này, sẽ thấy sự lo lắng của người nuôi tôm. Từ nửa tháng trước, khi trời nắng nóng gần 40 độ C, tôm chết nổi trắng mặt nước hàng loạt ao đầm.

Một hộ dân là ông Cao Văn Tranh có 1 ha tôm chết, kể: “Hôm trước tôm vẫn còn bơi lội tung tăng, sáng sau đã thấy tôm chết nổi trắng đầm. Đầu tư nuôi tôm có chi phí rất cao. Chỉ tính riêng tiền giống, tiền thức ăn đã vài trăm triệu, chưa tính đến tiền thau rửa đầm, thuê người nuôi thả”.

Cùng với ông Tranh, hàng loạt hộ khác đều có tôm chết như ông Hoàng Văn Thành mất 1 ha, Nguyễn Văn Bốn mất 0,6 ha, Nguyễn Văn Vượng 0,5 ha...

Tính sơ bộ, toàn xã Giao Phong có 15/42 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại vì tôm chết, tổng diện tích 11,2 ha.

Đa số tôm chết sau 30-40 ngày thả, trước khi chết thường hoạt động kém, ăn nhiều đột ngột, sau đó bỏ ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước hoặc dạt vào bờ.

Người nuôi tôm cho rằng nguyên nhân có thể là do thời tiết không thuận lợi, nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm chênh lệch cao.

Đáng nói là vụ việc xảy ra đúng lúc tôm đang được giá.

Ông Hoàng Văn Thành kể trong tiếc nuối: “Năm ngoái, giá tôm chỉ trên dưới 90.000 đ/kg (loại 70 con/kg) đã lãi vài trăm triệu/ha. Năm nay tăng gấp đôi, lên gần 200.000 đ/kg thì lại bị dịch”.

Theo ông Cao Văn Ba, Chủ nhiệm HTX nuôi tôm Giao Phong, mặc dù rất lo lắng nhưng các hộ có tôm chết vẫn tiếp tục thả con giống để nuôi lứa khác vì thấy tôm đang được giá. Nhiều hộ phải vay vốn để mua giống mới.

Mong muốn lớn nhất của người dân lúc này là các cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân tôm chết và có khuyến nghị để phòng ngừa, chữa trị.

Tương tự, tại các huyện ven biển khác của Nam Định như Hải Hậu, Nghĩa Hưng đều có hiện tượng tôm chết.

Không chỉ tôm, người nuôi ngao cũng đang khốn đốn vì trời nắng nóng.

Ông Nguyễn Văn Cửu, chủ doanh nghiệp Cửu Dung đồng thời là Chủ tịch Hội nuôi nhuyễn thể Giao Thủy cho biết, thời gian qua ngao thương phẩm nuôi trên địa bàn đã chết rất nhiều do trời nóng đột ngột.

Theo ông Cửu, nhiệt độ cao đột ngột ngay từ những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 khiến ngao há miệng.

Hơn nữa, cơn bão số 8 năm 2012 khi đổ bộ vào Nam Định đã dồn cát tại nhiều đầm nuôi ngao thành những cồn cao, khiến ngao thiếu thức ăn.

Theo ước tính sơ bộ, lượng ngao chết lên tới 25% sản lượng, tức xấp xỉ 4.000 tấn. Chỉ tính tiền đầu tư đã thiệt hại hàng chục tỉ đồng.

Những hộ mất nặng nhất là ông Nguyễn Văn Hiếu, xã Giao Xuân, mất 300 tấn; ông Trần Văn Viễn cùng xã mất hơn 100 tấn. Ngao chết ở hầu khắp các đầm, người mất ít cũng 5-7 tấn.

Thiệt hại do ngao chết tại Giao Thủy lớn hơn rất nhiều so với tôm chết.

Với 32 km bờ biển, H.Giao Thủy có khoảng 1.700 ha nuôi trồng thủy sản thì diện tích nuôi ngao chiếm hơn 1.500 ha với khoảng 1.600 hộ và tổ hợp sản xuất ngao giống và ngao thương phẩm.

Với khoảng 25% số ngao bị chết như vừa qua, sẽ có hàng ngàn lao động bị mất việc, hàng trăm hộ khốn đốn.

Theo Hoàng Long

khanhnt

Thanh niên

Trở lên trên