MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh long giá cao, nhiều người lo ế

07-01-2014 - 07:38 AM |

Đang ở mức giá đỉnh cao, nhưng không ít người trồng thanh long ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã nghĩ tới chuyện rớt giá.

Giá thu mua trái thanh long (ruột trắng) hiện đã tăng 5.000 – 10.000 đồng/kg trong vòng một tháng qua. Hiện nay, mức giá 25.000 – 27.000 đồng/kg, cao hơn ba ngày trước từ 4.000 – 5.000 đồng/kg, được cho là quá hấp dẫn với người trồng.

Ông Trương Văn Sáng, ở ấp Cầu Đôi, xã An Lục Long (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) bắt đầu trồng thanh long thử nghiệm với khoảng 0,1 – 0,2ha đất. Nếu như trước đây, người trồng thanh long để cây ra trái tự nhiên, mỗi năm một mùa thu hoạch trái, thì hiện nay, với kỹ thuật xông đèn kích thích cây ra hoa, nhà vườn có thể thu hoạch ba đợt trái trong năm. 

Theo ông Sáng, nếu giá bán ở mức 10.000 đồng/kg, nhà vườn canh tác tốt có thể thu được khoản lợi nhuận tương đương 50% mức doanh thu. Chính vì mức lợi nhuận quá hấp dẫn, ông Sáng đã phát triển thêm diện tích trồng thanh long lên 1,8ha.

Nông dân Nguyễn Văn Sáu, ở xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã trồng 1ha thanh long, trong năm 2013 đã đạt mức doanh thu hơn nửa tỉ đồng. Còn như ông Trương Văn Tân (cùng ấp Mỹ An B), với 0,5ha thanh long, trong năm ngoái, nhờ những đợt tăng giá cuối năm, ông cũng thu được khoảng 150 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong khi thanh long ruột trắng đang “lên hương” thì thanh long ruột đỏ phải ngậm ngùi, bởi vì, trong vòng một tháng, giá đã giảm 15.000 – 20.000 đồng/kg. Rất may là diện tích trồng thanh long ruột đỏ tại các địa phương hiện không đáng kể. 

Dù vậy, biến động trái chiều này vẫn được xem là cảnh báo sớm đối với trái thanh long trong xu thế đang phát triển ào ạt diện tích trồng thanh long. Trước đây, không ít loại nông sản khác cũng đã từng “lên đời”, nhưng ngay sau đó phải dở sống dở chết vì sản lượng tăng mà đầu ra bị khống chế.

Vùng ĐBSCL có diện tích trồng thanh long tập trung hầu hết ở các tỉnh Tiền Giang, Long An. Hiệu quả kinh tế trên loại cây trồng này đã khiến diện tích trồng cứ tăng liên tục. Năm 2010, tỉnh Long An chỉ có khoảng 1.000ha đất trồng thanh long, nhưng đến nay, diện tích thanh long ở tỉnh Long An đã ở mức trên 2.700ha. 

Ở tỉnh Tiền Giang, diện tích trồng thanh long hiện tại ở huyện Chợ Gạo ước khoảng 3.500ha, vượt khoảng 15% so quy hoạch cây trồng của huyện. Ở xã Mỹ Tịnh An, diện tích trồng thanh long đã chiếm gần 50% diện tích đất nông nghiệp trong xã và sự phát triển thêm diện tích trồng thanh long vẫn chưa dừng lại khi hiệu quả canh tác cây thanh long vẫn gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Ông Nguyễn Văn Anh, chuyên viên nông nghiệp xã Mỹ Tịnh An nhận định: “Chuyện ứ đọng thanh long, giá giảm thấp, ế ẩm… là điều khó tránh khỏi trong tương lai”. TS Hoàng Quốc Tuấn, giám đốc trung tâm Quy hoạch nông nghiệp (phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp Nam bộ) cho biết sản xuất trái cây rải vụ là cách làm khôn ngoan nhất.

Tuy nhiên, theo TS Võ Mai, phó chủ tịch hội Làm vườn Việt Nam, rải vụ chỉ mới là một trong những biện pháp nhằm tránh được mùa, rớt giá, quan trọng hơn là việc biến ưu thế rải vụ trái cây ở khu vực miền Tây Nam bộ thành thế mạnh trong chuỗi cung ứng. Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, viện trưởng viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam lại băn khoăn: “Xuất khẩu trái cây phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khoảng 54% trong khi thị trường này luôn bấp bênh!”

Theo Ngọc Tùng

khanhnt

Sài Gòn tiếp thị

Trở lên trên