MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã tinh vi hơn

13-04-2012 - 09:17 AM |

Dư luận đang rất xôn xao trước thông tin về việc 1 tấn Gold Protein Peptide (SSI) có chứa chất tạo nạc của Công ty ÔNI được Bộ NN&PTNT cấp giấy phép nhập khẩu.

Trả lời phỏng vấn phóng viên, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không cấp phép nhập khẩu chất tạo nạc.

Dư luận đang rất xôn xao trước thông tin về việc 1 tấn Gold Protein Peptide (SSI) có chứa chất tạo nạc của Công ty ÔNI được Bộ NN&PTNT cấp giấy phép nhập khẩu. Thực hư vụ việc này ra sao, thưa ông?

Tôi khẳng định là chất SSI hoàn toàn được phép sử dụng trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông tại Việt Nam từ năm 2005. Đó là một dạng peptide của protein, được thuỷ phân từ đậu tương, làm cho con vật dễ tiêu hoá, hấp thụ thức ăn hơn.

Về nguyên bản, đó không phải là chất cấm. Tuy nhiên, có thể khi vào Việt Nam, chất này đã không còn nguyên bản nữa, mà đã bị đưa chất cấm tạo nạc salbutamol và clenbuterol vào. Chúng ta cần phải phân tích, xét nghiệm. Nếu đúng như vậy thì đó là sản phẩm làm giả. Công ty nào sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sản phẩm giả này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bộ NN&PTNT sẽ xử lý như thế nào các lô hàng SSI nhập khẩu từ nay về sau?

Hiện C49 (Bộ Công an) đang tiến hành điều tra. Trường hợp, SSI có chất cấm trước khi nhập về thì tất cả các lô sản phẩm này, về sau đều kiểm tra hết. Trường hợp khi nhập SSI về nước mới trà trộn chất cấm thì phải lấy mẫu kiểm tra, không làm đảo lộn sản xuất. Cục đang đề nghị cơ quan điều tra làm thật nhanh, có kết luận sớm, để xử lý việc này. Mặt khác, cơ quan hải quan có quyền lấy mẫu kiểm tra chất lượng, trong lúc này, những mặt hàng nào có nguy cơ cao về chất cấm, phải lấy mẫu để kiểm tra.

Vụ việc lần này cho thấy, khâu kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vẫn còn nhiều kẽ hở?

Về nguyên tắc, chất nào có trong danh mục mà Bộ cho phép, thì không cần phải xin phép các cơ quan quản lý nhà nước khi nhập khẩu; cơ quan quản lý chỉ tiến hành hậu kiểm. Đây là cách quản lý đúng. Lâu nay, chúng ta đều hậu kiểm không chỉ SSI, mà nhiều chất khác, nhưng chưa phát hiện ra chất cấm. Gần đây, nhiều đối tượng lợi dụng, trà trộn chất cấm vào SSI và nhiều loại thức ăn chăn nuôi. Cục Chăn nuôi và các địa phương đang tăng cường kiểm tra, nên vừa rồi, mới phát hiện ra một loạt các sai phạm có chất cấm.

Tôi cũng bất ngờ vì hình thức sử dụng chất cấm đã phức tạp hơn, tinh vi hơn, không chỉ xuất hiện ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mà cả ở các hộ chăn nuôi công nghiệp (thức ăn tự trộn), các cửa hàng, cửa hiệu. Chúng ta không thể khẳng định được tất cả nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập về Việt Nam hay đang lưu hành không có chất cấm hay chất tồn dư. Quan điểm của tôi là phải kiểm soát hay giám sát tất cả, chứ không chỉ riêng SSI. Và chất cấm cũng không chỉ có chất tạo nạc, mà là nhiều chất khác.

Sắp tới, Bộ NN&PTNT có nghiên cứu mở rộng danh mục chất cấm nhập khẩu?

Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, chúng tôi đang tăng cường kiểm tra về chất cấm vì nguy cơ vẫn còn rất nhiều.

Về danh mục hàng cấm nhập khẩu, chúng tôi đang rà soát để trình Bộ xem xét, vì mỗi ngày có nhiều chất mới được sản xuất. Tuần tới, chúng tôi  sẽ có cuộc họp bàn về vấn đề này, trong đó có đề cập một số chất có tác dụng tương tự SSI. 

Theo tôi, cần kiểm tra chất lượng tất cả các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trước khi thông quan vào Việt Nam, đặc biệt các loại hàng hoá có nguy cơ cao, có thễ nhiễm hoặc có thể sử dụng chất cấm, chứ không riêng SSI. Tất nhiên, đây là vấn đề lớn, bởi mỗi năm, chúng ta nhập hàng trăm chủng loại thức ăn chăn nuôi, với khối lượng lên tới 9-10 triệu tấn nguyên liệu. Cái khó ở đây là làm sao kiểm soát được chất lượng mà không gây ách tắc cho sản xuất.

Theo Thùy Liên
Báo Đầu Tư

huongnt

Trở lên trên