MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường phân bón: Khi “ông lớn” sợ… các trung tâm nhỏ

18-10-2013 - 16:56 PM |

Rõ ràng, đã có một cuộc cạnh tranh ngầm giữa các cơ quan, DN có chức năng kiểm định chất lượng hàng hóa với nhau dẫn tới góp phần làm rối thêm thị trường phân bón vốn dĩ đang hỗn loạn từ trước.

Hàng “giả”...

Không ít DN “đại gia” kinh doanh lĩnh vực phân bón đã “ngớ người” khi nhận được thông tin từ các Chi cục Quản lí thị trường (QLTT), Chi cục QL chất lượng nông lâm sản, Thanh tra Sở NN&PTNT các tỉnh về việc “phát hiện dấu hiệu hàng giả, hàng kém chất lượng” tại các cơ sở, đại lý phân phối các mặt hàng sản xuất, nhập khẩu của các Cty này. 

“Nghịch lý là, bây giờ các DN có tiềm lực thì lại “bó tay” và nghi ngại trước những chứng  thư kiểm nghiệm hàm lượng sản phẩm của các trung tâm nhỏ - những đơn vị cấp Phòng trực thuộc cơ quan quản lý ngành nông nghiệp hoặc các đơn vị sự nghiệp có thu của Sở Khoa học – công nghệ các tỉnh. Hay nói cách khác: DN lớn đang sợ các trung tâm nhỏ” – Chủ tịch HĐQT của một “đại gia” kinh doanh phân bón bình luận.

Quả thật, đến nay Hiệp hội phân bón Việt Nam vẫn chưa thể đưa ra được con số thống kê chính xác về những  trường hợp DN đã bị tạm đình chỉ lưu thông, kinh doanh phân bón kiểu như thế, nhưng chỉ với một vài trường hợp điển hình dưới đây đã đủ thấy sự nghiêm trọng trước vấn đề này. 

Ngày 14-6-2013, Phòng kiểm nghiệm của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường - chất lượng một tỉnh Tây Nguyên trả lời Chi cục QLTT tỉnh này về lô phân kaly nhập khẩu của một DN có trụ sở tại Hà Nội trong đó, thành phần chủ yếu là K2O chỉ đạt 46% - điều này có nghĩa là DN này đang lưu hành sản phẩm kém chất lượng có dấu hiệu kinh doanh hàng giả. 

“Tá hỏa tam tinh” DN vội vàng cử đại diện tới tận đại lý lấy mẫu cùng cơ quan QLTT gửi về trung tâm Tiêu chuẩn ĐL – CL  CL3 (QUATES3) của Bộ Khoa học – Công nghệ kiểm định lại thì tỉ lệ này đạt tới 61%. 

Nhờ vậy quyết định tạm đình chỉ lưu hành loại phân bón nói trên của DN được dỡ bỏ sau gần một tuần gây không ít tốn kém phiền toái cho họ. Hàng loạt Cty khác cũng phải làm công văn khiếu nại, yêu cầu tái kiểm tại các đơn vị giám định tiêu chuẩn quốc gia để chứng minh sự trong sạch của mình, lúc xảy ra những sự kiện tương tự. 

Chẳng hạn, với mẫu có mã số 1211196 do Chi cục QLTT tỉnh Long An lấy với lô hàng phân DAP Korea nhập khẩu ngày 9-10-2012 được kiểm nghiệm tại trung tâm phân bón vùng Nam Bộ của Cục trồng trọt thì tỉ lệ đạt được là Nitơ 16,65% (không đạt tiêu chuẩn) P2o5 45,52%. 

Điều đáng ngạc nhiên là cùng với mẫu này, cơ quan QLTT gửi tái kiểm tại trung tâm của Bộ Khoa học  - Công nghệ thì kết quả thu nhận là: Nitơ 17,3%, P2O5 46,8% (cao hơn kết quả do trung tâm vùng đưa ra từ 0,65% - 1,28%). 

Đại diện của Vinacam – một DN nhập khẩu phân bón lớn khác dẫn chứng thêm: “Với Cty chúng tôi, điều này cũng lặp đi lặp lại không kém: Tại mã số 1212221 ngày 7-1-2013 do Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre gửi mẫu lô kaly Ixrael được một Trung tâm vùng tại TP HCM khảo nghiệm phân tích có kết quả: Thành phần chủ yếu K2O đạt 56,73%, cũng với mẫu trên khi Thanh tra Sở NN – PTNT tỉnh này gửi đi giám định tại Vinacontrol lại có kết quả đạt tới 61,03%. 

Một dẫn chứng khác tại phiếu kết quả thử nghiệm 12089 ngày 15-5-2013 đối với lô Kaly nhập khẩu do Thanh tra Sở NN – PTNT tỉnh Lâm Đồng gửi mẫu cho trung tâm vùng Nam Bộ của Cục trồng trọt thì xác định chỉ tiêu K2O chỉ đạt 47,5%. Tuy nhiên, khi DN khiếu nại, cũng với mẫu và cơ quan gửi như trên, tới QUATES3 thì kết quả chỉ tiêu K2O đạt 60,6%, chênh lệch cao hơn 13,1% một con số ngay cả giới chuyên môn phải ngạc nhiên”.

DN đã phải “tố khổ” vấn đề này tới Phó Thủ tướng.

Cuộc cạnh tranh ngầm bao giờ chấm dứt?

Rõ ràng, đã có một cuộc cạnh tranh ngầm giữa các cơ quan, DN có chức năng kiểm định chất lượng hàng hóa với nhau dẫn tới góp phần làm rối thêm thị trường phân bón vốn dĩ đang hỗn loạn từ trước. Đương nhiên, sự tin cậy và thuyết phục cuối cùng vẫn thuộc về các đơn vị có truyền thống, trang thiết bị tiên tiến, uy tín lâu năm trong lĩnh vực giám định chất lượng hàng hóa nhập khẩu như QUATES3, Vinacontrol, SGS… những chứng thư được đưa ra bởi các trung tâm thuộc Cục, Sở nói trên cũng đã gây ảnh hưởng lớn đến DN và điều này có thể kéo dài vì đến nay chưa có một quy định nào phủ nhận kết quả của những kiểu kiểm nghiệm sai lệch với chuẩn mực chuyên ngành nói trên. 

“Hơn thế, khi các chứng thư kiểm định của các trung tâm nhỏ này chênh lệch quá lớn với những nơi có uy tín và chuyên môn đã được khẳng định thì việc sử dụng kết quả của đối tượng nào và cơ quan nào đứng ra làm “trọng tài” cũng chưa được Bộ Khoa học  - Công nghệ quy định rõ. 

Có lẽ việc thiết kế Luật Quản lý chất lượng đo lường và tiêu chuẩn tới đây cần đưa vào điều khoản này chứ với tình hình hiện nay chỉ cần cơ quan QLTT, Thanh tra chuyên ngành thiếu thận trọng, báo chí đưa tin thiếu kiểm chứng… thì DN sẽ lãnh đủ trên thương trường” – luật sư Vũ Duy Hải, một chuyên gia thị trường phân bón phân tích.

Theo Huy Hoàng

khanhnt

Pháp luật xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên